Sạ Hàng Trong Công Nghiệp Hóa Sản Xuất Lúa Ở Miền Bắc
* Kỹ thuật gieo sạ lúa theo hàng (SH) bằng máy kéo tay và tự hành đã được áp dụng trong sản xuất đại trà
Ngoài ra, nó còn có ý nghĩa lớn hơn nhiều là bắt đầu có giải pháp khả thi để chị em phụ nữ dần thoát ly khỏi cảnh "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", mùa rét lội xuống ruộng cấy chân "phát cước" đỏ lừ; mùa hè thì nước ruộng nóng cũng "luộc" chân đỏ au, mà việc cấy này lại "ưu tiên" cho phái nữ! SH còn đem lại lợi ích kinh tế rõ ràng: so với cấy mạ sân lời hơn 435.000 đồng, so với cấy mạ dược lời hơn 5.385.000 đồng! Ở ĐBSCL, nghiên cứu của 1 nghiên cứu sinh trong 3 năm (TS. Bùi Thị Thanh Tâm) cho thấy SH cũng có những lời như trên, trong vụ hè thu, do cây cứng hơn nên còn lời hơn nữa.
Thật ra, phương pháp gieo thẳng lúa đã áp dụng ở miền Bắc ngay từ hồi kháng chiến chống xâm lược Pháp, do cố GS. Bùi Huy Đáp và cộng sự hướng dẫn nông dân làm ở vùng trung du với giống lúa bản địa ngắn ngày như Ba giăng, lúa Lốc...; giống nhập nội từ Nam Ninh- TQ như Trà trung tử...; giống do cố AHLĐ Lương Định Của chọn tạo như Nông nghiệp1, Sớm cu...
Cả hai vị tiền bối trên đều được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên (1996). Vào giữa thập kỷ 60 của thế kỷ trước, khi còn ở trường Đại học NN1, tôi cùng cộng sự đã về xã Hưng Đạo, tỉnh Hải Dương vào những ngày không có giờ lên lớp, hướng dẫn bà con nông dân các thôn Lạc Dục, Ô Mễ, Xuân Nẻo áp dụng những kỹ thuật của cả 2 thầy: cấy ngửa tay chăng dây thẳng hàng, thả bèo dâu, trồng điền thanh mô, và sạ lúa theo hàng với máy sạ 2 hàng làm bằng gỗ và cật tre bởi AHLĐ, cố PGS. Phan Hồng Diêu chế tạo. Vào mùa gieo trồng lúa, sớm tinh mơ đã có thể nghe tiếng máy chạy bành bạch vang đồng do nam nữ thanh niên đi sạ lúa, thật là vui. Thế rồi, tất cả đi nhanh vào dĩ vãng...! Nhớ lại điều này, làm cho tôi càng cảm phục nông dân và cán bộ khuyến nông miền Bắc.
Khi vào ĐBSCL, làm Viện trưởng Viện NC Lúa, tôi vẫn mê kỹ thuật SH. Trong một đợt đi hội nghị khoa học ở Philippine năm 1990, tôi mang mẫu dụng cụ SH của Viện Lúa Quốc tế (IRRI Seeder) về nghiên cứu áp dụng. Mẫu này làm bằng sắt, có 2 bánh trượt, rất khó áp dụng. TS. Lê Văn Bảnh, nay kế nhiệm Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, đã cùng cộng sự thay bàn trượt bằng bánh lồng mới đưa vào sản xuất được.
Tỉnh Trà Vinh tiếp thu vào sản xuất đại trà đầu tiên, từ 1998. Nông trường Sông Hậu ngày đó cũng áp dụng gần 100% diện tích- 6.000 ha. Rồi Doanh nghiệp cơ khí Hoàng Thắng, đúc mẫu máy bằng nhựa với đủ kích cỡ như bà con miền Bắc mới dùng vài kiểu. Lãnh đạo địa phương quyết tâm hơn trong việc đưa vào sản xuất máy SH. Nhiều địa phương cấp máy sạ cho nông dân miễn phí cả, hoặc 1 phần. Sau 10 năm, mới được trên 20% diện tích, bằng gần 1 triệu ha gieo trồng/năm. Các nước trong khu vực đã đến hội thảo thăm đồng và mua mẫu máy của ta, kể cả Philippine.
Trong niềm vui chung được mùa, tôi xin trao đổi kinh nghiệm với bà con nông dân miền Bắc, trong đó có quê hương Hà Nội, và quê công tác là Hải Dương như kể trên, và ở Thái Bình tại hợp tác xã Tân Hưng Hóa trong phong trào làm mô hình "ruộng lúa thâm canh Nguyễn Văn Trỗi" có sự động viên thường xuyên của cố Bí thư Tỉnh ủy Ngô Duy Đông và Chủ tịch Nguyễn Ngọc Trìu (nay là Chủ tịch Hội Làm vườn VN); ở Vĩnh Phú, dưới sự lãnh đạo tiếp thu vụ lúa xuân rất mạnh của cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, chúng tôi giúp nông dân huyện Vĩnh Tường và Thanh Ba làm mô hình thâm canh lúa xuân và có trình diễn gieo thẳng lúa. Chỉ sau 1 năm, 1970, từ chỗ diện tích làm lúa xuân không đáng kể đã tăng lên 40% diện tích lúa toàn tỉnh. Chúng tôi cũng đóng góp ít nhiều với tỉnh Nam Hà, Hà Sơn Bình...
Ở ĐBSCL, bà con nông dân có tập quán sạ lan bằng tay rất dầy, 200-250 kg giống/ha. Như vậy, SH đã tiết kiệm được 150 kg thóc giống/ha hoặc hơn. Đồng thời, 1 ha tiết kiệm được 1 bao urê, 1-3 lần phun thuốc trừ sâu bệnh, chuột không vào quậy phá khi lúa chín, lúa đỡ đổ non, bông to, hạt chắc hơn, có thể lý giải do ánh sáng mặt trời chiếu sâu vào ruộng lúa, vừa thuân lợi cho quang hợp, vừa "đuổi" được mầm sâu bệnh và chuột tới làm tổ thời kỳ lúa chín. Tác dụng của SH còn làm cho người đi chăm bón dễ dàng hơn; vịt chạy đồng và thả cá vào ruộng lúa chóng lớn hơn. Ruộng SH còn thuận tiện cho máy gặt rải hàng hay gặt đập liên hợp vận hành dễ dàng hơn, khi tuốt lúa bằng máy cũng dễ hơn vì lúa ít bị rối.
Hiệu quả kinh tế trong vụ đông xuân ở ĐBSCL tương tự như bà con ta ở miền Bắc, nhưng ở vụ hè thu thì vượt trội, có khi tới 1 tấn thóc 1 ha và hơn, do giảm sâu bệnh và đổ non. Ở miền Bắc, SH trên ruộng được trang phẳng nên dễ hơn ở ĐBSCL vốn còn lung đìa. Tuy nhiên, vừa sạ xong mà gặp trời mưa có thể cây mọc lộn xộn, cần nhổ cấy dặm. Viện Lúa ĐBSCL đã nghiên cứu và xuất xưởng máy SH tự hành, rất hợp sau dồn điền đổi thửa.
Nhân đây, tôi xin đề xuất với bà con nông dân và cán bộ có trách nhiệm nên quay lại nghiên cứu áp dụng mạ ném, hay mạ vỉ cấy tung ném. Chúng tôi đã mang kỹ thuật và mua vỉ plastic từ tỉnh Quảng Tây và từ Bắc đem vào Nam vào năm 1998, thấy tác dụng còn tốt hơn SH và cấy lúa, trước hết là rút ngắn được thời gian vụ lúa chiếm ruộng 10-14 ngày, vì khi tung ném xuống ruộng, tựa như "nhẩy dù", khóm mạ mang theo cả cục đất mầu mỡ, bộ rễ không bị hư hại, lúa không bị chột như cấy, nên không cần có thời gian hồi phục. Đã có những nghiên cứu máy tung ném và máy cấy thả mạ vỉ.
Related news
Bộ Tài chính đã công bố mức giá thành bình quân sản xuất lúa vụ hè thu năm 2012 tại các tỉnh ĐBSCL là khoảng 3.993 đồng/kg. Như vậy, các doanh nghiệp lương thực phải tính toán mua giá lúa từ 5.190 đồng trở lên để đảm bảo nông dân có lãi tối thiểu 30% theo yêu cầu của Chính phủ trong nghị định 109 về kinh doanh và xuất khẩu gạo.
Liên tiếp trong những ngày vừa qua trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu thường xuyên xuất hiện mưa to trái mùa.
Bấy lâu nay, bà con nông dân xã Tân Thành, phường Tân Thành, TP Cà Mau, chỉ quan tâm đến việc nuôi cá bống tượng, cá chình dưới mặt nước, còn trên bờ liếp ao cá để cỏ mọc hay chỉ trồng lưa thưa các cây ngắn ngày hiệu quả kinh tế thấp, vì trồng cây lâu năm sợ ảnh hưởng đến cá nuôi.