Giá / Tin thủy sản

Bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản vì sự phát triển bền vững

Bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản vì sự phát triển bền vững
Tác giả: THANH THẢO
Ngày đăng: 24/05/2016

Qua nghiên cứu và điều tra của các nhà khoa học, nuôi tôm là một trong những nghề gây nhiều tác động xấu đến môi trường, nhất là việc lạm dụng các loại hóa chất cấm trong cải tạo, xử lý ao nuôi và cả trong quá trình sinh trưởng của con tôm. Khi xảy ra dịch tôm chết, phần lớn nước ô nhiễm thải ra môi trường, gây khó khăn cho các hộ nuôi khác khi lấy phải nguồn nước bị ô nhiễm vào phục vụ cho vụ nuôi mới. Rồi nạn nạo vét bùn đáy ao hàng năm với vô số các loại hóa chất, kháng sinh còn tồn dư trong đất cũng bị thải trực tiếp ra môi trường. Cái vòng luẩn quẩn giữa nguồn nước sạch và bị ô nhiễm, bùn thải trong nuôi tôm luôn là nỗi lo của người nông dân và ngành quản lý.

Thực tế cho thấy, việc không quản lý tốt môi trường trong nuôi trồng thủy sản sẽ tác động xấu đến môi trường sản xuất và phát triển bền vững. Đó là dịch bệnh, tôm chết hàng loạt và làm hủy hoại nhiều nguồn lợi thủy sản khác khi môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề. Bởi trong quá trình cải tạo, xử lý ao vuông, các loại hóa chất gần như bị lạm dụng một cách vô tội vạ. Theo thống kê và điều tra của các nhà khoa học về thực trạng sử dụng hóa chất trong nuôi tôm tại tỉnh Bạc Liêu, có 100% số hộ sử dụng hóa chất để cải tạo ao với các loại hóa chất khác nhau như: Vôi, Iondine, Chlorine, Saponin... Thậm chí có nhiều nơi như huyện Hòa Bình và TP. Bạc Liêu, nông dân sử dụng cả thuốc trừ sâu trong cải tạo ao nuôi, nhất là các hộ nuôi tôm bị thua lỗ, không còn vốn đầu tư cho khâu cải tạo, xử lý ao nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật mà ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo. Việc làm này dẫn đến suy thoái môi trường ao nuôi và gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết quả điều tra cho thấy, ở nhiều địa phương người dân lạm dụng gần như triệt để các loại hóa chất với mục đích làm sao cứu được con tôm, còn các chất ấy có tác động xấu đến môi trường hay không gần như chưa được quan tâm!? Đó là chưa nói đến chuyện, nhiều người dân sử dụng cả những loại kháng sinh nằm trong danh mục cấm sử dụng, hạn chế sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản và trong thú y như: Tetracylin, Enrofloxacin, Oxytetracylin...


Bảo vệ môi trường góp phần cho nuôi tôm bền vững (thu hoạch tôm tại TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.A

Nhằm góp phần bảo vệ môi trường, cuối năm 2015 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 28/2015/QĐ-UBND quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Trong đó, quy định rất cụ thể các hoạt động bảo vệ môi trường và các hành vi bị nghiêm cấm gây ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, để thực hiện tốt quyết định này vẫn là ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong cách ứng xử với môi trường. Ngoài phát huy vai trò của người dân, ngành quản lý cũng cần có các giải pháp trong quản lý và xử lý nghiêm các loại hóa chất cấm gây hủy hoại môi trường; vận động người dân sử dụng các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường, không lạm dụng các loại hóa chất cấm vừa lãng phí tiền của, vừa gây ô nhiễm môi trường và khuyến khích phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường...

Những điều kiện và quy định về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản

* Đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản:

- Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho hoạt động nuôi trồng thủy sản phải được xây dựng đồng bộ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hệ thống kênh mương cấp nước và thoát nước phải đảm bảo theo quy định của ngành Thủy sản cũng như điều kiện về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định khác có liên quan.

- Tùy theo quy hoạch nuôi trồng thủy sản, điều kiện tự nhiên của khu vực mà cơ sở nuôi chọn đối tượng nuôi và hình thức nuôi hợp lý nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi, các quy định chuẩn của ngành Thủy sản, cụ thể phải thực hiện đúng: Các quy định phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi; quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt Việt Nam (VietGAP) và các quy định khác có liên quan của Bộ NN&PTNT.

- Đối với các mô hình nuôi thủy sản kết hợp (tôm - lúa, lúa - tôm, tôm - rừng) và các mô hình sản xuất, canh tác bền vững, thân thiện với môi trường phải bố trí đúng tỷ lệ diện tích đất, nước mặn, vật nuôi và cây trồng theo đúng quy định và hướng dẫn của ngành chức năng.

- Hoạt động sên vét bùn cải tạo ao nuôi phải tiến hành đúng kỹ thuật của ngành chức năng hướng dẫn, đúng lịch thời vụ, lịch điều tiết nước của tỉnh...

* Xử lý nước thải và chất thải rắn

Tùy thuộc vào điều kiện quy mô và loại hình hoạt động mà sử dụng các biện pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vệ sinh phòng dịch theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, vệ sinh thú y.

- Xử lý nước thải: Hệ thống cấp nước, thoát nước thải phải luôn thông thoáng, được sên vét cải tạo thường xuyên đảm bảo không để bồi lắng, tồn đọng gây tác động xấu đến môi trường và hoạt động sản xuất, canh tác của khu vực.

- Nước thải phải được thu gom và xử lý bằng biện pháp, công nghệ hợp lý không để rò rỉ, phát tán vi sinh vật, mầm bệnh gây ô nhiễm môi trường; hệ thống xử lý nước thải phải được vận hành thường xuyên, nước thải sau khi được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp trước khi thải vào nguồn tiếp nhập.

- Xử lý chất thải rắn: Chất thải phát sinh trong nuôi trồng thủy sản phải được thu gom, xử lý triệt để bằng các biện pháp thích hợp; đối với lượng bùn thải và xác động vật nuôi phải được thu gom xử lý triệt để theo quy định của pháp luật về chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại, đảm bảo không để phát tán mầm bệnh, vi sinh vật làm ảnh hưởng đến hoạt động, sản xuất canh tác trong khu vực.

* Quy định đối với hoạt động sên, vét đất bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản:

- Hoạt động sên vét đất bùn cải tạo ao nuôi được thực hiện quanh năm (hay theo lịch thời vụ, lịch điều tiết nước của khu vực).

- Đối với các địa bàn giáp ranh với các tỉnh khác: UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm báo cáo với UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định thời gian cụ thể đảm bảo việc sên vét đất bùn cải tạo ao đầm nuôi trồng thủy sản không tác động xấu đến môi trường vùng nuôi của các khu vực lân cận và cả vùng nuôi.

- Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã giúp UBND các huyện, thị xã, thành phố thống nhất với UBND các địa bàn của tỉnh giáp ranh về thời gian sên vét đất bùn cải tạo ao đầm nuôi trồng thủy sản cho phù hợp.

- Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có sên vét đất bùn cải tạo ao đầm nuôi trồng thủy sản bằng cơ giới phải báo cáo UBND cấp xã nơi có ao đầm cần sên vét cải tạo để được xem xét hướng dẫn bảo vệ môi trường trong quá trình sên vét; trường hợp sên vét bằng phương pháp thủ công không phải báo cáo nhưng khi thực hiện phải đảm bảo không để bùn đất, chất thải khác trong ao đầm chưa được xử lý thoát ra môi trường bên ngoài. - T.A (trích Quyết định 28/2015/QĐ-UBND)


Có thể bạn quan tâm

Tôm càng xanh phù hợp với vùng bị xâm nhập mặn Tôm càng xanh phù hợp với vùng bị xâm nhập mặn

Tôm càng xanh là vật nuôi phù hợp với nguồn nước có độ mặn từ 4 - 6‰, thậm chí 10‰, đạt giá trị kinh tế cao, bền vững cho người nông dân. Đặc biệt, tôm càng xanh toàn đực nuôi bán thâm canh trong ao tôm biển sẽ đạt lợi nhuận từ 44% trở lên so với vốn đầu tư.

24/05/2016
Vỡ mộng vì tôm Vỡ mộng vì tôm

Con tôm từng giúp người nghèo thành tỉ phú chỉ sau vài tháng nhưng cũng chính nó khiến người giàu có trở lại phận nghèo, nợ nần chồng chất.

24/05/2016
Đông Hòa (Phú Yên) quy hoạch tạm thời vùng nuôi trồng thủy sản ngoài khu vực Vũng Rô Đông Hòa (Phú Yên) quy hoạch tạm thời vùng nuôi trồng thủy sản ngoài khu vực Vũng Rô

Huyện Đông Hòa (Phú Yên) vừa có thông báo triển khai phương án quy hoạch tạm thời vùng nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè tại khu vực Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam) với diện tích 100ha từ bãi Bàng đến bãi Nhãn. Vùng nuôi này chiếm 6% tổng diện tích mặt nước của vịnh Vũng Rô.

24/05/2016