Sắn Đang Phụ Thuộc Vào Trung Quốc, Cần Thêm "Lối Đi" Mới
Theo đại diện một số doanh nghiệp, phần lớn sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam hiện nay chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, giá cả bấp bênh.
Nhu cầu về nguyên liệu cho sản xuất thực phẩm và các nhiên liệu tăng mạnh giúp ngành trồng và chế biến tinh bột sắn phát triển thuận lợi. Tuy nhiên, diện tích sắn tăng ồ ạt thời gian qua cũng khiến nông dân nhiều vùng “dở khóc dở cười”...
Phát triển vượt bậc
Cây sắn gắn bó mật thiết với người Việt Nam trong những lúc giáp hạt đói kém và từng được xem là cây xóa đói giảm nghèo; những năm gần đây, sắn còn được đầu tư phát triển mạnh, trên tất cả các vùng thổ nhưỡng của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Lạng - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam (VCA) cho biết, là sản phẩm có sản lượng xuất khẩu lớn, xếp thứ 3 trong ngành nông nghiệp Việt Nam, sau cà phê và gạo, cây sắn hiện có rất nhiều tiềm năng phát triển.
Hiện tại, diện tích trồng sắn trên cả nước đã đạt 560.000ha, với sản lượng trên 10 triệu tấn trong năm 2012. Đặc biệt, sản lượng nhiều vùng sắn chuyên canh, xen canh tại vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ những năm trở lại đây đã tăng lên mức xấp xỉ 40 tấn/ha/năm, khả năng đạt 50 - 60 tấn/ha/năm trong thời gian tới. Cũng theo ông Lạng, sắn là cây có giá trị kinh tế cao khi tất cả các sản phẩm từ sắn đều sử dụng được, nhất là trong 2 năm trở lại đây.
Ông Nguyễn Văn Hòa – Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cũng cho biết, năng suất sắn của Việt Nam tăng từ 8,3 tấn/ha năm 1995 lên gần 18 tấn/ha năm 2012. Giá thu mua sắn nguyên liệu có lúc tăng cao khiến người nông dân ồ ạt phát triển diện tích sắn.
Theo đại diện Hiệp hội Sắn Việt Nam, trong 5 năm tới, nhu cầu về sắn nguyên liệu cho sản xuất, chế biến thực phẩm, xăng, nhiên liệu sinh học hay ethanol sẽ tăng thêm 50%, ngành sắn chắc chắn sẽ còn phát triển hơn nữa.
Cần hài hòa lợi ích các bên
Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết, diện tích sắn tăng nhanh đã phá vỡ quy hoạch phát triển chung của toàn ngành, giá sắn nhiều lúc giảm thê thảm. “Theo kế hoạch, diện tích sắn trên cả nước được điều chỉnh giảm xuống còn 500.000ha trong 2 năm tới và tiếp tục giảm xuống mức 450.000ha khi đến năm 2020, ổn định sản lượng ở mức 11 triệu tấn” - ông Hòa cho biết.
Ngành sắn đặt mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD trong năm 2013. Trước đó, năm 2012, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt hơn 1,5 tỷ USD. Thị trường chủ yếu của sắn Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines…
Đồng tình với ý kiến trên, ông Đỗ Thanh Hòa - Giám đốc Sở Công Thương Tây Ninh cũng cho rằng, do diện tích sắn tăng mạnh trong những năm qua giúp nguồn nguyên liệu cho chế biến dồi dào, các doanh nghiệp do đó có cơ hội ép giá nông dân. “Để hài hòa lợi ích đôi bên, doanh nghiệp chế biến và người nông dân sản xuất sắn nguyên liệu cần có thỏa thuận hợp tác rõ ràng, cụ thể. Các vùng nguyên liệu dựa vào nhu cầu của doanh nghiệp để phát triển diện tích, sản lượng…” - ông Đỗ Thanh Hòa cho biết.
Ngoài ra, theo đại diện một số doanh nghiệp, phần lớn sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam hiện nay chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, giá cả bấp bênh.
Do đó, để phát triển bền vững trong thời gian tới, theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp cần đầu tư tìm kiếm thị trường mới, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình trồng ca cao dưới tán cây điều và sầu riêng không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho người nông dân ở huyện Tân Phú (Đồng Nai) mà còn là giải pháp để giữ ổn định diện tích điều và sầu riêng.
Mấy ngày gần đây, nhiều thương lái Trung Quốc đã vào vùng trồng khóm (dứa) của tỉnh Tiền Giang để thu mua khóm với giá cao. Chính vì vậy, nhiều cơ sở thu mua khóm trong nước gặp khó khăn trong việc tìm nguồn khóm nguyên liệu để thực hiện hợp đồng đã ký kết.
Chóng vánh lấy đất nông nghiệp, chóng vánh san nền, rồi cũng chóng vánh bỏ hoang. Câu chuyện thu hút đầu tư, phát triển các KCN của nhiều địa phương được gọi với cái tên chua chát là “tâm lý bầy đàn”.