Sản xuất lúa gạo an toàn, đạt chất lượng cao
Sản xuất lúa gạo an toàn, bền vững, đạt chất lượng cao là một trong những mục tiêu mà Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) chuyển giao đến bà con nông dân và các hợp tác xã (HTX) thông qua việc tập huấn các kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”. Đặc biệt với các HTX, ngoài việc được dự án hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong sản xuất lúa, Dự án VnSAT còn hỗ trợ xây dựng nhà kho, đường giao thông, cầu và các trang thiết bị cần thiết tại HTX. Một trong nhiều HTX được Dự án VnSAT hỗ trợ kỹ thuật sản xuất lúa đem lại hiệu quả tốt đó là HTX Nông nghiệp Thọ Hòa Đông A, xã Phú Tâm (Châu Thành).
Giám đốc HTX Nông nghiệp Thọ Hòa Đông A Huỳnh Minh Dũng bên ruộng lúa của HTX. Ảnh: Thúy Liễu
Ông Trần Thành - thành viên HTX tâm tình: “Tôi canh tác 14 công lúa, làm 3 vụ lúa/năm, năng suất bình quân ước đạt 7 tấn/ha, trừ chi phí lợi nhuận gần 22 triệu đồng/vụ/năm. Nói thật, nếu như không vào HTX và chưa qua lớp tập huấn “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” do Dự án VnSAT hướng dẫn chắc chắn năng suất lúa không đạt được như trên. Bởi thói quen làm lúa theo kiểu truyền thống, hễ thấy lúa kém xanh là mua phân bón, sạ lúa lúc nào cũng nghĩ sạ dày thì lúa cho năng suất cao nhưng trái lại làm năng suất lúa giảm, sâu hại, dịch bệnh lúa nhiều. Vì vậy, khi áp dụng kỹ thuật “1 phải 5 giảm” hay “3 giảm 3 tăng”, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm giống gieo sạ, nhờ đó, giảm chi phí giống đầu tư, tăng lợi nhuận… chất lượng lúa đảm bảo an toàn cung ứng ra thị trường”.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Thọ Hòa Đông A Huỳnh Minh Dũng chia sẻ: “Tiền thân của HTX đi lên từ Câu lạc bộ IPM. Qua thời gian hoạt động nâng chất lên thành HTX có tổng diện tích canh tác 384ha với 543 thành viên tham gia. HTX sản xuất lúa 3 vụ/năm, năng suất bình quân ước đạt từ 6 tấn đến 7 tấn/vụ/ha. Nếu như trước đây, bà con nông dân làm lúa theo hình thức riêng lẻ đã ảnh hưởng đến việc lựa chọn các giống lúa do ai thích giống lúa nào sạ giống đó, dẫn đến việc làm lúa không đồng loạt, sâu hại, dịch bệnh tấn công lúa và thường giống lúa không đạt chất lượng nên giá bán thấp. Nhưng kể từ lúc bà con tập hợp thành lập HTX đã tạo sự đoàn kết, nhất trí cùng nhau trong tất cả thành viên, thể hiện rõ nhất là HTX canh tác cùng giống lúa, gieo sạ cùng thời điểm, bón phân, phun thuốc, thu hoạch đồng loạt… Ngoài thực hiện đúng lịch thời vụ của ngành chuyên môn khuyến cáo, tất cả thành viên HTX đều áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa do Dự án VnSAT triển khai đến thành viên vào từng vụ mùa trước khi gieo sạ nên đã giảm được lượng giống gieo sạ, giảm sâu bệnh trên lúa, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận 20%”.
Chủ tịch UBND xã Phú Tâm Cao Thùy Thiên Trang cho biết: “Trên địa bàn xã có 14 tổ hợp tác nông nghiệp và 1 HTX nông nghiệp chuyên canh tác lúa. HTX Nông nghiệp Thọ Hòa Đông A hoạt động rất hiệu quả và được tỉnh chọn làm thí điểm đưa cán bộ trẻ về quản lý HTX. Bên cạnh đó, HTX đã được Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững phê duyệt kinh phí hỗ trợ xây dựng con đường, cây cầu, nhà kho, lò sấy. Và với sự hỗ trợ trên, tin rằng thời gian tới, HTX càng lớn mạnh hơn nữa, góp phần nâng cao thu nhập thành viên, giúp thành viên giàu bền vững…”.
Giám đốc HTX Huỳnh Minh Dũng cho biết thêm: “Khi HTX có nhà kho, lò sấy do Dự án VnSAT đầu tư sẽ giúp ích rất nhiều cho hoạt động của HTX. Chính vì vậy, để thuận tiện trong việc triển khai dự án, HTX đã chuẩn bị sẵn diện tích đất 3.000m2. Đồng thời, sau khi công trình do dự án đầu tư hoàn thành, HTX sẽ tổ chức sản xuất giống, dự trữ lượng giống cung ứng đến thành viên và bà con nông dân. Hiện tại, HTX đã và đang sản xuất các dòng lúa chất lượng cao và định hướng của HTX sẽ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ để đưa vào tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị cũng như phục vụ thị trường xuất khẩu”.
Related news
Ông Nguyễn Văn Hiếu, 65 tuổi, ở khu vực Bình Chánh, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên nuôi dúi thành công trên đất Cần Thơ.
Cơ sở cơ khí Phan Tấn, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã nghiên cứu, sản xuất thành công máy thu hoạch bắp (PT-B1.7). Máy có thể thu hoạch bắp theo hàng
Trong những năm gần đây, vùng ven biển tỉnh Trà Vinh phát triển mạnh phong trào nuôi tôm, trong đó mô hình nuôi tôm kết hợp với trồng rừng được xem là đặc thù