Sản Xuất Trái Cây Theo Hướng GAP
Sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ở khu vực ĐBSCL được nhiều nhà vườn áp dụng thành công với giá trị, sản lượng nâng lên đáng kể và đã tiêu thụ được ở nhiều thị trường trong, ngoài nước.
Ông Nguyễn Văn Tân, nhà vườn trồng sầu riêng tại xã Sơn Định, huyện Chợ Lách (Bến Tre), cho biết: Cái được trong việc sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP là ứng dụng quy trình sản xuất sạch, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn khi cung cấp đến tay người tiêu dùng.
Qua một thời gian cho thấy, nhà vườn hoàn toàn có khả năng thực hiện các quy trình thực hành nông nghiệp tốt nhưng phải được sự quan tâm và hỗ trợ từ Nhà nước, nhà khoa học, tổ chức đánh giá, tư vấn, doanh nghiệp chế biến, các siêu thị, nhà xuất khẩu.
Theo ông Tân, lúc mới triển khai quy trình VietGAP, nhiều tổ viên trong tổ hợp tác gặp khó khi tiếp cận với phương thức sản xuất mới, nhất là việc ghi chép nhật ký hàng ngày. Tuy nhiên, nhờ được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật nên bà con cũng đã quen.
Theo đó, VietGAP đã trả lại ngay cho nhà vườn thành quả là: năng suất tăng lên khoảng 3 tấn/1.000m2/năm, chất lượng trái sầu riêng nâng lên, giảm chi phí đầu tư, giá bán trung bình từ 20.000-25.000 đồng/kg, thu nhập nhà vườn ổn định, đạt lợi nhuận cao. Đặc biệt, khi nhà vườn cùng sản xuất VietGAP thì tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế của tổ viên được thể hiện rất tốt, có nhiều hộ trong tổ đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Tất cả các tổ viên trong tổ hợp tác sản xuất sầu riêng không còn hộ nghèo và cận nghèo.
Mục tiêu của tổ hợp tác sầu riêng VietGAP là nâng cao thu nhập trên từng đơn vị sản xuất với thu nhập 100 triệu đồng/ha. Tuy nhiên theo ông Tân, để mở rộng diện tích sầu riêng VietGAP, ngành nông nghiệp cần tiếp tục có những chính sách đầu tư hỗ trợ nhà vườn thực hiện các quy trình canh tác mới theo hướng chất lượng cao, an toàn, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển toàn diện.
Ông Nguyễn Văn Bạn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Định, cho biết: Xã hiện có khoảng 800ha vườn cây ăn trái như: sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh… trong đó có khoảng 90ha sầu riêng chuyên canh. Trước khi xây dựng mô hình, đa số nhà vườn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và tự phát, kỹ thuật sản xuất không đồng bộ, chi phí đầu tư cao, hiệu quả kinh tế thấp, ý thức sản xuất gắn với bảo vệ môi trường còn rất hạn chế.
Từ khi bà con liên kết sản xuất sầu riêng VietGAP thì trình độ sản xuất đã tăng khá cao, có ý thức tốt trong bảo vệ môi trường, việc vứt bỏ các phế phẩm thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường không còn nữa. Thay vào đó là các tổ viên đã chủ động thu gom lại và tiêu hủy đúng cách. Hiện tại, đã có 33 hộ dân ở ấp Sơn Phụng và Sơn Châu tham gia sản xuất sầu riêng VietGAP trên diện tích khoảng 16ha, sản lượng khoảng 360 tấn/năm.
Cuối tháng 3-2013, tổ hợp tác sầu riêng Sơn Định đã được cấp giấy chứng nhận tuân thủ theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP. Chứng nhận này đã mở ra một tương lai mới cho cây sầu riêng vốn là thế mạnh của xã Sơn Định nói riêng và trên địa bàn huyện Chợ Lách nói chung.
Giá trị của trái cây GAP ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài nước tín nhiệm nên ở Bến Tre càng có nhiều nhà vườn tham gia sản xuất. Ông Lê Tân Kỳ, Chủ nhiệm HTX bưởi da xanh Mỹ Thạnh An, ở TP.Bến Tre, cho biết: 20 xã viên của HTX đang canh tác 7ha bưởi da xanh rất hài lòng với việc sản xuất trái cây theo quy trình VietGAP. Mỗi năm HTX sản xuất được khoảng 70 tấn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, theo đó HTX chào bán rất nhiều thị trường, giá bán rất cao. Hiện tại, trái bưởi da xanh của HTX Mỹ Thạnh An bán tại vườn đang ở mức 50.000-60.000 đồng/kg loại 1kg trở lên.
Ở Hậu Giang đã có 54ha bưởi Năm Roi đã đạt chứng nhận GlobalGAP và được Công ty The Fruit Republic của Hà Lan bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân. Trái chanh không hạt của HTX nông nghiệp Thạnh Phước đang được siêu thị và một công ty ở tỉnh Kiên Giang bao tiêu toàn bộ sản lượng. Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Thạnh Phước, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, báo tin vui: Trái chanh không hạt sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP của HTX đang tiêu thụ ổn định ở nhiều thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thị trường trong nước, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ lâu dài với hệ thống Siêu thị Co.opMart. Thị trường xuất khẩu thì HTX đang ký ủy thác bán cho các công ty xuất khẩu sang Trung Đông, châu Âu với giá 10.000-30.000 đồng/kg tùy theo mùa. Sản lượng khoảng 45 tấn chanh không hạt/tháng để xuất bán đi các nơi. Ngoài ra, còn sản xuất cây giống để bán cho các trại giống và người trồng với số lượng khoảng 100.000 cây mỗi năm. Thu nhập của xã viên đạt từ 3-5 triệu đồng/tháng, nhiều hộ từ diện nghèo đã vươn lên khá giả.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, ĐBSCL có gần 300ha được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP thì tỉnh Bến Tre có gần 200ha với trên 300 nhà vườn tham gia. Chất lượng cây, trái ngon, an toàn từng bước được cải thiện đáng kể. Các loại cây ăn trái đặc sản như: măng cụt, bưởi da xanh, nhãn tiêu da bò… đã đạt được chứng nhận như VietGAP, góp phần nâng cao giá trị trên từng đơn vị diện tích và thu nhập cho nhà vườn. Hầu hết trái cây sản xuất theo tiêu chuẩn GAP đã bán được nhiều thị trường như: châu Âu, Mỹ, Hà Lan… nên giá trị trái nâng lên, bước đầu đã góp phần quảng bá, nâng cao thương hiệu trái cây Việt Nam trên thị trường quốc tế
Related news
Việc thí điểm phát triển chăn nuôi (PTCN) bò sữa theo vùng (từ năm 2008 đến 2010) tại Hà Nội thành công đã khẳng định với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của Hà Nội thì PTCN theo vùng, quy mô lớn ngoài khu dân cư là hướng đi tốt. Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã tham mưu đề xuất Chương trình PTCN theo vùng, xã trọng điểm và PTCN quy mô lớn ngoài khu dân cư giai đoạn 2011 - 2015 và đã được UBND thành phố phê duyệt.
Cho ngan ăn sau một ngày bỗng thấy hàng trăm con ngan trong trại lăn đùng ra chết. Xung quanh vấn đề này ông Lỗ Cao Chí, chủ trang trại ngan nghi vấn có thể do loại thức ăn hỗn hợp dành cho vịt, ngan hiệu Herofeed 3002 của Cty CP Dinh dưỡng Việt Tín
Trước thực trạng ngày càng nhiều người nuôi tôm ở Ấn Độ chuyển sang nuôi tôm chân trắng, nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo người nuôi thận trọng trong từng khâu sản xuất mới có thể duy trì sản lượng cao.