Giá / Tin thủy sản

Quảng Trị cần có giải pháp cấp bách hỗ trợ người nuôi tôm

Quảng Trị cần có giải pháp cấp bách hỗ trợ người nuôi tôm
Tác giả: THANH TRÚC
Ngày đăng: 11/05/2016

Hộ anh Nguyễn Quang Bắc, thôn Phú Hội, xã Triệu An, Triệu Phong sở hữu hồ nuôi tôm thẻ chân trắng có diện tích 0,4ha. Vụ tôm này anh thả 45 vạn con giống, đến nay đã được hơn hai tháng. Ngày 15/4 vừa qua, anh tiến hành cấp nước cho hồ tôm, lấy nguồn nước biển như định kỳ. Tuy nhiên, chỉ sau một ngày cấp nước, anh phát hiện có hiện tượng tôm chết nổi lên mặt hồ. Vài ngày sau đó, tình trạng tôm chết càng nhiều, anh Bắc ước lượng có ngày tôm chết gần 2 tạ. “Tôi theo dõi tình trạng tôm hàng ngày sau khi cấp nước và thấy con tôm chết có hiện tượng nhanh chóng chuyển màu đỏ, nhanh hoại tử hơn tình trạng bệnh lý thông thường”, anh Bắc cho biết.

Không chỉ riêng các hồ nuôi ở địa bàn xã Triệu An mà thời gian gần đây tình trạng tôm chết bất thường sau khi các hộ nuôi tiến hành cấp nước bổ sung lấy nguồn từ nước biển diễn ra ở nhiều địa phương như Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh), Trung Giang (Gio Linh), Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng (Triệu Phong). Hầu hết các hồ nuôi có tình trạng tôm chết như trên đều tiến hành cấp nước vào hồ trong khoảng thời gian từ ngày 13-18/4, trước thời điểm công bố tình trạng nước biển không an toàn cho nuôi trồng thủy sản. Ở một số hồ nuôi thuộc xã Trung Giang, huyện Gio Linh còn có tình trạng hoặc tôm bị chết, hoặc con tôm ngừng phát triển. Các chủ hồ nuôi phản ánh trong khoảng thời gian 10 - 15 ngày theo dõi thấy con tôm vẫn giữ nguyên kích cỡ. Ở xã Triệu An, nhiều hồ nuôi đến thời điểm con tôm phát triển đã đạt kích cỡ trên 100 con/kg chuẩn bị xuất bán phục vụ kỳ nghỉ lễ cho các nhà hàng thì cũng bị ảnh hưởng khiến người dân thiệt hại nặng nề.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu An cho biết: “Tổng diện tích nuôi tôm toàn xã là 89,8ha, trong đó vụ tôm chính vụ này đang thả nuôi 27ha, còn lại hơn 60ha đang chủ hồ đã cải tạo ao hồ, chuẩn bị cho vụ nuôi sắp tới. Hiện các hộ nuôi nuôi tôm bị ảnh hưởng rất lo lắng, chính quyền địa phương kiến nghị các ngành chức năng xem xét có chế độ hỗ trợ cho người dân và có hướng dẫn cụ thể để người dân xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại trước mắt”.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có hơn 656ha nuôi tôm thẻ chân trắng, trong đó tính đến ngày 30/4/2016, diện tích đang nuôi bị ảnh hưởng do người dân tiến hành cấp nước biển vào hồ tôm trước thời điểm nhận thông báo khuyến cáo ngừng cấp nước từ đơn vị chức năng là gần 16ha, ước tính tổng thiệt hại bước đầu hơn 4,8 tỷ đồng. Diện tích đang nuôi có thể bị ảnh hưởng đối với nuôi tôm sú là khoảng 52ha và tôm thẻ chân trắng là khoảng hơn 468ha. Điều đáng lo ngại đối với các hộ nuôi tôm là bây giờ người dân đứng trước tình huống tiến thoái lưỡng nan, cấp nước bổ sung thì nguồn nước không an toàn cho nuôi trồng thủy sản và nguy cơ tôm chết do nhiễm độc, không tiến hành cấp nước cho hồ đang nuôi thì lâu ngày tảo giáp xuất hiện dày, hồ nuôi ô nhiễm sẽ gây ra các mầm bệnh khác cho tôm. Còn nếu xử lý ô nhiễm bằng chế phẩm EM có khả năng cải thiện chất lượng môi trường ao nuôi thì người nuôi tôm phải bỏ ra chi phí rất lớn mà chưa biết có thể thu hoạch được vụ tôm này hay không. Đối với hồ nuôi đã cải tạo nếu để lâu ngày không lấy nước tiến hành nuôi cũng sẽ thiệt hại kinh tế rất lớn cho bà con. Trước tình hình khó khăn của các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất chính sách hỗ trợ cho các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do hiện tượng hải sản chết bất thường được hưởng mức hỗ trợ như đối với thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh (theo Quyết định 142/2009/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Trong khi chờ các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân hiện tượng hải sản chết bất thường, ngày 3/5/2016 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành công văn hướng dẫn các biện pháp cấp bách ứng phó với hải sản chết bất thường tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, trong đó yêu cầu các cơ sở nuôi cá lồng và các cơ sở sản xuất giống, nuôi thương phẩm trong ao đầm ven biển tạm thời chưa thả giống. Nếu trong trường hợp bắt buộc phải lấy nước biển vào vùng nuôi thì chỉ lấy nước tầng mặt, lúc đỉnh triều, không cấp trực tiếp nước biển vào ao đầm, bể nuôi; phải lấy nước biển qua ao chứa, ao lắng và thực hiện quy trình xử lý nước trước khi cấp vào ao đầm, bể nuôi. Đồng thời, trước khi cấp nước vào ao nuôi cần thử bằng cách thả cá, tôm giống trực tiếp vào mẫu nước đã xử lý lấy từ ao lắng.


Có thể bạn quan tâm

Hạn chế lấy nước biển vào hồ nuôi trồng thủy sản Hạn chế lấy nước biển vào hồ nuôi trồng thủy sản

Trước thực trạng cá biển, cá lồng nuôi đang có diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế khuyến cáo người nuôi trồng thủy sản (NTTS) ven biển, đầm phá hạn chế lấy nước biển vào hồ nuôi trong thời điểm này.

11/05/2016
An Giang đa dạng giống thủy sản thích nghi với môi trường An Giang đa dạng giống thủy sản thích nghi với môi trường

Trong nhiều năm trở lại đây, tình hình thời tiết mỗi năm diễn biến phức tạp trước biến đổi khí hậu, nắng nóng, thiếu nước, nguồn nước bị ô nhiễm và thủy sản luôn bị khai thác triệt để bằng ngư cụ cấm...

11/05/2016
Nghệ An khống chế bệnh đốm trắng ở tôm Nghệ An khống chế bệnh đốm trắng ở tôm

Bệnh đốm trắng trên tôm tại một số địa phương đang được khống chế. Tuy nhiên trong điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay, con tôm dễ bị nhiễm bệnh.

11/05/2016