Phủ Xanh Rau Màu Trên Đất Nuôi Tôm
Trong điều kiện con tôm cho thu nhập chưa thật sự ổn định, liên tục các năm qua, huyện Đầm Dơi tăng cường phát động bà con nhân dân tận dụng đất trống, cải tạo vườn tạp để trồng rau màu. Chủ trương này được người dân trong huyện đồng tình hưởng ứng khá tốt.
Mỗi năm, bà con trồng được hàng trăm héc-ta rau màu các loại để cải thiện bữa ăn và tăng thêm thu nhập gia đình.
Riêng năm 2012, nông dân ở 16 xã, thị trấn trong huyện tổ chức trồng được 510 ha rau màu, đạt 102% so với chỉ tiêu đề ra.
Anh Nguyễn Văn Dưỡng, ấp Bàu Sen, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, chăm sóc cải xanh ven tuyến lộ nhựa Đầm Dơi - Thanh Tùng.
Khá lên nhờ phong trào
Nhờ trồng rau màu hiệu quả, đời sống của một bộ phận nông dân nâng lên. Trên diện tích 8 công đất do người khác cho mượn, vợ chồng ông Đoàn Văn Hoa ở khóm 1, thị trấn Đầm Dơi, ra sức đào đất lấp hết ao mương, lên liếp, đi mua phân rơm từ U Minh chở về để trồng rẫy.
Quá trình trồng ông chỉ sử dụng phân hoá học một lần duy nhất khi rau được 3 lá, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đậu đũa, dưa leo của ông trồng đều bảo đảm sạch, an toàn, thu hoạch đến đâu tiêu thụ đến đó. Nhiều người dân còn đến tận rẫy của ông để mua.
Thu nhập mỗi năm của gia đình ông từ trồng màu không dưới 40 triệu đồng. Từ 2 bàn tay trắng, hoàn cảnh nghèo khó, gia đình ông không những thoát nghèo mà còn có của ăn của để.
Tận dụng diện tích đất bỏ trống, cỏ sậy mọc um tùm dọc theo tuyến lộ Đầm Dơi - Thanh Tùng, anh Nguyễn Văn Dưỡng, ở ấp Bàu Sen trồng rau sạch đem lại hiệu quả cao về kinh tế, đồng thời giữ gìn bảo vệ môi trường, làm cho lộ làng hai bên thông thoáng.
Anh Dưỡng chia sẻ: “Thấy đất trống phí quá, tôi cải tạo trồng thử để phục vụ bữa ăn gia đình. Rau phát triển tốt, nhiều người hỏi mua. Thế là tôi trồng thêm được khoảng 500 m2, chủ yếu là cải”.
Anh Dưỡng cho biết, trồng màu tuy vất vả nhưng thu nhập khá. Hiện anh đã đầu tư khoan cây nước hơn 7 triệu đồng và đang tiếp tục mở rộng diện tích.
Ở ấp Hoà Hải, xã Tân Thuận, ông Nguyễn Văn Nhung là một trong những hộ thời gian qua tích cực trồng màu, cây ăn trái để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Trong quá trình cải tạo ao đầm nuôi tôm, ông Nhung đã bao ví đất để lập vườn trồng hoa màu. Có những năm ông còn mướn thêm đất của bà con lân cận để mở rộng diện tích trồng dưa hấu.
Nhờ cần cù chịu khó, cộng với áp dụng tốt khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên hằng năm, ngoài thu nhập từ con tôm, gia đình ông còn thu nhập hàng chục triệu đồng. Thời điểm này ông cũng đã xuống giống dưa hấu để bán vào dịp Tết Nguyên đán.
Mở rộng diện tích
Ở xã Tân Dân có gần 1.500 hộ trồng rau màu. Hầu như hộ nào cũng tận dụng đất trống, đất hai bên lộ giao thông nông thôn hoặc đất bờ vuông, bờ xáng để trồng màu phục vụ cho bữa ăn gia đình. Có hộ như ông Lê Văn Phi, ở ấp Nam Chánh trồng khoai môn, dưa hấu thu nhập khá.
Còn ở Tân Thuận, điều kiện địa lý gần biển, độ nhiễm mặn cao, nhưng nhiều năm qua nơi đây lại trồng được rất nhiều dưa hấu bán vào mỗi dịp Tết.
Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Nguyễn Minh Dân cho biết, hiện bà con nông dân trong xã đã xuống giống trồng rau màu được hơn 16 ha, chủ yếu là dưa hấu để bán trong dịp Tết. Diện tích dưa hấu tập trung nhiều ở 2 ấp: Hoà Hải và Thuận Hoà A. Dưa hấu đang phát triển tốt và hứa hẹn sẽ cho thu hoạch khá.
Năm 2013, huyện Đầm Dơi đề ra chỉ tiêu phát triển 500 ha rau màu. Hiện trên thị trường nhu cầu rau sạch rất lớn, do vậy, nếu bảo đảm được 2 yêu cầu: sạch và an toàn, chắc chắn nông dân Đầm Dơi sẽ không còn phải lo tìm đầu ra cho các loại nông sản mà họ sản xuất.
Rau màu ngon, sạch chắc chắn sẽ có chỗ đứng trên thị trường, đem lại giá trị về kinh tế chứ không phải chủ yếu chỉ “tự sản tự tiêu”.
Related news
Sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) về cây trồng, vật nuôi và thủy sản theo Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã bước đầu đạt được những kết quả đáng mừng...
Ông Nguyễn Vân Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Kiên Giang cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, các huyện thuộc vùng U Minh Thượng rộ lên phong trào nuôi tôm sú "châu Phi". Giống này được các cơ sở tôm giống bán với giá rất cao (75 đồng/con, cao hơn từ 25 - 30 đồng/con so với tôm giống bình thường), kèm theo những lời quảng cáo về sức đề kháng bệnh, tốc độ sinh trưởng và hiệu quả kinh tế của loại tôm này.
Do lũ rút, cua đồng ít dần nên giá cua tại các chợ huyện, thị, thành ở tỉnh An Giang đã tăng đáng kể. Cụ thể giá cua từ 50.000 - 70.000 đồng/kg, còn càng cua giá 120.000 - 160.000 đồng/kg.