Rau xanh rớt giá, càng bán càng buồn
Đang vào thời điểm thu hoạch rộ, song giá rau, củ, quả trên địa bàn Hà Nội giảm quá sâu, khiến nhiều nông dân trồng rau ở các “vựa” rau lớn như Hoài Đức, Đông Anh… bị thua lỗ nặng.
Trong ảnh: Nông dân thu hoạch rau trên cánh đồng xã Quyết Tiến, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng
Cải bắp to, đẹp chỉ 1.000 đồng/kg
Theo khảo sát của phóng viên NTNN, tại các vùng rau lớn của Hà Nội như Đông Anh, Hoài Đức… nông dân đang vào chính vụ thu hoạch rau. Ông Trần Minh Tuấn ở xã Tiên Dương (Đông Anh) phàn nàn khi chúng tôi hỏi về việc tiêu thụ rau. “Buồn lắm, cải bắp phải bán dưới 1.000 đồng/kg, có ngày còn ế nhưng vẫn phải thu hoạch để lấy đất trồng vụ mới. Tính ra, 3 sào rau tôi phải chịu lỗ tới vài triệu đồng” – ông Tuấn ngậm ngùi.
Theo khảo sát, nhu cầu tiêu rau xanh của Thủ đô khoảng 2.600 tấn/ngày, tương đương 950.000 tấn/năm. Do đó, với diện tích canh tác rau như trên, Hà Nội chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu rau xanh của người dân hàng ngày, còn lại phải nhập từ các địa phương khác.
Lý giải về nguyên nhân giá rau giảm sâu, ông Tuấn cho rằng, do ra tết năm nay thời tiết thuận lợi, rau xanh dễ phát triển nên được mùa, nguồn cung tăng mạnh dẫn đến giá rau giảm nhanh. “Năm nay, càng trồng nhiều rau, nông dân càng lỗ nặng, ở xã tôi có nhiều hộ lỗ từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng” – ông Tuấn chia sẻ.
Với 5 sào rau cải bắp, chị Nguyễn Thị Phương (ở xã Tiên Dương) cũng đang đứng ngồi không yên vì giá rau giảm sâu so với vụ trước. Theo tính toán của chị, mỗi sào trồng được 1.000 cây cải bắp, giá cây giống từ 800 – 1.000 đồng/cây, cộng với tiền phân bón, thuốc trừ sâu thì chi phí lên khoảng 2.500 đồng/cây, chưa kể công chăm sóc và chi phí phát sinh khác. Với mức giá 1.000 đồng/kg như hiện nay, hầu như người trồng rau không có lãi.
Theo các hộ nông dân, thời tiết từ sau tết đến nay khá ấm áp nên rau xanh phát triển thuận lợi, năng suất cao. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới giá rau giảm mạnh. Được biết, trước Tết Nguyên đán giá bán cải bắp vẫn ở mức 2.000 – 2.500 đồng/kg. Khảo sát của phóng viên cho thấy, không chỉ cải bắp, nhiều loại rau khác cũng đang giảm giá mạnh. Đơn cử như cải thảo giảm xuống chỉ còn 3.500 – 4.000 đồng/kg, su hào 1.000 đồng/củ. Điều đáng nói là giá giảm sâu, song việc tiêu thụ rau cũng rất khó khăn. Với cải bắp, thương lái chỉ mua những cây trọng lượng từ 1,5 – 2kg. Cây nặng trên 2kg, nông dân phải mang đi các chợ bán lẻ.
Bà Nguyễn Thị Tần - thương lái buôn rau ở Đông Anh cho biết, phải tùy thuộc vào thị trường, lượng rau cung – cầu thương lái mới dám lấy hàng nhiều, nhập giá cao. “Năm nay, nguồn cung nhiều nên chúng tôi cũng phải lựa mua, chọn rau đẹp, giá phù hợp thì may ra mới có lãi” – bà Tần cho hay.
Nhiều nơi được mùa rau
Thời điểm trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu, giá thực phẩm, trong đó có rau xanh đã ở mức thấp và tình trạng này kéo dài đến tận bây giờ nên thu nhập của hầu hết nông dân trồng rau bị giảm sút. Theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), giá rau giảm được ghi nhận ở khá nhiều địa phương. Đơn cử, trong tháng 2, thị trường rau, củ tại Lâm Đồng có dấu hiệu giảm do nguồn cung tăng dồi dào, trong khi nhu cầu không đổi. Cụ thể, cà rốt, khoai tây, cải thảo giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Ghi nhận tại vùng rau Song Phương (Hoài Đức), chúng tôi cũng gặp tình cảnh tương tự. Ông Phạm Văn Tiến ở xã này cho biết: “Vụ đông này tôi trồng 3 sào su hào. Thời gian đầu trồng, chăm sóc thấy rau phát triển tốt, vợ chồng tôi rất mừng. Nhưng nào ngờ đến giờ thu hoạch giá rớt thê thảm, thương lái lại không mặn mà. Nghề trồng rau vất vả nhiều mà thu nhập thấp nên ai cũng buồn”.
Nông dân thu hoạch rau trên cánh đồng xã Quyết Tiến, Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: Trần Quang
Tìm hiểu tại các chợ dân sinh trong nội thành Hà Nội như chợ Mỹ Đình (Nam Từ Liêm), Dịch Vọng (Cầu Giấy) cho thấy, giá rau dù giảm so với trước Tết Nguyên đán nhưng không quá thấp. Cải bắp loại đẹp vẫn ở mức 7.000 – 8.000 đồng/kg, cải mơ 12.000 đồng/kg, nhiều loại rau ăn lá khác cũng có giá từ 12.000 – 15.000 đồng/kg…
Bà Trịnh Thị Tính - chủ gian hàng ở chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy) cho hay: “So với mọi năm, năm nay giá rau giảm khá nhiều, trung bình mỗi loại rau xanh, củ, quả giảm từ 1.000 - 3.000 đồng/kg, tùy loại”.
Trao đổi với NTNN, ông Ngô Đại Ngọc – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết: “Hiện, diện tích trồng rau của Hà Nội hàng năm khoảng 12.000ha, tập trung nhiều ở các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì… Năm nay nông dân trồng rau vụ đông rất nhiều, nguồn cung vì thế tăng cao, giá rau giảm cũng là điều đương nhiên”.
Một quầy bán rau an toàn tại Hà Nội thu hút đông đảo người mua. Ảnh: Hải Đăng
Cũng theo ông Ngọc, nguồn cung tăng một phần cũng là do hiện nay Hà Nội đang ký kết tiêu thụ rau cho 20 tỉnh, trong khi đó vụ đông năm nay các tỉnh lại được mùa nên lượng rau về Hà Nội nhiều, dẫn đến giá giảm nhanh.
Nói về giải pháp giúp nông dân thoát cảnh “được mùa – mất giá”, ông Ngọc cho biết: “Cũng phải thừa nhận thực tế rằng hiện nay việc sản xuất của bà con vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ nên thường hay gặp rủi ro lớn. Sắp tới, để cải thiện tình hình, Hà Nội sẽ tích cực đưa ra chính sách ưu đãi, khuyến khích, lôi kéo nhiều doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết sản xuất với nông dân để góp phần cải thiện được thị trường, giúp nông dân yên tâm gắn bó với nghề”.
Related news
Bà con nông dân ở ĐBSCL đã sử dụng phân khoáng bón cho lúa trong nhiều vụ, nhiều năm, giúp nâng cao năng suất lúa lên đáng kể.
Tây Nguyên xác định tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mở rộng vùng chăn nuôi đại gia súc. Cao su, cà phê, chè, hồ tiêu, điều.
Từ một thợ điện máy lành nghề, không hề có kinh nghiệm chăn nuôi, anh Trần Văn Quang đã “liều” mình đem 3 tỷ đồng “đánh cược” với nghề nuôi lợn...