Giá / Mô hình kinh tế

Quản Lý Nghề Cá: Còn Nhiều Bất Cập

Quản Lý Nghề Cá: Còn Nhiều Bất Cập
Tác giả: 
Ngày đăng: 15/12/2011

Ngày 13-12, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện dự án quản lý nghề cá (QLNC) ở 8 tỉnh, giai đoạn 2006 - 2011 và xây dựng kế hoạch nhân rộng ra toàn quốc những năm tiếp theo. Thực tiễn cho thấy nghề cá ở nước ta còn nhiều khó khăn: quy mô nhỏ, phân tán, đời sống của ngư dân còn nghèo. Khai thác thủy sản còn nhiều bất cập, dẫn đến nguồn lợi cạn kiệt, môi trường nguồn nước bị suy thoái…

Ông Nguyễn Phú Quốc, đại diện Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ năm 2006 - 2011, với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Đan Mạch, Bộ NN&PTNT đã triển khai dự án đồng quản lý nghề cá ở 8 tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An, An Giang, Quảng Ninh… Việc triển khai dự án này đã đem lại hiệu quả thiết thực trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, an toàn vệ sinh thực phẩm và đã tác động tích cực đến hiệu quả sản xuất và kinh doanh, nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện đời sống cho ngư dân. Tuy nhiên, việc QLNC Việt Nam còn nhiều bất cập như: quy mô nhỏ; ngư dân sống phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản, ngư dân các vùng ven biển sống phụ thuộc vào nghề cá (chiếm 82%); hoạt động ở gần bờ và sử dụng ngư cụ đánh bắt khá đơn giản

Trong khi đó, cường lực đánh bắt tăng nhanh, đến nay cả nước có trên 130.000 tàu thuyền đánh cá, trong đó chủ yếu là tàu thuyền nhỏ loại có công suất dưới 20 mã lực (CV) chiếm trên 50%; loại tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ từ 90 CV trở lên chỉ khoảng 20.000 chiếc (chiếm 15%). Hằng năm sản lượng đánh bắt tăng nhưng năng suất ngày càng giảm. Cụ thể, năm 2000, năng suất đạt 1 tấn/CV nay chỉ còn 0,34 tấn/CV. Sinh kế phụ thuộc chính vào thủy sản, nhận thức của người dân về môi trường, nguồn lợi, sinh trưởng và bảo tồn còn thấp do vậy rất khó QLNC theo cách tiếp cận hệ sinh thái, trong khi đó QLNC theo kiểu truyền thống không phù hợp, không đáp ứng nhu cầu thị trường. Các biện pháp QLNC hiện chưa thực sự có hiệu quả đối với các địa phương dẫn tới sự phát triển nghề cá không bền vững.

Bà Trần Thị Thu Nga, đại diện tỉnh Bến Tre cho biết, từ năm 2006 đến 2011, tỉnh thực hiện QLNC tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, nhưng hiệu quả thấp do cơ sở vật chất thiếu thốn. Người dân hầu như chỉ muốn lợi trước mắt và có tư tưởng ỷ lại trông đợi vào sự hỗ trợ bên ngoài. Ngư dân ít có cơ hội tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để phục vụ công việc đánh bắt. Vùng tài nguyên đa dạng, địa hình phức tạp nên việc hình thành các tổ chức đồng quản lý còn lúng túng…

Đại diện Đại sứ quán Đan Mạch bà Nguyễn Thị Thu Hằng, cho biết, hiện nay nghề đánh cá của Việt Nam chủ yếu quy mô nhỏ, đời sống của ngư dân còn quá nghèo nàn nên khi triển khai dự án đồng QLNC ở 8 tỉnh, TP đạt kết quả rất thấp. Nhận thức của ngư dân cũng như chính quyền địa phương về mô hình đồng QLNC còn hạn chế, chưa thấy rõ được những tác hại của việc xâm hại quá mức nguồn lợi thủy sản mà chỉ quan tâm tới thu nhập được bao nhiêu từ nghề này, dẫn tới phát triển không bền vững.

Các đại biểu dự hội thảo đều cho rằng, để áp dụng mô hình đồng QLNC hiệu quả cần sự phối hợp giữa ngư dân và chính quyền địa phương. Để làm tốt các mô hình đồng quản lý thì yếu tố sinh kế, phát triển kinh tế có ý nghĩa hết sức quan trọng. Theo đó, giải quyết được việc làm cho ngư dân, ngư dân sẽ tự giác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và có sự phối hợp chính quyền trong công tác này. Ngoài ra, ngành nông nghiệp phải tiếp tục bổ sung và cụ thể hóa khung pháp lý chung cho việc áp dụng mô hình đồng QLNC ở Việt Nam. Nhà nước cần hỗ trợ dài hơi cho các mô hình đồng quản lý chứ không chỉ dựa vào kinh phí của dự án trong thời gian có hạn, nếu không việc này chỉ dừng lại ở mô hình thí điểm mà không thể nhân rộng ra toàn quốc.

Phó Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Hoàng Đình Yên:

Thực hiện đồng QLNC sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng ngư dân như: giảm xung đột giữa ngư dân, tăng sản lượng đánh bắt và tăng thu nhập, duy trì và tạo sinh kế bền vững trong nghề cá. Nhưng để triển khai dự án này ra toàn quốc cần phải nâng cao nhận thức của ngư dân về bảo vệ sinh thái môi trường và nguồn lợi thủy sản. Hỗ trợ ngư dân chuyển đổi ngành nghề, giảm áp lực khai thác thủy sản tại các địa phương. Chính quyền địa phương phải nâng cao vai trò và trách nhiệm trong công tác QLNC, khuyến khích và động viên ngư dân tham gia vào các hoạt động hiệu quả để phát triển nghề cá bền vững trong thời gian tới…


Có thể bạn quan tâm

Bác Ái Phát Triển Chăn Nuôi Bác Ái Phát Triển Chăn Nuôi

Những năm gần đây, với việc triển khai nhân rộng thêm nhiều mô hình sản xuất trong nông nghiệp, thì việc đầu tư tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng tăng tỷ trọng đàn và bán công nghiệp của huyện Bác Ái đã có những chuyển biến tích cực.

15/12/2011
Anh Tain Hải Chống Hạn, Cứu Bắp Anh Tain Hải Chống Hạn, Cứu Bắp

Những ngày trung tuần tháng tư năm nay, nắng như đổ lửa trên cánh đồng thôn Đồng Dày thuộc xã Phước Trung, huyện Bác Ái. Tranh thủ những đợt xả nước cuối cùng của hồ Phước Nhơn, anh Tain Hải khẩn trương bơm nước chống hạn, cứu bắp lai. Ruộng bắp rộng một hecta của gia đình anh bước vào giai đoạn “cứng hạt” chuẩn bị thu hoạch.

15/12/2011
Bệnh Nấm Trên Cây Mía Đang Bùng Phát Bệnh Nấm Trên Cây Mía Đang Bùng Phát

Hiện nay tại địa bàn xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), các loại nấm bệnh trên cây mía đang bùng phát mạnh và có mức độ lây lan nhanh, khiến nông dân vô cùng lo lắng. Niên vụ mía 2013 - 2014, xã Sông Cầu có 395ha mía. Vì thế, việc xử lý các loại dịch bệnh là một yêu cầu bức thiết.

15/12/2011