Diện Tích Cà Phê Tăng Đột Biến Ở Khánh Sơn (Khánh Hòa)
Thấy giá cà phê tăng, nông dân Khánh Sơn (Khánh Hòa) lại ồ ạt trồng cà phê. Điều đáng nói là người dân chỉ trồng mà không chăm sóc nên hiệu quả không cao.
Chạy theo phong trào
2 năm trở lại đây, gia đình anh Cao Hồng Cánh (thôn Ha Nik) đã chuyển đổi 2 sào bắp sang trồng cà phê với suy nghĩ đơn giản là thấy cà phê được giá, người ta trồng thì mình cũng trồng, còn năng suất, chất lượng ra sao thì nhờ... trời. “Trước đây, gia đình tôi đã trồng 2 sào cà phê ở rẫy cạnh nhà. Thời gian gần đây, giá cà phê nhân tăng cao, đạt hơn 35 nghìn đồng/kg, thu nhập từ cây cà phê cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác. Vì vậy, gia đình tôi quyết định trồng tiếp 2 sào cà phê nữa, hy vọng sẽ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình”, anh Cánh chia sẻ.
Không riêng anh Cánh, tại thôn Ha Nik có rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã chuyển một phần diện tích đất canh tác sang trồng cà phê. Điều đáng nói là nhiều hộ vẫn giữ thói quen canh tác lạc hậu, không đầu tư phân bón và trồng trên đất đồi có độ dốc cao, sỏi đá bạc màu nên cây cà phê kém phát triển. Hiện nay, thời tiết nắng nóng kéo dài nhưng nhiều hộ không có khả năng thuê máy bơm để tưới nên cà phê có nguy cơ chết khô.
Tại xã Sơn Bình, một trong những địa phương có diện tích cà phê lớn nhất, nhì huyện Khánh Sơn, từ năm 2011 đến nay, nhiều hộ gia đình đã phát triển diện tích cà phê một cách tự phát. Trước đây, bà Cao Thị Giáo (thôn Liên Hòa) có 2ha đất trồng lúa rẫy, bắp… Khi thấy các gia đình khác trong xã trồng cà phê bán được giá nên bà quyết định trồng thử 0,5ha. Thấy hiệu quả của cây cà phê mang lại cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác, bà đã chia đất cho 4 người con cùng trồng. Bà Giáo cho biết: “Tại Sơn Bình, những diện tích cà phê cạnh nguồn nước năng suất khá cao, thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng/ha. Còn những diện tích cà phê ở trên dồi cao, độ dốc lớn, do không có nguồn nước tưới, chỉ dựa vào nước mưa nên cây chậm phát triển, mỗi vụ thu nhập chẳng được bao nhiêu”.
Lãng phí đất nông nghiệp
Được biết, năm 2000, giá cà phê tăng cao, người dân Khánh Sơn đã ồ ạt trồng cà phê, khi đó diện tích loại cây này lên hơn 500ha. Mấy năm sau, cà phê rớt giá, người dân lại chặt cà phê để trồng các loại cây khác. Hiện nay, tình trạng này tiếp tục tái diễn. Ngoài nguyên nhân người dân trồng tự phát, chạy theo phong trào, nhiều người ở các tỉnh khác như: Lâm Đồng, Quảng Ngãi… biết khí hậu, thổ nhưỡng tại đây phù hợp với cây cà phê cũng đến mua đất trồng cà phê, khiến diện tích loại cây trồng này tăng cao trong 2 năm trở lại đây.
Theo ông Lê Ánh Sáng - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình: “Hiện nay, diện tích cà phê trên địa bàn xã khoảng 150ha, tăng gần 40% so với cuối năm 2011. Điều khiến chúng tôi lo lắng là cây cà phê cần vốn đầu tư chăm sóc lớn, nhất là phân bón và nước tưới, nhưng nhiều hộ dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số không đáp ứng được. Trong khi cà phê của các hộ người Kinh nhờ được đầu tư chăm sóc tốt nên năng suất cao, thì cà phê của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, sản lượng chẳng được bao nhiêu. Một số hộ cứ trồng tràn lan, không chăm sóc, thậm chí bỏ hoang nên cây không phát triển nổi. Có hộ, 1 sào cà phê chỉ thu hoạch được 1 - 2 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Trọng Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết: “Hiện nay, diện tích cà phê tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Khánh Sơn đã đạt hơn 600ha (tăng gần 300ha so với đầu năm 2012). Một số địa phương có diện tích tăng cao như: Sơn Lâm, Thành Sơn, Sơn Bình, Ba Cụm Bắc… Điều đáng nói, người dân phát triển diện tích cà phê một cách tự phát, chạy theo phong trào.
Điều này không chỉ gây thiệt hại cho nông dân mà còn lãng phí đất nông nghiệp”. Cũng theo ông Lâm, trước việc diện tích cà phê tăng ồ ạt trong 2 năm trở lại đây, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tiến hành khảo sát, thống kê diện tích. Qua đó, khuyến cáo người dân không tiếp tục mở rộng diện tích; chỉ giữ lại những diện tích cà phê ở những nơi có nước tưới; những khu vực thiếu nước tưới thì chuyển đổi sang trồng các loại cây khác, không tiếp tục trồng cà phê.
Có thể bạn quan tâm
Chủ trương sửa đổi Luật Đất đai tới đây sẽ nâng thời hạn giao đất nông nghiệp lên thành 50 năm. Vậy thời hạn này liệu đã đáp ứng được kỳ vọng của nông dân và cần thực hiện giao đất như thế nào?
Chỉ cần vài tiếng đồng hồ lắp đặt, bà con nông dân đã có thể đưa vào sử dụng ngay một bể biogas bằng chất liệu composite siêu bền. Trước đây, các hộ chăn nuôi, trang trại, gia trại chủ yếu xây dựng hầm biogas bằng chất liệu gạch và xi măng. Nhưng bể biogas xây bằng gạch có nhiều nhược điểm như dễ bị nứt, lún, bể xây càng to rủi ro càng lớn
Nông dân tham gia mô hình được hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón NPK Việt Nhật và được hỗ trợ 100% giá phân bón. NPK Việt Nhật được dùng cho từng thời kỳ, gồm 2 loại là NPK 16:12:8 dùng cho bón lót, bón thúc và NPK 16:8:14 dùng cho bón đón đòng. Qua theo dõi cho thấy sử dụng phân bón NPK Việt Nhật lúa đẻ nhánh khoẻ, số nhánh hữu hiệu cao, lá màu xanh sáng, cây cứng, ít sâu bệnh. Sử dụng phân bón NPK Việt Nhật cho năng suất lúa khá cao, đạt khoảng 300kg/sào, cao gấp 1,4 lần so với sử dụng phân đơn; trong khi số lần sử dụng thuốc BVTV giảm hẳn.