Sản Xuất Lúa VietGAP Từ Cánh Đồng Mẫu Lớn
Author:
Publish date: Saturday. May 12th, 2012
Theo định hướng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, những năm qua, TP Cần Thơ đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm nâng cao chất lượng đầu ra cho ngành lúa gạo thành phố. Trong đó, mô hình Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã khẳng định hiệu quả bước đầu và được nông dân trồng lúa đồng thuận hưởng ứng. Hiện nay, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đang tập trung vận động doanh nghiệp, nông dân tham gia nhân rộng mô hình tạo tiền đề tiến tới liên kết sản xuất lúa theo hướng VietGAP.
Xây dựng nền tảng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, toàn thành phố hiện có gần 89.000 ha đất trồng lúa, sản lượng đạt 1,1 - 1,2 triệu tấn/năm. Trong đó, diện tích trồng lúa chất lượng cao chiếm trên 80%, với các giống lúa thơm đặc sản như Jasmine 85, VD 20... được sản xuất quy mô lớn phục vụ xuất khẩu. Ngoài định hướng phát triển, ngành nông nghiệp thành phố còn phổ biến kỹ thuật về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, công nghệ sinh thái... giúp nông dân ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất lúa, nâng cao năng suất, sản lượng, từng bước cải thiện thu nhập cho người trồng lúa.
Chương trình “3 giảm 3 tăng” được triển khai tại TP Cần Thơ vào năm 2003 với nguồn viện trợ từ Viện lúa Quốc tế (IRRI) và hàng loạt “Cánh đồng 3 giảm 3 tăng” được hình thành. Tiếp đến vụ đông xuân 2005 - 2006, Chương trình hỗ trợ ngành nông nghiệp (ASPS) thực hiện các hoạt động lồng ghép ở 12 nhóm nông dân thuộc huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ giúp nông dân liên kết sản xuất lúa giống, tự cung cấp nguồn giống xác nhận cho các hộ nông dân trong nhóm và chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất ngay từ đầu vụ. Ngoài ra, vụ đông xuân 2009 - 2010, TP Cần Thơ triển khai mô hình “Cộng đồng quản lý dịch hại lúa trên cánh đồng một loại giống” với quy mô 30 - 60 ha ở huyện Vĩnh Thạnh, Công ty Mê Kông và Công ty Cổ phần Gentraco đã bao tiêu được hơn 2.800 tấn lúa OM 7347, Jasmine 85 với giá thu mua từ 4.650 - 4.750 đồng/kg (giá thị trường chỉ 4.500 - 4.600 đồng/kg)...
Theo nhận định của ngành nông nghiệp, TP Cần Thơ đã hình thành những mô hình sản xuất lúa tiên tiến quy mô lớn, tạo nền tảng cho việc phát động và nhân rộng mô hình CĐML. Trong vụ hè thu 2011, thành phố triển khai thí điểm mô hình CĐML 400 ha tại ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh với 208 nông hộ tham gia. Sản xuất theo CĐML, nông dân được đảm bảo đầu vào - đầu ra, tiết giảm chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng trung bình 4,6 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Văn Thành, Tổ trưởng Tổ Hợp tác Đồng Vạn, ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, nói: “CĐML ở ấp Thầy Ký được xây dựng trên nền tảng hoạt động của Tổ Hợp tác Đồng Vạn. Do đó, nông dân đã có thói quen hợp tác, trao đổi kỹ thuật và kinh nghiệm trong sản xuất. Chúng tôi cùng đi thăm đồng, thảo luận về những vấn đề vướng mắc trong sản xuất và đưa ra các giải pháp quản lý đồng ruộng theo hướng an toàn sinh học kết hợp với ghi chép sổ tay sản xuất lúa”...
Hướng đến “cánh đồng VietGAP”
Với những thành công bước đầu, UBND TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 56/KH-UBND về việc nhân rộng mô hình CĐML trong vụ đông xuân 2011 - 2012. Theo đó, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đã triển khai xây dựng 9 mô hình, quy mô trên 1.830 ha tập trung ở huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Thốt Nốt. Năng suất lúa vụ đông xuân đạt 7,78 - 8 tấn/ha, giá thành sản xuất dao động 2.558 - 3.166 đồng/kg lúa, giảm 423 - 466 đồng/kg so với lúa trồng ngoài mô hình và giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 4,8 - 5,3 triệu đồng/ha.
Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng một cách đồng bộ trong CĐML, rút ngắn chênh lệch về năng suất lúa giữa các nông hộ tham gia mô hình và nâng cao năng suất bình quân toàn cánh đồng. Đây cũng là con đường để tái cơ cấu sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại thông qua liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”. Tuy nhiên, theo bà Kiều, CĐML chỉ dừng lại ở việc ứng dụng đồng bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa nhằm tăng năng suất, chất lượng mà chưa chú trọng đến việc tập huấn năng lực quản lý cho người nông dân. Do vậy, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) trên nền mô hình CĐML là phương pháp tối ưu giải quyết bất cập này. Sản xuất theo quy trình VietGAP không chỉ nâng cao chất lượng đầu ra mà còn bảo đảm an toàn cho sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
Trên cơ sở thành công bước đầu của mô hình CĐML, UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng mô hình CĐML theo hướng VietGAP” (gọi tắt là Đề án) với quy mô 400 ha, gồm 206 nông hộ tham gia và chọn ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh làm điểm chỉ đạo. Đề án được thực hiện trong 3 vụ: đông xuân 2011 - 2012, hè thu 2012 và đông xuân 2012 - 2013. Mục tiêu của Đề án là hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn gắn kết sản xuất với tiêu thụ thông qua mối liên kết “4 nhà”. Đồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa nhằm giảm giá thành, khai thác tối đa tiềm năng năng suất, nâng cao chất lượng hạt lúa, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu... Hình thành CĐML theo hướng VietGAP, giai đoạn đầu, UBND TP Cần Thơ và ngành nông nghiệp thành phố sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi, trạm bơm điện hoàn chỉnh. Đồng thời, tiến hành khảo sát, tập huấn, hội thảo và hình thành mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy phục vụ sản xuất nhằm hạn chế tối đa thất thoát sau thu hoạch...
Ông Đoàn Đức Trường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, nói: “Trong CĐML quy mô 400 ha ở ấp Thầy Ký đã có 63 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, Tổ Hợp tác Khiết Tâm ở ấp D2, xã Thạnh Lợi cũng sản xuất theo tiêu chí GlobalGAP với diện tích 50 ha. Như vậy, song song với việc thực hiện mô hình CĐML là quá trình rút kinh nghiệm để từng bước hoàn thiện nội dung và phương pháp tổ chức cho những mô hình tiếp theo”. Đến nay, sản xuất nông sản theo quy trình VietGAP vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể cho nông dân, đặc biệt là hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho rằng, TP Cần Thơ chỉ mới trong giai đoạn sản xuất lúa “theo hướng VietGAP”, quá trình đi đến công nhận sẽ gặp không ít “gian nan”. Nhưng đây là con đường xây dựng thương hiệu, tạo thế cạnh tranh, điều kiện thuận lợi để nông sản Việt Nam xâm nhập thị trường thế giới, qua đó giải quyết rốt ráo bài toán nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
Related news
VietGAP Cho Sầu Riêng
Từ khi triển khai chương trình VietGAP, nhiều nông dân ở xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đã ý thức xây dựng những vườn sầu riêng với năng suất và chất lượng cao.
Saturday. May 12th, 2012
Tăng Cường Phòng, Chống Dịch Bệnh Cho Tôm Ở Ninh Hải (Ninh Thuận)
Vụ hè-thu năm 2013, huyện Ninh Hải dự kiến thả nuôi khoảng 500 ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng, tập trung chủ yếu ở vùng Đầm Nại.
Saturday. May 12th, 2012
Nà Hang Và Mục Tiêu Phát Triển Kinh Tế Thủy Sản
Với nguồn tài nguyên nước phong phú, cùng diện tích mặt nước hồ thủy điện Tuyên Quang trên 8.000 ha, Nà Hang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi và khai thác thủy sản..
Saturday. May 12th, 2012