Sản xuất giống thủy sản lên tầm mới
Sản xuất giống thủy sản năm 2019 đã có những bước phát triển mạnh. Công tác ban hành, phổ biến, thông tin tuyên truyền về các văn bản quy phạm pháp luật; công tác quản lý, kiểm tra, giám sát được thắt chặt nhằm nâng cao chất lượng giống; đã nghiên cứu, sản xuất, cung ứng con giống… không chỉ đáp ứng nhu cầu, mà còn chiếm được niềm tin của người NTTS trên khắp cả nước.
Sản xuất giống cá tầm đã có sự đột phá trong thời gian gần đây - Ảnh: CTV
Khó khăn không cản được bước tiến
Sau khi Luật Thủy sản được Quốc hội thông qua tháng 11/2017, Bộ NN&PTNT; Chính phủ đã nỗ lực xây dựng và ban hành các Nghị định; Thông tư hướng dẫn triển khai Luật. Theo đó, để kịp triển khai các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn, Tổng cục Thủy sản đã hướng dẫn cho gần 200 cán bộ quản lý của các địa phương và phổ biến đến các doanh nghiệp, người dân để cùng nhau thực hiện. Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản cũng đã phối hợp với các địa phương ven biển thực hiện ký quy chế phối hợp trong quản lý giống tôm nước lợ. Điều này đã mang lại hiệu quả tích cực, kịp thời cung cấp thông tin từ các địa phương sản xuất, cung ứng tôm giống đến các địa phương, minh bạch số lượng tôm giống không qua kiểm dịch, tôm giống kém chất lượng.
Ngoài ra, dù còn nhiều khó khăn, nhất là trước bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra khó lường, song có thể thấy, năm 2019, ngành sản xuất giống đã làm rất tốt nhiều mặt như: Công tác xây dựng kế hoạch mùa vụ thả giống; thông tin tuyên truyền, chỉ đạo sản xuất; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật…
Điểm sáng của ngành sản xuất giống thủy sản năm 2019 là sự đột phá trong sản xuất giống cá tầm, một trong các đối tượng cá nước lạnh được nuôi khá phổ biến hiện nay ở nước ta. Du nhập vào Việt Nam hơn 10 năm nay, nghề nuôi cá cá nước lạnh (cá tầm và cá hồi) đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân, đặc biệt tại các tỉnh vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, nhưng vấn đề cung cấp con giống chưa ổn định, phụ thuộc và nguồn trứng nhập khẩu giá thành cao.
Nhu cầu giống cá tầm của nước ta hàng năm khoảng 3 - 4 triệu con. Hiện, cả nước có hơn 10 cơ sở ương dưỡng, sản xuất được khoảng 2 triệu con mỗi năm. Nếu như những năm trước đây, việc sản xuất giống cá tầm vẫn chủ yếu dựa vào nguồn trứng cá thụ tinh nhập từ các quốc gia có nền công nghiệp nuôi cá tầm phát triển mạnh như Đức, Ukraine, Hungary…; thì hiện Việt Nam đã chủ động được công nghệ sản xuất giống nhân tạo 3 loài cá tầm gồm: Cá tầm Nga, cá tầm Siberi và cá tầm Sterlet. Dù sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu những phần nào cũng đã góp phần chủ động con giống phục vụ nuôi thương phẩm.
Với tôm nước lợ và cá tra - hai đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản vẫn luôn nhận được sư ưu tiên lớn để đẩy mạnh phát triển con giống cả về lượng lẫn chất. Với tôm, hiện cả nước có 1.750 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 612 cơ sở sản xuất giống TTCT; sản xuất hơn 100 triệu con tôm giống cung cấp đủ cho nhu cầu người nuôi. Với cá tra, tình hình sản xuất giống năm 2019 tại các địa phương vùng ĐBSCL ổn định, diện tích ương dưỡng cá tra giống không còn hiện tượng tăng “nóng” như năm 2018. Năm 2019, vùng ĐBSCL có khoảng hơn 200 cơ sở sản xuất cá giống, gần 3.000 ha ương dưỡng; sản xuất hơn 2,1 tỷ cá giống; đã thay thế 60.000 con cá bố mẹ chọn giống, do đó chất lượng con giống cá tra đã từng bước được cải thiện.
2020 - Để giống là “điểm tựa” vững chắc
Dù đã gặt hái được nhiều thành công, nhưng sản xuất giống thủy sản của Việt Nam trong năm 2019 cũng gặp không ít thách thức, tuy không mới nhưng vẫn là chuyện đáng bàn. Với sản xuất tôm giống, hạn chế hiện nay là kết quả nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ còn rất hạn chế; tôm bố mẹ phụ thuộc vào khai thác từ tự nhiên và nguồn nhập khẩu, dẫn đến sản xuất tôm giống bị lệ thuộc và khó quản lý chất lượng. Để cải thiện tình trạng này, trong năm qua Tổng cục Thủy sản cũng đã tổ chức kiểm tra, kiểm soát ngay tại nước xuất khẩu nhằm tăng cường truy xuất nguồn gốc tôm bố mẹ vào Việt Nam.
Với sản xuất cá tra giống, chất lượng vẫn là vấn đề cấp thiết. Trên thực tế, số lượng hộ tham gia sản xuất giống khá lớn, nhưng phân bố rải rác ở nhiều nên chất lượng giống không đều nhau. Mặt khác, trình độ kỹ thuật ương cá tra giống của nông dân còn hạn chế cũng là nguyên nhân khiến chất lượng giống kém, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh tế khi đưa vào nuôi cá thịt vì tỷ lệ hao hụt lớn. Quyết tâm tạo đột phá trong sản xuất cá tra giống, Bộ NN&PTNT đã ban hành Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL và đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn tham gia tích cực. Đây là tín hiệu đáng mừng từ sự phối hợp, triển khai đồng bộ 3 trục liên kết, gồm: Trục Chính phủ (hệ thống quản lý nhà nước), trục doanh nghiệp và trục người nuôi để đưa ngành sản xuất cá tra giống phát triển bền vững.
Năm 2020, ngành sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ theo quy định của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn; tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các các đơn vị liên quan trong công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở phạm trong sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, đảm bảo cung cấp đủ giống tốt, sạch bệnh cho nuôi trồng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngoài hai đối tượng chủ lực là tôm nước lợ và cá tra, sẽ tăng tốc sản xuất giống nhuyễn thể, cá nước lạnh, cá rô phi, một số đối tượng thủy đặc sản khác; đặc biệt là giống cho nuôi biển bởi nghề nuôi biển của nước ta còn nhiều tiềm năng để khai phá. Với mục tiêu phát triển nuôi biển thành một lĩnh vực sản xuất quy mô công nghiệp tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ xuất khẩu, du lịch và tiêu thụ nội địa thì điều cần thiết đầu tiên cần phải làm ngay bây giờ là khắc phục những hạn chế trong khâu sản xuất giống.
Phát triển bền vững giống thủy sản cả về chất và lượng là bài toán không dễ. Song với những điểm sáng nổi bật của ngành trong năm 2019 cùng với sự tích cực vào cuộc của các cơ quan quản lý, các ngành chức năng, hoàn toàn có thể kỳ vọng 2020 sẽ là một năm “sáng” của ngành sản xuất giống thủy sản Việt Nam.
Theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, để phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, cần không ngừng đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng các đối tượng nuôi, các giống thủy đặc sản (lươn, ếch, baba, tôm càng xanh, cá chình, rô phi…) và các giống thủy sản mới (cá nước lạnh, cá cảnh…) phục vụ xuất khẩu, du lịch và thị trường nội địa.
Related news
Micro - blog hay tiểu blog hoặc blog vi mô là một dạng blog có các bài đăng có nội dung thu nhỏ như câu nói ngắn gọn, hình riêng, hoặc liên kết đến video.
Hiện nay, nhu cầu nuôi bào ngư đang ngày một tăng. Việc sinh sản thành công giống bào ngư tại Cô Tô (Quảng Ninh)
Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phát triển quá mức của các loài tảo trong ao nuôi.