Giá Gia Cầm Sụt Giảm Người Chăn Nuôi Thua Thiệt
Giống như tình trạng chung của cả nước, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang gặp nhiều khó khăn do thua lỗ, heo gà quá lứa không tiêu thụ được.
Chưa bao giờ ngành chăn nuôi lại lâm vào tình trạng “điêu đứng” như hiện nay. Không chỉ heo hạ giá mà liên tiếp trong nhiều tháng trở lại đây, giá các loại gia cầm đã rớt “thê thảm”. Thông tin từ các trang trại chăn nuôi gà trong tỉnh cho biết, giá gà tam hoàng hiện đã giảm thêm 8 - 9.000 đồng/kg so với thời điểm giữa tháng 4/2013, hiện chỉ còn 29 - 30.000 đồng/kg. Riêng gà công nghiệp từ mức giá 32 - 34.000 đồng đã giảm xuống còn 18 - 19.000 đồng/kg, giảm 11 - 12.000 đồng/kg. Theo các chủ trang trại, đây là đợt giảm giá mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, giá các loại thức ăn chăn nuôi vẫn liên tục tăng đã khiến cho người chăn nuôi phải chịu lỗ 10.000 đồng/kg gà.
Là một trong những trang trại chăn nuôi gà tư nhân lớn nhất, nhì tỉnh, ông Trần Văn Nam, chủ trại gà thôn Bàu Điển, xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) cho biết, trang trại của ông chủ yếu nuôi gà tam hoàng thả vườn và sản xuất trứng. “Riêng gà tam hoàng gần đây chỉ bán được giá từ 28 - 29.000 đồng/kg, trong khi đó chi phí bỏ ra nuôi hết 33 - 35.000 đồng/kg. Trang trại của tôi vẫn cầm cự được là do “lấy cái nọ đắp cái kia”, đó là nhờ trứng gà được giá. Còn các trạng trại nhỏ, lẻ khác buộc phải tạm ngưng do thua lỗ” - ông Nam nói.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 54.235 hộ, trại chăn nuôi gia cầm, với tổng đàn là 3.320.000 con. Trong đó có 82 trang trại chăn nuôi gà; 53 trang trại nuôi gia công và 25 trại nuôi tư nhân. Đối với chăn nuôi heo, hiện có 11.827 hộ, trại với tổng đàn 353.300 con. Ông Giao Văn Sỹ, Trưởng phòng chăn nuôi, Chi cục thú y tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh, chăn nuôi heo dưới hình thức trang trại phát triển mạnh khoảng 5 - 6 năm qua.
Nhưng hiện nay đang có chiều hướng chậm lại, thậm chí một số cơ sở có quy mô từ 200 - 500 con đã ngưng nuôi hoặc giảm quy mô do giá cả bất lợi. Riêng gà, chủ yếu là chăn nuôi gia công cho các công ty nước ngoài như CP, Emivest, Japfa… Tuy nhiên, hiện nay các công ty chăn nuôi đều chủ động thu hẹp sản xuất. Công ty C.P đã giảm 50% đàn gà công nghiệp, không phát triển đàn heo, ngưng hoạt động các trang trại không hiệu quả. Còn các công ty như Emivest, Japfa cũng phải giảm 30 - 50% đàn gà thịt để… giảm lỗ.
Nguyên nhân làm giá gà giảm mạnh trong thời gian qua là do thông tin về dịch cúm H7N9 tại Trung Quốc, dịch cúm gia cầm trong nước đã ảnh hưởng đến các trang trại chăn nuôi gà. Ngoài ra, giá thức ăn cao, không vay được vốn ngân hàng, sức tiêu thụ giảm… cũng là những lý do khiến người chăn nuôi lao đao.
Ông Trần Văn Nam cho biết thêm, sức tiêu thụ trên thị trường chậm lại, giảm từ 30 - 40%, vì vậy, nhiều trang trại gà đã quá lứa nhưng không bán được. Ông Trần Văn Nam cũng cho rằng, các trang trại chăn nuôi tại Bà Rịa – Vũng Tàu còn đầu tư tạm bợ nên hiệu quả không cao. Người chăn nuôi thiếu thông tin về tình hình chăn nuôi (giá cả thị trường, sức tiêu thụ, tổng đàn tại địa phương…) nên dẫn tới tình trạng, lúc giá cao thì ồ ạt đổ xô chăn nuôi, nhưng đến lúc giá hạ thấp lại ngưng nuôi, giảm đàn.
Do đó, khi giá cao lại không có sản phẩm để bán bù lỗ, trả nợ ngân hàng. Còn ông Thân Xuân Động, Phòng Nông nghiệp huyện Châu Đức cho rằng, cần quyết liệt hơn nữa trong việc ngăn chặn gà thải loại, gà nhập lậu, cũng như cần phải hạn chế tối đa nhập khẩu các sản phẩm gia cầm không đủ chất lượng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây đã đề ra phương án thúc đẩy phát triển sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2015. Theo đó, trong thời gian tới, mô hình chăn nuôi nông hộ, gia trại vẫn tiếp tục được duy trì ở những khu vực thưa dân cư, tiếp giáp nội thị.
Tuy nhiên, để giúp người chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cần khuyến khích cơ sở chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, quy trình chăn nuôi VietGAP trong nông hộ. Tỉnh cần chỉ đạo các ngân hàng có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cho vay mới đối với các trang trại bị thiệt hại do dịch bệnh; có chính sách đầu tư vốn vào các trang trại chăn nuôi heo, gia cầm tập trung với phương thức công nghiệp và bán công nghiệp; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh.
Mặt khác, hình thành các mô hình chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm từ chăn nuôi – giết mổ - buôn bán sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ưu tiên phát triển các nguồn giống tốt và rút ngắn thời gian nghiên cứu các ứng dụng khoa học về chăn nuôi để sớm đưa vào sản xuất để góp phần hạ giá thành…
Có thể bạn quan tâm
Cách đây hơn 10 năm, như nhiều ND ở Chợ Gạo (Tiền Giang), vợ chồng chị Trần Thị Kim Hoàng ở ấp Hòa Mỹ, xã Bình Ninh chỉ nuôi ít heo nái sinh sản bán giống cho cô, bác trong ấp.
Phần lớn hệ thống kênh mương trên địa bàn tỉnh là kênh đất, nên hiệu quả tưới tiêu mang lại không cao, gây thất thoát lượng nước khá lớn trong quá trình vận hành, tưới tiêu.
Dạy cho chính những người nông dân thực thụ cách trồng lúa đúng quy trình, chăm sóc lúa đúng cách... Đó là hình thức dạy nghề tại chỗ rất hiệu quả cho bà con nông dân ở xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm (Hà Nội).