Giá / Mô hình kinh tế

Rừng Cao Su Của Chàng Trai Mường Thu Tiền Tỷ Mỗi Năm

Rừng Cao Su Của Chàng Trai Mường Thu Tiền Tỷ Mỗi Năm
Tác giả: 
Ngày đăng: 23/05/2012

Mới bước sang tuổi 29, nhưng chàng trai dân tộc Mường Quách Văn Tùng đã là chủ trang trại nông - lâm kết hợp với 17ha cao su, 3ha luồng... cho thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng.

Cây "vàng trắng" trên đồi Bến Dung

Có được thành quả ngày hôm nay, Quách Văn Tùng (thôn 10, xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) và người thân trong gia đình đã đổ bao mồ hôi, công sức cho trang trại. Dẫn chúng tôi đi thăm đồi cao su, Tùng kể: Năm 1999, khi còn tuổi ăn, tuổi học, cứ hết giờ học ở trường là Tùng lại trần lưng cùng bố mẹ và các anh, chị trên đồi Bến Dung - nơi gia đình nhận giao khoán, để đào hố trồng cây cao su.

Lúc bấy giờ, bao nhiêu vốn liếng của gia đình Tùng, cộng với 50 triệu đồng tiền vay của ngân hàng được đầu tư hết vào trồng cây “vàng trắng”. Đất không phụ công người, chỉ sau 7 năm trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đến năm 2006, 17ha cao su của gia đình đã bắt đầu cho thu hoạch mủ.

Trong gia đình, bố mẹ thấy Tùng là người sáng dạ nhất nên sau khi anh học xong phổ thông, đã giao cho làm chủ trang trại này. Tùng bắt tay vào quản lý trang trại. Nhưng cũng như đa số người Mường ở Ngọc Lặc lâu nay chỉ quen trồng cây luồng, cây mía nguyên liệu, nên khi trồng cao su, anh gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn.

Vậy là, anh quyết tâm cắp sách đi khắp nơi học cách chăm sóc, khai thác mủ cao su cho đúng quy trình, để phát triển bền vững. Khi 17ha cao su của gia đình bắt đầu cho thu hoạch mủ, cứ 3 giờ sáng, ông chủ Tùng cùng 10 đoàn viên, thanh niên trong thôn mà anh thuê lại lên đồi Bến Dung hì hụi cạo mủ.

Nhận Giải thưởng Lương Định Của

Ngoài trồng 17ha cao su, Tùng còn trồng 3ha luồng, nuôi trâu, bò, lợn và đàn gia cầm với số lượng hàng trăm con. Hiện mô hình kinh tế trang trại của Quách Văn Tùng đang tạo việc làm ổn định cho 15- 30 lao động là người dân địa phương, với thu nhập 1,6 triệu đồng/người/tháng. Từ mô hình kinh tế trang trại tổng hợp này, 3 năm trở lại đây, mỗi năm gia đình anh lãi ròng hơn 1 tỷ đồng.

Anh Lê Bá Ngà – Phó Bí thư Huyện đoàn Ngọc Lặc cho biết: “Ngoài việc làm giàu cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động trẻ ở địa phương, anh Tùng còn nhiệt tình tham gia công tác đoàn ở xã. Tùng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng cây cao su, làm giàu từ kinh tế trang trại cho người dân trong huyện”.

Anh Lại Đình Quang- Trưởng ban Thanh niên nông thôn (Tỉnh đoàn Thanh Hóa) cũng cho biết: Mô hình kinh tế trang trại của Quách Văn Tùng là một trong những mô hình lớn, có hiệu quả nhất do đoàn viên làm chủ ở nông thôn Thanh Hóa hiện nay.

Với những thành tích đạt được trong phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp ngay tại mảnh đất quê hương, năm 2001, Quách Văn Tùng đã được nhận Giải thưởng Lương Định Của do T.Ư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.

“Chúng tôi đang có kế hoạch tổ chức cho các bạn trẻ nông thôn trong tỉnh đến học tập kinh nghiệm làm giàu của Tùng” - anh Lại Đình Quang cho biết.

Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Không Dùng Hóa Chất Xử Lý Hạt Giống Mô Hình Không Dùng Hóa Chất Xử Lý Hạt Giống

Ngoài các biện pháp kỹ thuật đang được phổ biến như "một phải năm giảm" (phải dùng giống lúa xác nhận, giảm giống, giảm phân đạm, giảm thuốc BVTV, giảm nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch), mô hình còn áp dụng tuyệt đối không dùng bất cứ hóa chất nào để xử lý hạt giống trước lúc gieo sạ.

23/05/2012
Đưa Giống Thanh Long Ruột Đỏ Về Vùng Đất Núi Đưa Giống Thanh Long Ruột Đỏ Về Vùng Đất Núi

Là người tiên phong đưa giống cây thanh long ruột đỏ về vùng đất miền núi Tràng Xá, anh Chu Văn Hợp, xóm Khuôn Ruộng, xã Tràng Xá (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), hiện là chủ nhân của 300 gốc cây thanh long ruột đỏ đang đơm hoa kết trái, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đây là mô hình sản xuất mới, phù hợp với vùng đất miền núi khô cằn, đang được nhiều hộ dân học tập theo.

23/05/2012
Người Hrê Đưa Khoa Học Kỹ Thuật Vào Ruộng Mía Người Hrê Đưa Khoa Học Kỹ Thuật Vào Ruộng Mía

Nhờ ứng dụng cơ giới vào khâu làm đất và biết sử dụng phân bón hợp lý, hàng trăm hộ dân người Hrê trồng mía ở huyện miền núi Ba Tơ đã nâng năng suất cây mía lên gấp 2 lần, hạn chế được tình trạng đất bị xói lở, bạc màu.

23/05/2012