Qua Khảo Sát Nghề Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Còn Nhiều Bất Cập Về Kỹ Thuật Và Môi Trường
Ða số người nuôi tôm có trình độ kỹ thuật thấp, tôm giống không qua kiểm dịch còn cao, thả nuôi mật độ dày… là những lý do khiến cho nghề nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) ở tỉnh Bình Định luôn trong tình trạng không bền vững vì dịch bệnh tôm nuôi. Ðây là kết quả nghiên cứu do Chi cục Thú y thực hiện.
Qua hơn 2 năm, những người thực hiện đề tài “Nghiên cứu một số bệnh thường gặp và đề xuất biện pháp phòng bệnh trong nuôi TTCT thương phẩm tại tỉnh Bình Định” đã tiến hành thực hiện điều tra hiện trạng với hơn 698 phiếu điều tra và tiến hành nghiên cứu 180 mẫu tôm trong các ao tôm nhiễm bệnh.
Qua nhiều phương pháp nghiên cứu, đề tài đã thống kê được những bệnh thường gặp gây hậu quả nghiêm trọng trong nuôi TTCT, như: bệnh đốm trắng do virus (101/180 mẫu dương tính với đốm trắng, chiếm hơn 56%), kế đến là bệnh do vi khuẩn vibrio spp (119/180 mẫu có mật độ vibrio spp, chiếm 66%) và cuối cùng là bệnh do biến động các yếu tố môi trường.
Theo thống kê của đề tài, tình trạng tôm nuôi thường xuyên xảy ra dịch bệnh là do tôm giống không qua kiểm dịch còn cao, thả nuôi mật độ dày, thời gian nuôi ngắn, người nuôi thường tăng nhiều vụ trong năm. Hiện nay, tại nhiều vùng nuôi tôm người dân phát triển diện tích nuôi một cách tự phát ngoài vùng quy hoạch đã làm tăng nhanh lượng chất thải đổ vào vùng nuôi, trong khi hầu như cơ sở hạ tầng vùng nuôi không được cải thiện. Quá tải chính là nguyên nhân làm suy thoái vùng nuôi nhanh chóng.
Đa số các ao nuôi TTCT trên địa bàn tỉnh không có ao lắng và xử lý nước thải (chiếm hơn 90%), số hộ có ao lắng và xử lý nước thải là rất thấp. Đây là thực trạng rất khó khăn và không thuận tiện để quản lý ao nuôi nhằm giảm thiểu dịch bệnh tôm. Ngoài ra, trình độ kỹ thuật, quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản của người nuôi TTCT trên địa bàn tỉnh ta chưa đồng đều và còn thấp, nên khả năng tiếp cận, cập nhật kiến thức chuyên môn hạn chế.
Về trình độ học vấn, đa phần người nuôi tôm tốt nghiệp cấp 2, còn lại là cấp 1 (23%), cấp 3 (15%). Về kiến thức nuôi tôm, có hơn 97% là nuôi theo kinh nghiệm và tiếp thu kiến thức về kỹ thuật nuôi thông qua các lớp tập huấn.
TTCT được bắt đầu nuôi ở Bình Định từ năm 2004 trên vùng cát xã Mỹ An, Mỹ Thắng huyện Phù Mỹ, với diện tích 30 ha. Đi liền với sự gia tăng về diện tích nuôi TTCT tính đến nay, dịch bệnh trên TTCT cũng tăng cao.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, chủ nhiệm đề tài, cho biết: “Từ nguyên lý lý thuyết và từ thực tế tại các địa phương điều tra khảo sát, chúng tôi đề xuất một số biện pháp phòng bệnh như sau: người nuôi nên tuân thủ lịch thời vụ, khi phát hiện tôm có dấu hiệu bất thường hoặc chết phải báo ngay với chính quyền địa phương, cán bộ thủy sản để nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Tuyệt đối không thải nước chưa được xử lý ra môi trường bên ngoài, cải tạo đáy ao và phơi ao. Trong năm nên có thời gian nghỉ vụ hoặc nuôi đối tượng khác nhằm loại bỏ triệt để mầm bệnh và tạo môi trường tốt cho đối tượng nuôi chính. Người nuôi cần có sự gắn kết, tương trợ lẫn nhau nhằm tăng cường quản lý môi trường, dịch bệnh, hạ giá thành…"
Có thể bạn quan tâm
Chuột hoạt động mạnh và gây hại vào ban đêm, có thể di chuyển xa khoảng 2 km để tìm thức ăn và thường đi theo các đường mòn cố định. Mùa khô chúng thường sống tập trung trong hang ở các bờ mẩu, bờ đìa
Hiện giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tăng so đầu tháng 5-2012, các công ty đang thu mua cá nguyên liệu với giá 23.500 - 24.000 đồng/kg. Đầu tháng 5, giá cá ở mức 20.000 - 22.500 đồng/kg, với giá thành sản xuất dao động từ 23.000 - 24.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Ước tính, lợi nhuận của sản phẩm gỗ tại thị trường nội địa cao hơn xuất khẩu tới 10%, tuy nhiên hiện nay, đây vẫn là "khoảng trống" của ngành gỗ nước ta.