Giá / Mô hình kinh tế

Rệu Rạo Thú Y Thủy Sản: Ném Đá Ao Bèo

Rệu Rạo Thú Y Thủy Sản: Ném Đá Ao Bèo
Tác giả: 
Ngày đăng: 21/03/2012

Không phân biệt được tôm giống

Vùng NTTS hạ lưu sông Bàn Thạch, huyện Đông Hòa là vùng trọng điểm nuôi tôm với tổng diện tích trên 1.000 ha, tập trung ở các xã Hòa Hiệp Nam, Hòa Xuân Đông, Hòa Tâm. Qua gần 20 năm thực hiện chuyển đổi cơ cấu SX, vùng đất nhiễm mặn, phèn bỏ hoang đã thành những cánh đồng NTTS trù phú.

Nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu nhờ nuôi tôm, nhưng cũng không ít  người phải thua lỗ, nợ nần chồng chất. Bởi lẽ những năm gần đây, dịch bệnh trên thuỷ sản xảy ra triền miên gây thiệt hại lớn cho người nuôi trồng. Nguyên nhân do người nuôi chạy theo lợi nhuận, thả sớm, mật độ dày, không tuân thủ quy trình kỹ thuật và công tác quản lý nhà nước về con giống, thức ăn thủy sản, phòng chống dịch bệnh...

Ông Trần Phúc, thôn Thọ Lâm, xã Hòa Hiệp Nam cho biết: Những người nuôi tôm như tôi, sợ nhất là mua nhầm tôm “đểu” kém chất lượng, bị thua lỗ, nợ nần. Còn ông Nguyễn Minh Tuấn, xã Hòa Tâm nói: Tôm giống đểu trôi nổi trên thị trường rất nhiều, giá siêu rẻ, chất lượng thì cũng đểu luôn. Cái khó của người nuôi là chọn mua tôm giống, bởi không thể phân biệt được giống sạch bệnh hay không, mà chỉ nhìn giấy kiểm dịch của cơ quan chức năng là tin tưởng, mặc dù giá cao hơn gấp 3 lần.

Đa số số người nuôi tôm cho rằng: Không còn tin tưởng vào giấy kiểm dịch tôm giống của các cơ quan chức năng, bởi gần đây dịch bệnh xảy ra triền miên. Mặc dù cơ quan chức năng khuyến cáo là chọn mua con giống có nguồn gốc, kiểm dịch nhưng tôm... vẫn chết.

Cụ thể, vụ 1 năm 2010, rõ ràng giống mà họ mua các trại tôm có tên tuổi và được kiểm dịch, bán giá “trên trời”, nhưng nuôi được vài tháng thì tôm dính bệnh, lăn đùng ra chết. Chính vì vậy không ít hộ nuôi tôm tự tìm mua giống ở “chợ đen”, không nguồn gốc. Ông Phan Đình Phú, cán bộ thú y xã Hòa Hiệp Nam cho rằng dịch bệnh xảy ra là do người nuôi ham giá rẻ mua giống trôi nổi. Song cũng có người bị lừa, mua nhầm giống kém chất lượng. Khi xảy ra dịch bệnh, khó nhất là tiếp cận thông tin, bởi địa bàn nuôi rộng đến hàng trăm ha. Trong khi đó chuyên môn về thú y thuỷ sản thì có hạn. Mặc khác người nuôi có tâm lý giấu dịch nên khó tiếp cận để triển khai phòng chống. Khi cơ quan chức năng xuống kiểm tra thì họ xử lý thẳng nguồn nước ô nhiễm ra kênh, làm ảnh hưởng đến hộ nuôi khác.

Báo thú y cũng như không

Theo anh Nguyễn Công Quốc, thôn Thọ Lâm, xã Hòa Hiệp Nam- một người nuôi tôm lâu năm lại cho rằng: Khi dịch bệnh xảy ra, nếu báo cho cán bộ thú y xuống kiểm tra, chữa trị thì cũng không giải quyết được gì. Bởi anh cán bộ này chỉ có chuyên môn về bệnh trên gia súc gia cầm, chứ đâu biết gì trên con tôm?

"Do lực lượng mỏng, khi xảy ra dịch bệnh trên thuỷ sản chỉ người dân báo lên mới biết, rất thụ động. Bên cạnh đó người NTTS cũng ít quan tâm phòng chống dịch bệnh, nước đến chân mới nhảy, khi dịch bệnh xảy ra mới tìm cách chữa trị", ông Hòa nói.

"Tôi đã chứng kiếm cán bộ xuống kiểm tra dịch bệnh, chỉ xem sơ sài, qua loa, lấy mẫu rồi đi biệt tăm. Đôi khi xuống còn chưa tìm ra cách điều trị thì đã phán câu bệnh đốm trắng, đen mang… rồi đánh thuốc hủy bỏ đìa tôm, làm sao chúng tôi có cơ gỡ gạc. Vì thế chẳng ai dại gì mà báo cán bộ thú y, bao nhiều tiền của đổ xuống cho con tôm mất trắng, ai mà không xót. Khi xảy ra dịch bệnh, người nuôi tôm chỉ dựa vào kinh nghiệm, tự mua thuốc điều trị. May mắn đoán trúng bệnh, dùng đúng thuốc thì tôm khỏi, không thì chết", anh Quốc bức xúc.

Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Minh Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Phú Yên cho biết, thời gian qua Chi cục đã được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thú y thủy sản. Thế nhưng cán bộ chuyên môn, trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản rất thiếu. Vì vậy việc phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.

Hiện tổng số CBCNV trong biên chế là 57 người, cán bộ hợp đồng 10 người. Trong khi yêu cầu về quản lý các dự án, phòng chống dịch bệnh phải trên 80 người. Nhiều cán bộ thú y phụ trách mảng gia súc, gia cầm phải kiêm nhiệm thủy sản nên chất lượng còn hạn chế.  Vì thế khi dịch bệnh thuỷ sản xảy ra, dù nắm bắt được tình hình, thì ngoài việc lấy mẫu gửi các viện nghiên cứu, Chi cục chưa giúp bà con được nhiều. Đề nghị tỉnh tăng cường biên chế, đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm, trang thiết bị để công tác phòng chống dịch bệnh thuỷ sản đạt hiệu quả.


Có thể bạn quan tâm

VietGAP Cho Sầu Riêng VietGAP Cho Sầu Riêng

Từ khi triển khai chương trình VietGAP, nhiều nông dân ở xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đã ý thức xây dựng những vườn sầu riêng với năng suất và chất lượng cao.

21/03/2012
Tăng Cường Phòng, Chống Dịch Bệnh Cho Tôm Ở Ninh Hải (Ninh Thuận) Tăng Cường Phòng, Chống Dịch Bệnh Cho Tôm Ở Ninh Hải (Ninh Thuận)

Vụ hè-thu năm 2013, huyện Ninh Hải dự kiến thả nuôi khoảng 500 ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng, tập trung chủ yếu ở vùng Đầm Nại.

21/03/2012
Nà Hang Và Mục Tiêu Phát Triển Kinh Tế Thủy Sản Nà Hang Và Mục Tiêu Phát Triển Kinh Tế Thủy Sản

Với nguồn tài nguyên nước phong phú, cùng diện tích mặt nước hồ thủy điện Tuyên Quang trên 8.000 ha, Nà Hang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi và khai thác thủy sản..

21/03/2012