Giá / Mô hình kinh tế

Rau Được Giá Và Câu Chuyện Người Trồng Rau

Rau Được Giá Và Câu Chuyện Người Trồng Rau
Tác giả: 
Ngày đăng: 16/07/2014

Trong khi nhiều nhà vườn đang gặp khó khăn do trái cây rớt giá thì nông dân trên “Vương quốc” rau huyện Châu Thành lại rất phấn khởi do rau đang có giá.

NĂNG SUẤT THẤP NHƯNG NHỜ GIÁ CAO

Trên vùng chuyên canh rau xã Nhị Bình, trong nhiều ngày qua, nông dân trồng rau rất phấn khởi vì nhiều loại rau đang được trồng trong vùng có giá cao.

Anh Nguyễn Văn Tới, ấp Nam, đang chăm sóc 2 công rau cho biết, anh vừa mới thu hoạch được trên 1 tấn rau tía tô, bán với giá 11.000 đồng/kg. Trước đó, anh thu hoạch ngò gai cũng bán được giá cao. “Với giá này, người trồng rau đảm bảo có lời” - anh Tới phấn khởi nói.

Theo người dân trồng rau diếp cá, trong nhiều năm gần đây, đây là thời điểm giá rau diếp cá tăng cao nhất và kéo dài nhất. Cụ thể, trong tháng 5, tháng 6 vừa qua, rau diếp cá tăng giá lên đến mức 20.000 đồng/kg.

Cách đây 4 năm, có thời điểm, rau diếp cá tăng cao như thế nhưng chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Những ngày qua, rau diếp cá bắt đầu có xu hướng giảm, chỉ còn từ 12.000 - 15.000 đồng/kg. Với giá này, nông dân khẳng định sau khi trừ chi phí sản xuất vẫn còn có lời.

Tại vùng chuyên canh rau xã Tam Hiệp, Thân Cửu Nghĩa, trồng tập trung các loại: rau má, húng lủi, cần tàu, húng cây… người trồng rau cũng đang vui mừng vì giá rau diễn biến tương đối thuận lợi.

Theo ghi nhận của chúng tôi, rau húng lủi đang có giá 28.000 đồng/kg, cần tàu từ 27.000 - 28.000 đồng/kg, rau răm cũng đang nhích lên từ 1.800 đồng lên 2.500 đồng/kg. Rau húng cây sau thời gian sụt giảm còn 6.000 - 7.000 đồng/kg cách nay vài tháng, giờ tăng lên 20.000 đồng/kg. Ngò gai hiện có giá trên 10.000 đồng/kg. Dù hiện nay, một số loại rau sau thời gian tăng đang có dấu hiệu giảm nhưng mức giảm đến thời điểm này vẫn đảm bảo cho nông dân có lời.

Bà Nguyễn Thị An, ấp 1, xã Tam Hiệp cho biết, bà đang thu hoạch 3 công ngò gai và thương lái đến mua với giá 10.000 đồng/kg. Với giá này, bà lời 2 ngàn đồng/kg. Cũng theo bà, năng suất rau thời gian qua thấp hơn so với mọi khi nhưng bù lại giá tương đối cao, giúp người trồng bảo đảm có lời.

NỖ LỰC HƯỚNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Theo nhiều nông dân trồng rau, sau thời gian tăng giá, một số loại rau đang bắt đầu có xu hướng giảm như diếp cá, rau má, ngò gai… Đặc biệt, tía tô sau thời gian tăng rồi giảm nhẹ và hiện tại lại nhích lên từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.

Lý giải nguyên nhân giá rau tăng trong thời gian qua, nhiều người cho rằng do phần lớn các loại rau cho năng suất thấp, dẫn đến sản lượng rau cung ứng ra thị trường giảm so với mọi khi. Dù hiện nay rau đang có giá cao nhưng trước tình trạng một số loại rau đang có dấu hiệu giảm khiến nhiều nông dân lo lắng.

Điều này cho thấy, câu chuyện về đầu ra và sự phát triển bền vững của cây rau trên địa bàn được mệnh danh là “Vương quốc” rau vẫn làm đau đầu các nhà quản lý và nông dân khi chưa thể tìm ra được lời kết có hậu.

Thực tế, nhìn lại hơn 10 năm qua cho thấy rằng, Châu Thành là địa phương đi đầu trong việc nỗ lực nâng cao chất lượng rau, củng cố, phát triển bền vững vùng rau trên địa bàn. Cụ thể, mô hình sản xuất rau an toàn (RAT) đầu tiên được triển khai trên địa bàn huyện, trong đó có mô hình sản xuất rau trong nhà lưới nhưng rồi vẫn không thể duy trì và phát triển.

Tiếp theo đó, Châu Thành được chọn là một trong những địa phương trọng điểm thực hiện đề án 500 ha sản xuất RAT, trong đó huyện thực hiện 200 ha để cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh và các vùng lân cận. Cách nay 6 năm, huyện đã quy hoạch vùng phát triển rau trên địa bàn đến năm 2015.

Tiếp tục củng cố và phát triển bền vững vùng rau, năm 2011 Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết về phát triển cây rau màu và UBND huyện có kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết trên nhằm phát huy lợi thế cây trồng này của huyện, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân, đáp ứng yêu cầu của thị trường, trong đó chú trọng mở rộng vùng sản xuất RAT, VietGAP.

Thực hiện nghị quyết này, hàng năm, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp với các xã tập huấn, hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, GAP; thành lập các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) sản xuất rau theo hướng an toàn.

Tuy nhiên, do đầu ra không ổn định, mô hình kinh tế hợp tác hoạt động không hiệu quả khiến cho người dân không mặn mà với các mô hình này; thiếu kinh phí, thiếu cán bộ kỹ thuật để triển khai các mô hình sản xuất RAT, VietGAP; việc mở rộng diện tích gặp khó khăn do đầu ra không có.

Tiếp tục nỗ lực khẳng định vị thế cây rau trên địa bàn huyện, ông Huỳnh Hữu Hòa, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, qua nỗ lực nâng cao chất lượng, phát triển bền vững cây rau trên địa bàn, nhất là từ khi có nghị quyết của Huyện ủy, dù còn nhiều khó khăn trong thực hiện và kết quả chưa như ý muốn nhưng không thể phủ nhận được những kết quả mang lại rất đáng ghi nhận như diện tích rau ngày càng mở rộng, các vùng chuyên canh rau phát triển ngày càng ổn định hơn và theo hướng chuyên canh tập trung theo từng nhóm cây cho từng vùng như vùng rau má, diếp cá, rau gia vị, rau lấy củ…; việc chuyển đổi cây trồng từ đất lúa sang màu được đẩy mạnh, thu nhập người dân được nâng lên.

Theo ông Hòa, cây rau xuất hiện và phát triển lâu đời, là một trong 3 cây trồng quan trọng của huyện. Dù gặp nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy cây rau phát triển theo hướng chất lượng, ổn định và bền vững nhưng ngành Nông nghiệp tỉnh, huyện vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với cây trồng này.

Hiện nay, thông qua Dự án QSEAP, ngành Nông nghiệp tỉnh tiến hành tập huấn cho nông dân, xây dựng mô hình sản xuất rau theo VietGAP ở các xã: Long An, Thân Cửu Nghĩa, Long Hưng; xúc tiến xây dựng nhà sơ chế…

Về phía huyện, trước mắt, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục củng cố HTX rau an toàn, các THT sản xuất rau và RAT hiện có trên địa bàn; đồng thời phát triển mới các mô hình kinh tế hợp tác ở nơi chưa có THT, HTX rau; cố gắng tổ chức, xác lập, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cây rau để hoàn thành tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng xã nông thôn mới, phát triển ổn định cây rau; tiếp tục phối hợp với các xã tập huấn, hướng dẫn người dân sản xuất theo hướng RAT, VietGAP để khi có đủ điều kiện xúc tiến việc công nhận.


Có thể bạn quan tâm

Xuống Giống Gần 15.000 Ha Lúa Thu Đông Và Lúa - Tôm Xuống Giống Gần 15.000 Ha Lúa Thu Đông Và Lúa - Tôm

Sau khi thu hoạch xong lúa hè thu, nông dân đã cải tạo ruộng và xuống giống gần 14.000ha lúa thu đông và hơn 1.000ha lúa trên đất tôm - lúa. Bên cạnh đó, nông dân TP. Bạc Liêu và huyện Đông Hải đã xuống giống gần 2.000ha lúa cao sản.

16/07/2014
Trang Trại “Vàng” Vùng Chiêm Trũng Trang Trại “Vàng” Vùng Chiêm Trũng

Sau hơn 20 năm cật lực lao động, ông Phạm Văn Quất ở thôn Bằng Bộ, xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện đã biến khu ruộng trũng cấy lúa bấp bênh thành trang trại thủy sản trù phú nhất, nhì tỉnh Hải Dương. Đó là "trang trại thủy sản vàng Dung Quất".

16/07/2014
Nông Dân Khá Lên Nhờ Nuôi Cá Bống Tượng Ở Hồng Dân (Bạc Liêu) Nông Dân Khá Lên Nhờ Nuôi Cá Bống Tượng Ở Hồng Dân (Bạc Liêu)

Nông dân huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) rất phấn khởi khi thực hiện thành công mô hình nuôi cá bống tượng do Hội Nông dân Việt Nam đầu tư. Từ nguồn cá giống dễ mua và có thể bắt được trong thiên nhiên; thức ăn là những loại cá tạp tận dụng quanh ao, đầm; cá bán ra được giá cao… Những ưu điểm ấy đã thúc đẩy mô hình này ngày càng phát triển.

16/07/2014