Prices / Mô hình kinh tế

Săn Tìm Cá Vồ Cờ

Săn Tìm Cá Vồ Cờ
Author: 
Publish date: Wednesday. August 31st, 2011

Cái đầu bẹt to đùng, miệng đỏ hỏn há to như hù dọa người, vây lưng cao vút như lá cờ... Nhiều nhà khoa học, ngư dân truy tìm loài cá hiếm này nhưng chẳng thấy tăm hơi.

Theo Sách đỏ Việt Nam, cá vồ cờ là loài cá da trơn nước ngọt khổng lồ, tên khoa học Pangaius sannitwongsei, có thể dài tới 3 m, nặng 300 kg. Từ năm 1996, cá vồ cờ được xếp hạng nguy cơ tuyệt chủng cao hơn cả cá tra dầu và cá hô.

Dân câu cá trên đánh giá cá vồ cờ đứng đầu danh sách loài cá nước ngọt khỏe nhất thế giới, là thủ phạm khiến nhiều người phải bỏ dở buổi câu với bàn tay đau đớn do ghì cá. Riêng các nhà khoa học đặt giả thiết dường như có hai quần thể cá vồ cờ, bị chia cắt bởi thác Khone, thác nước trên sông Mekong thuộc tỉnh Champasak, Lào.

Cá mập sông

Nhắc lại cá vồ cờ, các lão ngư xưa kể lại vừa sợ vừa háo hức, còn cánh ngư dân trẻ thì ngơ ngác. Ông Năm Thứ khét tiếng trong nghề săn cá hô ở cù lao Bình Thủy, huyện Châu Phú, An Giang bắt được nhiều con cá hô nặng cả trăm ký nhưng vẫn ngán cá vồ cờ.

Ông Thứ kể: “Cá vồ cờ còn nhỏ thì dám câu chứ cá lớn đố ngư dân nào dám bắt. Không dây câu, giàn lưới, hay cái chày nào chịu nổi vài cú giật của nó”. Ông Năm Thứ giải thích cái kỳ trên vây lưng nó dài như cây cờ nên dân gian gọi là cá vồ cờ. Chính vì cái cờ này nên khi cá nổi lên mặt nước săn mồi, cái vây rẽ nước như cá mập, ai thấy cũng hãi. Nhiều ngư dân gọi chúng là cá mập sông.

Nhưng ngư dân Út Le ở cù lao Bình Thủy nhìn cá vồ cờ bằng con mắt khác: gặp cá vồ cờ to hàng trăm ký ít ai dám săn bắt vì vấn đề tâm linh. Ông Út Le nhớ lại lão ngư Hai Đáy trong xóm này kéo lưới được con cá da trơn nặng 140 kg, cánh ngư dân khuyên thả cá nhưng ông không nghe, chở cá xuống Long Xuyên bán. Không ai dám mua cá, ông Hai Đáy phải chở về nhà xẻ thịt làm khô, gọi hàng xóm đến cho thịt nhưng không ai dám nhận. Từ đó về sau, ông Hai Đáy thả lưới đều không dính cá tôm, phải bỏ nghề câu.

Theo các ngư dân, do đặc thù dòng chảy nên sông Vàm Nao, nơi tiếp giáp ba huyện Phú Tân, Chợ Mới và Châu Phú (An Giang) xuất hiện nhiều cá vồ cờ. Chỉ ra dòng sông đang cuộn chảy, ông Năm Thứ kể: “Xác chó mèo, gà vịt trôi sông bị các loài cá khác kéo rỉa, còn gặp cá vồ cờ là chúng ngoạm lôi đi ăn hết. Bởi vậy gặp xác thú vật trôi sông đột nhiên chìm mất, tụi tôi biết cá vồ cờ đang ở quanh quẩn đấy. Loài này cũng lạ, mê ăn tạp, ham mùi thối, tụi tôi dùng thịt bò hay thịt trâu bầy nhầy ủ làm mồi câu chúng”.

Lưỡi câu cá vồ cờ được chế bằng căm cây dù uốn cong, dây tóm lưỡi câu là dây 160, loại to nhất trong câu cá sông. Đưa lưỡi câu to đùng cho tôi xem, ông Năm Thứ tặc lưỡi: “Lưỡi câu to vậy nhưng chỉ câu được cá vồ cờ dưới 20 kg thôi, còn cá bự hơn nó giật một cái lưỡi câu cong queo liền”.

Câu cá vồ cờ ngư dân dùng câu giăng, cứ cách 10m dây câu có một lưỡi câu, cá vồ cờ mắc câu quậy rất hung, ngư dân phải quần thảo cho cá mệt mới kéo lên, dùng vợt hớt cá rồi cầm chày vồ đập cho cá bất tỉnh. Theo ông Năm Thứ, so với cá tra dầu thì cá vồ cờ oai phong và dữ tợn hơn nhiều, nhưng không hiểu sao rất ít người biết chúng. Có thể do cá tra dầu thịt ngon hơn chăng?

Ai đọc sách Cần Thơ xưa do nhà sưu khảo Huỳnh Minh biên soạn đều nhớ câu chuyện cặp cá vồ cờ ở rạch Cái Tắc, tỉnh Cần Thơ, săn đuổi các loài cá tôm, bơi lội ầm ầm gây sóng lớn khiến ngư dân vô phương thả lưới. Rồi ngày nọ cha con ông chài phương khác tới quăng chài vô phúc trúng ngay vây lưng cá vồ cờ và cặp cá lôi chiếc xuồng câu chạy như dông gió...

Do cặp cá quậy phá, ngư dân đánh cá bị chìm ghe xuồng, chính quyền thực dân cho người theo săn lùng bắn chết. Lúc mổ bụng cá, nhiều người thất kinh hồn vía bởi trong bao tử cá có nữ trang như vòng vàng, bông tai…

Hi vọng có được cá trống

Ở khúc sông Vàm Nao này, ông Sáu Sấm là tay câu cá vồ cờ, cá tra dầu nổi danh. Nhưng bốn năm nay ông đã cuốn câu, cất lưới vì chúng biệt tích trên khúc sông. Ông cả quyết Vàm Nao không còn cá vồ cờ thì nơi khác làm sao có được!

Nhiều lão ngư cho biết theo bản đồ xưa, khúc sông Vàm Nao có hình dạng như con cá khổng lồ, theo thời gian sông bên lở bên bồi nên hình dạng này đã thay đổi, các loài kình ngư như cá hô, tra dầu, vồ cờ, đuối... nặng hàng trăm ký nay biến mất. Làng săn cá kình chỉ còn cái tên trong ký ức, ngày xưa dân làng câu Vàm Nao kiêu hãnh chỉ săn các loài cá lớn lấy danh thì nay cá gì ăn được họ đều bắt.

Tiến sĩ Phạm Văn Khánh, giám đốc Trung tâm Giống quốc gia thủy sản nước ngọt Nam bộ (xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, Tiền Giang), cho biết hiện trung tâm đang nỗ lực bảo tồn loài cá vồ cờ quý hiếm có tên trong Sách đỏ, người thực hiện chương trình là thạc sĩ Thi Thanh Vinh, trưởng bộ môn sản xuất giống và công nghệ nuôi. Theo thạc sĩ Vinh, hiện trung tâm đang lưu giữ được năm con cá vồ cờ gồm hai con mái nặng trên 20 kg và ba con còn lại chưa xác định rõ.

Để có được bầy cá quý hiếm trên sông Cửu Long này, các nhà khoa học làm việc rất vất vả. Nghe ở đâu nuôi giữ cá vồ cờ, dù thông tin mong manh, họ cũng lặn lội tìm tới nơi để rồi thất vọng vì không chứng kiến được cá hay nhận ra đó chỉ là cá vồ thường. Năm năm qua, họ chỉ gom được năm cá thể cá vồ cờ từ ngư dân và “năn nỉ” các nơi nuôi giữ cá quý cho mượn hay bán lại.

Thạc sĩ Vinh kể lại cách đây không lâu, một ngư dân báo tin câu được cá vồ cờ nhỏ, trung tâm mừng quýnh cho người đi mua cá. Đến nơi thì con cá đã trọng thương do giãy giụa, hai bên mang chảy máu. Các cán bộ xót xa biết cá khó sống nhưng họ vẫn mua với hi vọng nuôi dưỡng cá khỏe lại. Tuy nhiên ít giờ sau cá đã chết...

Hiện nay, trung tâm giống thủy sản ghi nhận trên lãnh thổ của sông Cửu Long chỉ còn sáu cá thể cá vồ cờ, trong đó một con mái ở An Giang trên 10 tuổi, trọng lượng đạt trên 27 kg. Nhưng khi chúng tôi liên hệ thì được tin cá đã chết. Trước đó, nhóm người nuôi giữ cá này nỗ lực tìm cá vồ trống thụ tinh cho cá mái nhưng bất thành. Thậm chí có người từng mách nước lấy tinh trùng cá vồ thường cho thụ tinh với cá vồ cờ, nhưng nhóm nuôi cá kiên định chờ cá vồ cờ “thật” xuất hiện. Họ sợ khi lai tạo tạp nhạp sẽ tạo ra loài cá dị biến, gây xáo trộn môi trường và giảm sút giá trị cá vồ cờ.

Các cán bộ trung tâm từng lặn lội qua Lào và Campuchia nghiên cứu tìm loài cá vồ cờ nhưng không gặt hái được gì. Vì thế bao năm qua khi lập hồ sơ báo cáo về Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trung tâm nêu rõ chỉ ghi nhận được sáu cá thể cá vồ cờ.

Thạc sĩ Vinh nói: “Hai con cá đã có trứng, nhưng cái khó không có cá trống nên tới nay vẫn chưa thụ tinh được. Nhìn chúng rụng trứng chúng tôi rất xót xa. Bầy cá còn lại chưa thể khẳng định được là trống hay mái. Chúng tôi đang mong bầy cá đó có con trống để cứu vãn hi vọng giữ lại giống cá quý hiếm”. Không riêng gì các nhà khoa học, những ngư dân cũng mong bầy cá đó có con trống để tạo dựng lại loài cá kỳ dị trên sông và để chuyện săn cá vồ cờ không là cổ tích


Related news

Chọn Lực Đẩy Từ Cây, Con Đặc Sản Chọn Lực Đẩy Từ Cây, Con Đặc Sản

Địa hình đồi núi, ruộng bậc thang, đường sá đi lại khó khăn, trình độ dân trí hạn chế... đang là những cản trở lớn khiến việc thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Cao Phong khó khăn.

Wednesday. August 31st, 2011
Những Con Bò Xóa Nghèo Từ Dự Án Heifer Ở Bến Tre Những Con Bò Xóa Nghèo Từ Dự Án Heifer Ở Bến Tre

Bắt đầu từ xã Thới Thạnh (Bến Tre), năm 2008, Dự án Heifer đầu tư cho địa phương 40 con bò (trị giá ban đầu mỗi con hơn 10 triệu đồng, trọng lượng khoảng 180 kg) dành cho những hộ nghèo, cận nghèo, hộ chí thú làm ăn và có đất chăn nuôi (đất làm chuồng, trồng cỏ, có người chăn).

Wednesday. August 31st, 2011
Chuyển Dịch Cơ Cấu Cây Trồng Tạo Vùng Sản Xuất Ổn Định Chuyển Dịch Cơ Cấu Cây Trồng Tạo Vùng Sản Xuất Ổn Định

Mặc dù Bắc Kạn chưa phải là vùng kinh tế trọng điểm như các tỉnh bạn nhưng so với những ngày đầu tái lập (năm 1997) với điểm xuất phát cực thấp thì thấy rằng sau 16 năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã khá rõ nét. Giờ đây Bắc Kạn đã có vùng trồng cây ăn quả, vùng trồng cây công nghiệp ngắn ngày, vùng trồng cây lương thực, cây lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc…

Wednesday. August 31st, 2011