Rau An Toàn Bí Đầu Ra
Hiện việc tiêu thụ rau an toàn (RAT) rất khó khăn do hệ thống bán lẻ chưa phát triển dẫn đến người tiêu dùng không phân biệt được RAT với các loại rau thường.
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu dự "Hội thảo nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về RAT và rau hữu cơ", do Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) tổ chức trong dịp tổ chức Tháng hành động vì người tiêu dùng.
88% người tiêu dùng không biết đến RAT
Số liệu điều tra của Vinastas cho thấy, có đến 88% người tiêu dùng tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang khi được hỏi về cách phân biệt RAT đều có chung câu trả lời, không phân biệt được RAT với các loại rau thường qua cảm nhận bề ngoài (màu sắc, độ tươi...).
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Vinastas cho biết: Trên thị trường hiện nay, có nhiều cửa hàng treo biển bán rau sạch nhưng thực tế rau có được sản xuất an toàn không thì khó có thể kiểm chứng. Trong khi, khái niệm về RAT vẫn chưa có quy định, quy chuẩn cụ thể, người tiêu dùng còn có những cách hiểu khác nhau về RAT. Đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho biết, trung bình mỗi ngày các điểm bán RAT của đơn vị chỉ tiêu thụ được khoảng 200 - 300kg. Trong khi đó, số lượng rau, củ, quả có nguồn gốc từ Trung Quốc ở các chợ ngày càng nhiều. Việc người tiêu dùng chưa mua RAT là do giá bán RAT cao hơn rau thường từ 1,5 đến 2 lần. Bên cạnh đó, khâu sản xuất, sơ chế, bảo quản, của người sản xuất còn kém nên chất lượng rau chưa bảo đảm.
Bí khâu phân phối
Để RAT đến với người tiêu dùng thì việc xây dựng hệ thống bán lẻ là điều cần thiết, nhưng hiện nay, việc triển khai đang gặp nhiều khó khăn.
Đại diện Công ty TNHH Hương Cảnh, đơn vị đang đầu tư tổ chức sản xuất RAT tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm cho biết: Hình thức tiêu thụ RAT của đơn vị chủ yếu là "ký gửi" tại một số siêu thị, vào những thời điểm rau thu hoạch nhiều, RAT khó cạnh tranh được với rau thường về giá thành".
Số liệu của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, mặc dù nhu cầu sử dụng RAT rất lớn nhưng số lượng cửa hàng bán RAT trên địa bàn TP có chiều hướng giảm, từ 260 điểm năm 2011 đến nay chỉ còn 112 điểm. Ngay cả việc mở thêm địa điểm kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn.
Nhiều DN tham gia chương trình kinh doanh RAT than phiền, mặc dù rất muốn mở điểm bán hàng lưu động tại các khu đất trống ngoài trời, vỉa hè… nhưng, cách làm này không được chính quyền nhiều địa phương ủng hộ do lo ngại ảnh hưởng đến giao thông.
Bà Nguyễn Thu Trang, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Việt Long (Quảng Ninh) cho biết: Để tìm được địa điểm bán RAT không phải dễ, vì khó thuê được địa điểm phù hợp với giá rẻ. Mặt khác, do việc mua, bán rau củ quả tại các chợ truyền thống đã trở thành thói quen cố hữu của đa số người tiêu dùng. Với giá cả ổn định, không phụ thuộc vào mức giá cố định nên mua bán rau tại chợ sẽ thuận lợi cho cả người sản xuất lẫn người mua… Do vậy, cho dù mỗi ngày công ty sản xuất trên 2 tấn RAT nhưng chỉ tiêu thụ được 1,5 tấn vì đang gặp khó trong khâu tiêu thụ.
Để đẩy mạnh việc tiêu thụ RAT đòi hỏi ngành công thương các địa phương cần xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích DN phát triển mạng lưới tiêu thụ; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại, từ đó kích thích người tiêu dùng sử dụng RAT thay cho rau không rõ nguồn gốc.
Related news
Với nhiều người, chỉ cần nghe đến rắn đã rợn tóc gáy, vậy mà nghề “đùa với tử thần” lại trở thành “cây cầu” giúp không ít người gây dựng được cơ nghiệp.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), giá tôm nguyên liệu ở các tỉnh ĐBSCL đang tăng cao. Từ đầu tháng đến nay, các thương lái đang thu mua tôm sú loại 20 con/kg với giá 250.000- 260.000 đồng/kg; loại 30 con/kg từ 160.000 - 170.000 đồng/kg; tăng bình quân 10.000- 30.000 đồng/kg so với tháng trước và là mức giá cao nhất trong khoảng một năm nay.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện giá tôm nguyên liệu trong nước đang tăng cao.