Giá / Tin thủy sản

Sản lượng giảm đẩy giá cá tra tăng

Sản lượng giảm đẩy giá cá tra tăng
Tác giả: B.T
Ngày đăng: 24/05/2016

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, tính đến tháng 5.2016, toàn vùng ĐBSCL thu hoạch 989ha cá tra với sản lượng 314.140 tấn. So với cùng kỳ năm 2015, diện tích và sản lượng đều giảm, lần lượt là 22% và 13%. Hiện giá cá tra thịt tăng do hầu hết các ao nuôi cá tra của bà con nông dân trong vùng không còn nhiều, trong khi nhu cầu cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp tăng. Điều này dẫn tới giá cá tra đã tăng từ 19.000 đồng/kg lên 22.000 đồng/kg.

Về phía các doanh nghiệp cũng cho biết, giá cá tăng là do thị trường xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc. Đến đầu tháng 5, giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã đạt trên 435 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ 2015. Tại Mỹ, mặc dù Luật Nông trại đã có hiệu lực, nhưng thị trường này vẫn chiếm 22% tổng giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm của Việt Nam.

Trong khối thị trường Đông Nam Á, Thái Lan là nhà nhập khẩu lớn nhất cá tra của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 12,47 triệu USD, chiếm 36,4% toàn khu vực. Việc Việt Nam gia tăng kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường Thái là do các sản phẩm của Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh về giá nên ngày càng được người tiêu dùng Thái Lan biết đến. Hiện cá tra phile đông lạnh là sản phẩm được ưa chuộng nhất trong nhóm sản phẩm cá thịt trắng ở Thái Lan.

Trong 5 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc là nước nhập khẩu cá tra nhiều nhất từ Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro; giá cá có thể sụt giảm bất cứ lúc nào nếu phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu.

Các yếu tố như sản lượng trong nước giảm, thị trường xuất khẩu khởi sắc đã đẩy giá cá tra nguyên liệu ở Việt Nam tăng cao. Với giá thành sản xuất khoảng 19.000 đồng/kg, hiện người nuôi cá tra đã có được niềm vui sau nhiều năm thua lỗ.

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trong thời gian tới, cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu được dự báo là có thể rơi vào tình trạng khan hiếm (do sản lượng nuôi giảm), từ đó đẩy giá tăng cao. Tuy nhiên, nông dân nuôi cá tra nhỏ lẻ không nên tự ý mở rộng diện tích do đầu ra của cá tra hiện nay vẫn còn bấp bênh. Hiện những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra quy mô lớn đã xây dựng được vùng nuôi cá tra nguyên liệu, chiếm 70% sản lượng cá tra của toàn vùng ĐBSCL nên việc thiếu cá trầm trọng sẽ khó xảy ra.


Có thể bạn quan tâm

Đông Hòa (Phú Yên) quy hoạch tạm thời vùng nuôi trồng thủy sản ngoài khu vực Vũng Rô Đông Hòa (Phú Yên) quy hoạch tạm thời vùng nuôi trồng thủy sản ngoài khu vực Vũng Rô

Huyện Đông Hòa (Phú Yên) vừa có thông báo triển khai phương án quy hoạch tạm thời vùng nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè tại khu vực Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam) với diện tích 100ha từ bãi Bàng đến bãi Nhãn. Vùng nuôi này chiếm 6% tổng diện tích mặt nước của vịnh Vũng Rô.

24/05/2016
Bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản vì sự phát triển bền vững Bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản vì sự phát triển bền vững

So với những địa phương khác, Bạc Liêu là một trong những tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn, với tổng diện tích hơn 128.610ha. Đặc biệt là nghề nuôi tôm phát triển mạnh và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Song, nghề nuôi trồng thủy sản cũng đặt ra nhiều vấn đề về môi trường cần được giải quyết.

24/05/2016
Bạc Liêu có hơn 630 mẫu tôm giống xét nghiệm bị nhiễm bệnh Bạc Liêu có hơn 630 mẫu tôm giống xét nghiệm bị nhiễm bệnh

Theo Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận hơn 3.000 mẫu tôm giống và hơn 1.000 mẫu nước để xét nghiệm.

24/05/2016