Quảng Ngãi Ra Mắt Quỹ Hỗ Trợ Ngư Dân
Chiều ngày 11/8/2011, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ ra mắt Quỹ Hỗ trợ ngư dân. Đây là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập quỹ này để chia sẻ khó khăn cho ngư dân khi gặp rủi ro, tai nạn trên biển.
Quảng Ngãi là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực khai thác, phát triển kinh tế biển, sản lượng khai thác bình quân trên 100.000 tấn/năm, với hơn 5.630 chiếc tàu đánh cá, tổng công suất 540.000CV và trên 4 vạn lao động trực tiếp sản xuất trên biển.
Quảng Ngãi cũng là tỉnh có đội tàu đánh bắt xa bờ thuộc loại nhiều nhất cả nước. Đây cũng là địa phương có số trường hợp phương tiện và ngư dân bị tai nạn do thiên tai, bị tàu lạ đâm chìm và nước ngoài bắt giữ cao nhất cả nước.
Từ năm 2005 đến nay, tỉnh này có 408 tàu bị chìm và 137 tàu bị hư hỏng, làm 115 người chết và 38 người bị thương vì thiên tai; 144 tàu/1.116 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ... Vì vậy, từ khi tỉnh Quảng Ngãi có chủ trương thành lập quỹ này, ngư dân rất trông đợi.
Do nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, hiệu quả khai thác ngày càng giảm nên ngư dân phải vươn ra khơi xa (điều này phù hợp với chủ trương của Chính phủ và ngành thủy sản). Nhưng càng vươn ra khơi xa thì sự rủi ro do thiên tai, bị tàu lạ đâm chìm, bị nước ngoài bắt giữ ngày càng nhiều. Hoàng Sa là ngư trường quen thuộc, không thể thiếu của một bộ phận ngư dân Quảng Ngãi. Khai thác ở ngư trường Hoàng Sa, ngoài việc mưu sinh họ còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Chính điều này mà Trung Quốc đã tăng cường tuần tra, bắt giữ, tịch thu phương tiện và xử phạt rất nặng ngư dân Quảng Ngãi khai thác thủy sản ở vùng biển Hoàng Sa.
Những năm gần đây, Chính phủ và UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân. Nhưng ngân sách nhà nước có hạn nên mức hỗ trợ không đủ để ngư dân khôi phục lại phương tiện sản xuất. Hơn nữa, do nhiều ràng buộc về thủ tục hành chính nên số ngư dân được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước chiếm tỷ lệ rất thấp so với số người bị nạn, và thời gian từ khi bị nạn đến khi nhận được tiền hỗ trợ rất dài, thường từ 4 đến 6 tháng, cá biệt có trường hợp kéo dài cả năm, nên đã mất đi ý nghĩa nhân đạo và tính kịp thời của chính sách. Vì vậy, việc thành lập “Quỹ hỗ trợ ngư dân” để huy động sự đóng góp tài chính của cả cộng đồng trong việc giúp đỡ ngư dân vượt qua cơn hoạn nạn trong lúc này là hết sức cần thiết và cấp bách.
Ông Phan Huy Hoàng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi, một trong những người trực tiếp tham gia vận động thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân cho biết: Sau khi tiếp nhận chỉ đạo từ UBND tỉnh, Sở đã chỉ đạo cho bộ phận liên quan khẩn trương triển khai làm các thủ tục theo quy định. Tuy nhiên do một số nguyên nhân khách quan, nên việc thành lập bị chậm trễ. Việc thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân sẽ thu hút được nguồn lực tài chính của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đóng trên địa bàn tỉnh, các cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản, các chủ tàu cá và toàn thể ngư dân; hỗ trợ kịp thời cho những ngư dân tỉnh Quảng Ngãi khi bị thiệt hại do thiên tai gây ra hoặc khi bị tàu lạ đâm chìm, bị bắt giữ, tịch thu phương tiện sản xuất… khi đang khai thác thuỷ sản trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam và các vùng biển hợp pháp khác, nhằm giúp họ sớm ổn định cuộc sống, khôi phục lại phương tiện sản xuất, tiếp tục ra khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Mong muốn của hàng vạn ngư dân Quảng Ngãi là sau khi được chính thức đi vào hoạt động, Quỹ hỗ trợ thật sự là “người bạn đồng hành” của ngư dân trong việc bám biển để ổn định cuộc sống, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ông Phùng Đình Toàn, Phó chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ngãi cho biết: Hiện đã có 8 doanh nghiệp và 2 cá nhân cam kết ủng hộ cho Quỹ, với tổng số tiền trên 2,365 tỉ đồng. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) Quảng Ngãi ủng hộ 1 tỉ đồng, Tổng công ty thép Việt Nam 1 tỉ đồng.
Related news
Hiện nay, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã đẩy mạnh việc ứng dụng và trồng nhãn chín muộn với thời gian chín muộn hơn nhãn chính vụ 1 tháng, qua đó giá trị đã được nâng lên rõ rệt.
Nhằm giúp người dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng, tạo ra các sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, có tính cạnh tranh cao, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế cao, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (Viện Nghiên cứu) đã triển khai thực hiện Dự án “Phát triển nuôi thẻ chân trắng theo quy trình GAP” tại Bến Tre.
Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Phú Yên vừa phối hợp với UBND phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) tổ chức hội thảo đầu bờ tổng kết chương trình IPM về biến đổi khí hậu trên cây lúa vụ hè thu năm 2012 với 30 học viên tham gia.