Giá / Tin thủy sản

Hạn chế lấy nước biển vào hồ nuôi trồng thủy sản

Hạn chế lấy nước biển vào hồ nuôi trồng thủy sản
Tác giả: Hà Nguyên
Ngày đăng: 11/05/2016

Người nuôi lo lắng

Các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ven biển, nuôi xen ghép trên đầm phá ở một số địa phương của huyện Phú Vang, Hương Trà, Phong Điền đang đối diện với một vụ mùa thất bát.

Ông Lê Xuân Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương (thị xã Hương Trà), cho biết, toàn xã có 75ha tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Riêng tại vùng tôm cao triều Vĩnh Trị có 38 ao. Hiện tại, ngoài một số diện tích bà con phơi hồ, không sản xuất, đối với những hộ đang thả nuôi tại vùng tôm cao triều Vĩnh Trị, địa phương có khuyến cáo người dân hạn chế, chọn đúng thời điểm để lấy nước vào nhằm đảm bảo tránh dịch bệnh trên tôm. Đặc biệt, đối với những hồ dịch bệnh, các hộ nuôi cần thông báo ngay với chính quyền địa phương, cán bộ khuyến nông nhằm ngăn việc xả nước hồ ra môi trường, ảnh hưởng những hộ nuôi xung quanh và dùng hóa chất xử lý.

Ông Võ Văn Hương, một hộ dân NTTS ở vùng tôm Vĩnh Trị băn khoăn, trong thời điểm hiện nay, cá lồng nuôi, cá biển ở Hải Dương, Thuận An chết rải rác, bà con rất lo lắng khi đưa nguồn nước vào hồ.


Người nuôi cần tuân thủy quy trình lấy nước biển vào hồ nuôi tôm, cá

Ông Hồ Đình Tiễn, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân (Phú Vang) thông tin: “Hiện địa phương đang đưa vào thả trên 700 hồ nuôi xen ghép các loại cua, cá. Thời gian vừa qua, do nắng nóng, môi trường nước thay đổi đã có 200 hồ nuôi bị chết. Thời điểm xảy ra dịch bệnh các hộ mới thả nuôi chừng 1-2 tháng nên thiệt hại từ 15 - 20 triệu đồng/hộ. Hiện địa phương đang tuyên truyền bà con hạn chế thay đổi lượng nước, tùy theo tình hình cụ thể mà các hộ dân có thể cân đối, lấy nước vào hồ nuôi trong giai đoạn hiện nay”.

Ông Tiễn cho biết thêm, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng lấy mẫu nước ở điểm quan trắc Doi Mũi Hàn, theo dõi các chỉ số lý hóa trong nước để có những hướng dẫn, khuyến cáo cho bà con trong giai đoạn dịch bệnh xảy ra nhiều như hiện nay.

Tại xã Điền Hương (huyện Phong Điền), do dịch bệnh xảy ra những mùa vụ trước nên đến thời điểm hiện nay, ngoài các doanh nghiệp trên địa bàn đang thả nuôi, các hộ dân cũng chỉ đưa vào thả nuôi khoảng 10 ha trên tổng diện tích 32 ha của 31 hộ dân trên toàn xã. Việc lấy nước biển vào hồ nuôi hiện nay các hộ dân đang rất thận trọng và tuân thủ hướng dẫn của chính quyền địa phương.

Tuân thủ quy trình

Ông Trần Gia Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương cho biết: “Hiện nay, địa phương đang cử cán bộ kỹ thuật về tận hồ nuôi của bà con để có những hướng dẫn kịp thời. Sau mỗi vụ nuôi, phải phơi khô cứng nền đáy ao chứa, ao nuôi khoảng 1-2 tháng, tiêu diệt các mầm bệnh và phục hồi môi trường nền đáy. Đối với công tác lấy nước vào hồ nuôi, khó khăn của địa phương hiện nay là hệ thống xử lý nước thải, ao lắng, đang được đầu tư nhưng chưa hoàn thiện. Việc NTTS hiện nay đang đối diện nguy cơ dịch bệnh khá cao. Địa phương cũng khuyến cáo người dân chọn thời điểm phù hợp, đầu tư túi vải, mút xốp để lấy nước vào ao chứa; dùng hóa chất diệt tạp, xử lý khuẩn nước trước khi đưa vào nuôi trồng”.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay: “Trong tình hình thủy sản trên biển, lồng nuôi đầm phá tiếp tục chết rải rác ở một số địa phương như hiện nay, sở đã có thông báo hướng dẫn cho các địa phương. Đối với các hộ nuôi cá lồng, thường xuyên theo dõi cá nuôi, quan trắc, kiểm tra các yếu tố môi trường; khẩn trương thu hoạch đối với thủy sản thương phẩm đạt kích thước để hạn chế thiệt hại. Đối với vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, ven đầm phá, tuân thủ các quy trình, hạn chế cấp nước bổ sung vào ao nuôi. Trong trường hợp phải lấy nước, cần tuân thủ lấy nước bề mặt, lúc đỉnh triều, không cấp trực tiếp nước biển vào ao nuôi”. Theo ông Hùng, phương pháp đơn giản hiện nay, ngoài lắng ở ao chứa, test kiểm tra nguồn nước đầu vào, các hộ dân NTTS có thể dùng xô, chậu chứa nước lấy vào, bỏ ngoài trời nắng từ 1-2 giờ đồng hồ, thả tôm, cá vào, nếu thấy an toàn có thể lấy nước vào hồ nuôi sau khi qua ao lắng.

Ngày 2/5, Bộ NN&PTNT đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về việc triển khai các biện pháp ứng phó với thủy sản chết bất thường. Theo đó, giải pháp kỹ thuật tạm thời trong NTTS, đối với các cơ sở nuôi cá lồng, tạm thời chưa thả giống trong khi chờ xác định nguyên nhân, thường xuyên theo dõi cá nuôi và hàng ngày quan trắc, kiểm tra các yếu tố môi trường, nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý. Tạm thời di chuyển lồng cá đến khu vực nước sâu hơn, đảm bảo đáy lồng cách nền đáy ít nhất 1m. Đối với các cơ sở sản xuất giống, nuôi thương phẩm trong ao, đầm ven biển, tạm thời chưa thả giống trong khi chờ xác định nguyên nhân, tập trung xử lý, cải tạo ao đầm, chuẩn bị con giống. Tăng cường vệ sinh đáy ao, sử dụng các loại chế phẩm sinh học có khả năng cải thiện chất lượng môi trường ao nuôi.


Có thể bạn quan tâm

Thanh Hóa khẩn trương khắc phục tình trạng cá chết trên sông Bưởi Thanh Hóa khẩn trương khắc phục tình trạng cá chết trên sông Bưởi

Ngày 7-5, đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã đi kiểm tra thực tế tình trạng cá chết ở sông Bưởi trên địa bàn huyện Thạch Thành trong những ngày qua. Cùng đi với đoàn có đồng chí Nguyễn Văn Phát, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng đại diện lãnh đạo các sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh…

11/05/2016
Cá chạch lấu loài thủy sản đầy tiềm năng phát triển Cá chạch lấu loài thủy sản đầy tiềm năng phát triển

Trải qua nhiều lần thất bại, anh Trần Thanh Hùng, ở ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã thành công với việc ương giống cá chạch lấu. Đây là loài cá có giá trị kinh tế cao và đầy tiềm năng phát triển.

11/05/2016
Rầu rĩ nhìn cá ế Rầu rĩ nhìn cá ế

Thông tin về việc cá xuất bán ra thị trường được kiểm soát chất lượng và nguồn gốc đã phần nào trấn an tâm lý người tiêu dùng. Tuy vậy, tình hình mua bán vẫn trong tình cảnh ế ẩm.

11/05/2016