Sắn xen lạc lãi gấp đôi
Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị vừa triển khai thành công mô hình canh tác sắn xen lạc tại các huyện Hướng Hóa và Cam Lộ.
Mô hình trồng sắn xen lạc cho hiệu quả kinh tế cao
Mô hình được triển khai trong vụ ĐX 2016 – 2017 trên diện tích 6ha tại các xã Tân Lập, Hướng Tân (huyện Hướng Hóa) và Cam Tuyền (huyện Cam Lộ) với giống lạc L14 trồng xen giống sắn KM 94 theo quy cách giữa 2 hàng sắn trồng xen 2 hàng lạc.
Theo các hộ tham gia thực hiện mô hình, khi canh tác theo phương thức sắn xen lạc không những nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế được tăng lên, mà còn góp phần cải tạo đất.
Ông Trần Văn Bình ở tại thôn Tân Quang (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) – một trong những hộ tham gia thực hiện mô hình phấn khởi cho biết: Gia đình ông có 3 sào đất thực hiện mô hình trồng sắn xen lạc. Hiện cây lạc đã bắt đầu cho thu hoạch. Theo tính toán của ông, trung bình 1 sào lạc trồng xen với sắn cho năng suất khoảng 1 tạ/sào, với giá bán hiện nay từ 30.000 – 32.000 đồng/kg thì với 3 sào đã mang lại cho ông hơn 9 triệu đồng. Sau khi thu hoạch lạc, phần thân và lá được dùng để che phủ gốc sắn nhằm duy trì độ ẩm đất và tăng chất hữu cơ cho đất.
Theo ông Bình, thế mạnh của mô hình này là trên cùng một diện tích canh tác bà con nông dân thu hoạch được 2 lần, hiệu quả kinh tế mang lại gấp đôi so với trước đây.
Kỹ sư Dương Hồng Phong, Phó Trạm trưởng Trạm KN huyện Cam Lộ cho biết: Kết quả việc trồng sắn xen với lạc cho thấy, cả 2 loại cây trồng này đều sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh gây hại, ít cỏ dại hơn. Trong mô hình trồng xen 2 hàng lạc giữa 2 hàng sắn với mật độ 45 cây/m2. Nhờ được hưởng lợi thế khoảng không gian của cây sắn thời kỳ đầu chưa khép tán nên cây lạc có số hạt chắc/cây cao, năng suất thực thu tương đương so với trồng thuần lạc. Trong khi đó nhờ được trồng sớm, cây sắn có đủ thời gian tích lũy (11 – 12 tháng) nên sẽ cho năng suất và hàm lượng tinh bột cao hơn. Chính vì thế thu nhập cao hơn so với mô hình luân canh lạc (đông xuân) – sắn (hè thu) hoặc trồng thuần sắn.
"Sau khi thu hoạch lạc xong toàn bộ thân, cành, lá, gốc, rễ của lạc sẽ được vùi lấp xuống đất làm phân xanh, đất sẽ giàu mùn và tơi xốp hơn, độ phì và khả năng giữ ẩm cũng tăng lên; nhất là với đất dốc bạc màu, đất sét pha cát tại các huyện trung du, miền núi", KS Phong chia sẻ.
Qua đánh giá thực tế tại các mô hình trồng sắn xen lạc này, tại huyện Hướng Hóa năng suất lạc đạt từ 12,4 – 13,4 tạ/ha, năng suất sắn đạt từ 25 – 28,7 tấn/ha; còn tại huyện Cam Lộ cây lạc đạt năng suất từ 15 – 20 tạ/ha, năng suất cây sắn dự kiến đạt khoảng 25 – 30 tấn/ha.
Như vậy với giá lạc (30.000 – 32.000 đồng/kg) và sắn (1.000 đồng/kg) như hiện nay, ước tính mỗi hecta trồng sắn xen lạc cho thu nhập trên 70 triệu đồng, cao gấp 2 – 2,5 lần so với trồng thuần lạc hoặc sắn trên cùng chân đất.
Tuy nhiên để trồng lạc xen sắn đạt hiệu quả cao bà con cần lưu ý làm đất kỹ, bón phân đầy đủ, nhất là bón lót, lên luống để trồng với khoảng cách và mật độ thích hợp, sao cho mỗi cây trồng đều tận dụng được không gian dinh dưỡng (ánh sáng, không khí, đất) để sinh trưởng và phát triển đạt năng suất cao, chất lượng tốt.
Ông Nguyễn Trung Hậu, Giám đốc Trung tâm KN Quảng Trị cho biết: Là một trong bảy loại cây trồng chủ lực của tỉnh, hiện cây sắn không còn là cây lương thực mà đã trở thành nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến. Với diện tích trên 11.000ha trồng tập trung chủ yếu tại các địa bàn miền núi, trung du như Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Vĩnh Linh… cây sắn không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, năng suất bình quân sắn ở tỉnh chưa cao (khoảng 19 tấn/ha), chất lượng củ thấp và độ đồng đều không cao; nguy cơ bạc màu, xói mòn rửa trôi đất trồng vẫn tiềm ẩn, sản xuất thiếu bền vững, mà nguyên nhân chủ yếu là do kỹ thuật canh tác, đầu tư thâm canh, độ phì đất, giá bán dao động lớn.
Vì vậy với mô hình trồng sắn xen lạc này, ngoài hiệu quả kinh tế thu được mô hình còn làm thay đổi quan điểm của nông dân về kỹ thuật trồng lạc xen sắn trên vùng đất đồi núi chỉ nhờ nước trời, sử dụng giống lạc có chất lượng cao, có bón phân lân, vôi cho lạc. Bên cạnh đó còn hạn chế xói mòn đất, góp phần bảo vệ tài nguyên đất, giúp quá trình canh tác bền vững hơn.
“Trên cơ sở này, trong thời gian chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình này ra các vùng trồng sắn nhằm tạo ra vùng nguyên liệu sắn củ tươi cho các nhà máy trên địa bàn tỉnh, hạn chế thoái hóa đất, bảo vệ môi trường sinh thái và tăng hiệu quả sản xuất cho người trồng”, ông Hậu cho biết thêm.
Related news
Trồng được 4 năm, cây mít của bà Trần Thị Nhàn bắt đầu cho trái. Đến nay cây mít 11 năm tuổi, năm sau ra trái nhiều hơn năm trước. Hiện nay, cây mít ra trái dày
Ngon và rất thơm, xoài Cao Lãnh và xoài cát chu Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã chinh phục nhiều thị trường khó tính như Nga, Nhật, Hàn Quốc...
Ốc bươu vàng, chuột tiếp tục gây hại tăng trên mạ, lúa mới gieo cấy tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Hại nặng tại vùng ven sông suối đầm