Rệu Rạo Thú Y Thủy Sản: Giải Pháp Chống Dịch Chưa Đủ Tầm
"Xé rào" thả trước vụ
Theo kết quả phân tích của các ngành chức năng, trong 8 mẫu nước và 13 mẫu bùn lắng lấy từ 2 tỉnh có thiệt hại do tôm chết nghiêm trọng nhất năm 2011 là Sóc Trăng và Bạc Liêu thì 100% các mẫu nước này đều bị ô nhiễm dư lượng thuốc BVTV Cypermethrin vượt mức cho phép từ 3- 6 lần. Với mức độ ô nhiễm cao như vậy, tôm sẽ bị chết ngay khi thả nuôi.
Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng: Nguy cơ ô nhiễm môi trường nước gây thiệt hại trên vụ tôm năm nay là rất lớn. Nguyên nhân do người nuôi “xé rào” thả trước vụ, môi trường ô nhiễm nặng, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, độ mặn không đủ do mưa nhiều...
Bên cạnh đó, người nuôi chủ quan trong cả nuôi trồng và quản lý, bất chấp thời tiết thả nuôi trước thời vụ, cải tạo ao đầm không đảm bảo kỹ thuật, chất lượng con giống kém. Nhiều hộ không sử dụng ao lắng mà lấy nước trực tiếp vào ao, không có hệ thống chứa nước thải nên khi dịch bệnh xảy ra, nguồn nước ô nhiễm thải trực tiếp ra môi trường khiến mầm bệnh phát tán trên diện rộng.
Mặt khác, trong quá trình phòng chống dịch bệnh, yếu tố quan trọng là hóa chất để dập dịch rất thiếu và chưa kịp thời. Tại những vùng tôm nuôi bị thiệt hại, công tác quản lý nguồn nước thải vẫn khó khăn, lượng tôm bị bệnh được thu hoạch đưa đi tiêu thụ cũng chưa thể kiểm soát hết. Trong khi đó, hầu hết các tỉnh đều gặp khó do thiếu nhân lực và biện pháp chế tài.
Theo ông Võ Quang Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng): “Hiện nay rất khó kiểm soát chất lượng của từng loại hóa chất, thuốc thú y thủy sản đang tồn tại trên thị trường. Kích cỡ con giống hầu như không đạt cỡ post theo quy định của Bộ NN- PTNT. Vấn đề môi trường nuôi vẫn chưa có một tiêu chí cụ thể nào”.
Phòng chống dịch bệnh còn bỏ ngỏ
Hiện cán bộ thú y thủy sản ở cả 4 cấp đều thiếu về số lượng lẫn chất lượng chuyên môn. Mặc dù thủy sản là ngành mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể, song công tác thú y thủy sản, phòng chống dịch bệnh vẫn bỏ ngỏ. Ở nhiều địa phương, lĩnh vực NTTS mới chỉ dùng lại ở công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ, tập huấn cho nông dân, áp dụng TBKT... Nhiều nơi cán bộ thú y thủy sản hầu như không có, do vậy ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả SX.
Ở đây phần nào có sự “bất bình đẳng” bởi chăn nuôi gia súc, gia cầm đều có hệ thống thú y đến tận cơ sở, lĩnh vực thú y thủy sản gần như trống. Hơn nữa người dân không mấy tin tưởng vào công tác thú y thủy sản.
Theo Tổng cục Thủy sản, các giải pháp phòng chống dịch vừa qua là chưa đủ tầm, thiếu sự phối hợp đồng bộ và còn nhiều hạn chế. Các cơ quan chuyên môn địa phương phải chủ động tham mưu triển khai kịp thời biện pháp phòng chống dịch, khôi phục SX; nghiên cứu giải pháp phát triển bền vững, nhất là cơ sở hạ tầng...
Khi diện tích và số lượng nuôi tăng cao thì dịch bệnh, ô nhiễm ao, hồ, đầm ngày càng tăng. Nguyên nhân do không kiểm soát hết được xuất xứ con giống, dịch bệnh. Trong khi một diện tích nuôi bị bệnh thì các diện tích khác rất dễ nhiễm, do lây lan từ nguồn nước, thức ăn... Để từng bước kiểm soát, thanh toán triệt để nguồn bệnh, cán bộ thú y thủy sản phải thường xuyên nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, phối hợp đồng bộ của các cấp ngành và người dân. Chính quyền địa phương phải nhập cuộc ngay việc phòng chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn quản lý.
Theo Tổng cục Thủy sản, Chi cục Thú y các tỉnh cần xây dựng các giải pháp đồng bộ từ kiểm dịch giống thủy sản SX trong tỉnh đến tăng cường thanh tra, quản lý thức ăn, thuốc thú y thủy sản. Thành lập các đội kiểm tra lưu động, phối hợp với các chốt kiểm dịch của tỉnh kiểm soát chặt chẽ nguồn giống nhập từ tỉnh ngoài vào. Kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y ở cơ sở SX giống, cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn cho động vật thủy sản.
Duy trì các hoạt động chẩn đoán, xét nghiệm một cách chính xác, kịp thời về bệnh trên vật nuôi, nghiên cứu ứng dụng TBKT vào SX để phòng tránh bệnh, tăng cường công tác kiểm dịch cả nguyên liệu nhập về chế biến để phòng bệnh từ xa...
Related news
Mới đây, Sở KH&CN Quảng Ninh đã tổ chức thẩm định nhiệm vụ “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc nhảy (strombus canarium) ở Quảng Ninh” do Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh thực hiện.
Trước khi Bộ Y tế công bố kết quả kiểm tra này, Cục Thú y cũng đã lấy 5 mẫu gà nhập lậu ở chợ Hà Vỹ (Hà Nội) để kiểm tra và kết quả kiểm tra cho thấy hầu hết đều phát hiện tồn dư kháng sinh sulphadiazine.
Các chủ đùng nuôi tôm ở khu vực nuôi thủy sản xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc - Bà Rịa - Vũng Tàu) đang phải “mất ăn mất ngủ” vì nạn trộm tôm hoành hành. Bọn trộm sử dụng ống hơi, lặn sâu dưới đùng để bắt, hàng tấn tôm của các chủ đùng, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng, nghiêm trọng hơn là các thiết bị điện cho hệ thống sục khí cũng bị chúng vơ vét không chừa.