Rau Trái Vụ Đột Phá Trong Sản Xuất Rau An Toàn
Với đặc điểm thời tiết nắng nóng, về mùa hè, các loại rau ôn đới như su hào, cải bắp, súp lơ, các loại cải… trên thị trường Hà Nội trở nên khan hiếm, có cầu mà không có cung.
Trước nhu cầu thực tế này, Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội đã triển khai nhân rộng mô hình trồng rau trái vụ trên địa bàn TP, bước đầu hứa hẹn nhiều kết quả.
Hiệu quả, an toàn
Trên ruộng su hào thử nghiệm trồng trái vụ, ông Nguyễn Văn Long - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp dịch vụ Vân Côn, huyện Hoài Đức phấn khởi cho biết: Mặc dù mới trồng được 20 ngày nhưng cây su hào phát triển tốt, củ đã bắt đầu hình thành, nếu thời tiết không có gì đột biến thì sau khoảng 2 tháng sẽ cho thu hoạch.
Xã Vân Côn có 239ha đất sản xuất rau màu, trong đó có khoảng 100ha rau an toàn. Những năm qua, thu nhập của người trồng rau tương đối ổn định, với trên dưới 400 triệu đồng/ha/năm, gấp 5 lần cấy lúa.
Tuy nhiên, do sản lượng rau nhiều (khoảng 10 tấn/ngày), chủng loại chưa đều trong các mùa nên giá bán không ổn định, đầu ra còn bấp bênh. Mới đây, được Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội đưa vào triển khai mô hình trồng rau trái vụ, người dân xã Vân Côn rất phấn khởi. Theo ông Long, mô hình này thành công sẽ mở ra hướng đi mới cho người trồng rau tại địa phương.
Ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội cho biết, cách đây 3 - 4 năm, người dân huyện Đông Anh đã thử nghiệm trồng rau trái vụ vào mùa hè, có che phủ nilon chống mưa nắng, xói lở. Kết quả, một số loại rau họ hoa thập tự như su hào, cà rốt, cải bắp, súp lơ… đã sinh trưởng, phát triển được, giá bán cao nên đã đem lại thu nhập tương đối cao cho người dân.
Với giá bán từ 4.000 - 5.000 đồng/củ su hào, trung bình mỗi sào, người dân thu về từ 10 - 12 triệu đồng/lứa. Từ thử nghiệm của người dân huyện Đông Anh, mô hình trồng rau trái vụ đã lan sang nhiều địa phương khác như Sóc Sơn, Gia Lâm, Hoài Đức, Quốc Oai, Đan Phượng… Tính đến thời điểm này, toàn TP có khoảng 1.000ha rau trái vụ, trong đó tập trung chủ yếu ở địa bàn huyện Đông Anh với 800ha.
Do được trồng trong điều kiện khác về sinh thái (mùa hè), có che phủ, nhiệt độ cao hơn nên các loại rau trái vụ kháng được một số loại sâu bệnh như sâu tơ, sâu xanh, bướm trắng, không cần dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Lợi ích mà mô hình này mang lại là tăng sản lượng trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân.
Trung bình 1ha rau của người dân ở các xã Yên Thường, Yên Viên (huyện Gia Lâm) hiện nay đạt từ 1 - 2 tỷ đồng/ năm, cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác. Mặt khác, việc phát triển rau trái vụ góp phần đáp ứng nhu cầu rau ôn đới trong mùa hè của người dân Thủ đô.
Tiến tới các sản phẩm không dùng thuốc
Theo đánh giá của Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Nguyễn Duy Hồng, sản xuất rau trái vụ là cơ sở để làm rau hữu cơ. Để người dân Thủ đô có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm rau an toàn, Chi cục Bảo vệ Thực vật ưu tiên trước hết cho những biện pháp sản xuất không dùng thuốc, sau đó là thuốc sinh học, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc hóa học.
Với mục tiêu này, năm 2014, Chi cục đã tổ chức đào tạo, tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giám sát sản xuất mô hình rau an toàn trái vụ cho nhiều địa phương.
Tổ chức 5 lớp quản lý dịch hại trên hoa cúc, hoa hồng, mở 126 lớp tập huấn về ATTP, sơ chế rau an toàn cho 6.300 nông dân. Hiện, Chi cục đang triển khai 80 lớp IPM trên cây rau cho 2.370 nông dân; 10 mô hình sử dụng bẫy bả protein phòng trừ ruồi đục quả, 5 mô hình bẫy bả chua ngọt phòng trừ sâu khoang và một mô hình sử dụng chế phẩm Metavina phòng trừ bọ nhảy.
Cũng theo ông Hồng, sắp tới, Chi cục sẽ tổ chức cho nông dân ở một số xã như Thụy Hương (Chương Mỹ), Văn Đức (Gia Lâm), Tráng Việt (Mê Linh), Kim An (Thanh Oai) triển khai mô hình trồng củ cải, cà rốt, các loại rau họ hoa thập tự để nhân rộng ra nhiều vùng.
Hà Nội hiện có 5.000ha rau an toàn được cấp chứng nhận; 65ha diện tích rau an toàn tập trung, 21 vùng với 171,5ha rau an toàn VietGAP và 2 vùng rau hữu cơ. Đây là tín hiệu vui cho người tiêu dùng Thủ đô và là tiền đề để ngành nông nghiệp phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa an toàn, chất lượng.
Vì vậy, theo ông Hồng, trong thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục hoàn thành đăng ký và đưa vào vận hành nhãn hiệu chứng nhận "Rau an toàn Hà Nội". Chi cục cũng sẽ xây dựng bản đồ số hóa, website, vận hành tổng đài tư vấn kết nối tiêu thụ và tăng cường phổ biến tuyên truyền về rau an toàn cho người tiêu dùng.
Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh rau, quả, chè; các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, lấy mẫu kiểm tra chất lượng để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm.
Related news
Năm 2012, diện tích tôm nuôi của huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) bị thiệt hại trên 8.600 ha, chiếm 49,6%, vì thiếu vốn nên nông dân khó có thể lấp lúa trên nền tôm. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hộ nuôi tôm sú bị thiệt hại, kết hợp vốn hỗ trợ sản xuất chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện đã hỗ trợ giống lúa đặc sản ST5 cho tất cả hộ nghèo và hộ cận nghèo ở các xã vùng tôm lúa của huyện. Do đó, vụ lúa mùa 2012 – 2013, nông dân các xã vùng tôm - lúa của huyện Mỹ Xuyên đã xuống giống được 11.145 ha, trong đó có hơn 75% nông dân sử dụng giống lúa ST, vì giống lúa này phù hợp với thổ nhưỡng địa phương.
Sau 2 năm trồng thí điểm, mô hình trồng dưa an toàn theo hướng VietGAP tại thôn Thành Mỹ (xã Tam Phước, huyện Phú Ninh) đã đem lại kết quả khả quan. Mô hình này đang được nhân rộng ở địa phương.
Trước năm 2007, hầu hết người dân ở xã Quảng Công (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) đều sống bằng nghề nuôi tôm sú nước lợ. Nghề nuôi tôm đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, tuy nhiên ẩn chứa nhiều rủi ro. Đặc biệt là trong giai đoạn 2003-2005, các vụ tôm liên tục lỗ lớn khiến nhiều bà con lâm vào cảnh khó khăn.