Phòng chống nắng nóng cho tôm nuôi
Hiện đang mùa nắng nóng cao độ tại miền Trung. Người nuôi tôm cần hết sức chú ý tới kỹ thuật thả giống, chăm sóc trong điều kiện nắng nóng cho tôm.
Cần bổ sung vitamin C và vitamin tổng hợp để tôm nuôi khỏi bị stress, kháng được bệnh môi trường khi trời nắng nóng. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Đến nay, người nuôi tôm ở Bình Định đã thả giống vụ 2 trên diện tích 2.000 ha. Theo ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Bình Định), thời điểm thả giống vụ nuôi thứ 2 năm nay, gặp thời tiết nắng nóng rất gay gắt nên ngành chức năng khuyến cáo người nuôi tôm trong tỉnh cần lưu ý giờ thả tôm giống.
Bình thường, người nuôi tôm thả giống vào thời điểm 5 - 6 giờ chiều hay 5 giờ sáng. Nhưng trong điều kiện nắng nóng cao độ như hiện nay, thời điểm thả tôm giống tốt nhất là lúc 1 - 2 giờ sáng để cân bằng nhiệt độ giữa nước trong túi đựng tôm giống và nước trong ao nuôi. Với thời tiết hiện nay, nhiệt độ nước trong ao nuôi vào lúc 5 - 6 giờ sáng phải đạt đến 30 - 31 độ C, sẽ ảnh hưởng không tốt đến tôm giống.
Do đó, tôm giống phải được thả vào lúc 1 - 2 giờ sáng, lúc này nhiệt độ nguồn nước trong ao nuôi chỉ 28 - 29 độ C, cân bằng với nhiệt độ nước trong bịch thì tôm giống mới an toàn, tỷ lệ tôm sống đạt cao.
Cũng theo ông Nhân, nắng nóng cũng sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của tôm nuôi. Do đó, mực nước trong ao nuôi cần được nâng cao hơn so với bình thường để làm giảm nhiệt độ nguồn nước nuôi.
Ví như mực nước trong ao nuôi bình thường chỉ cao 1,2 m là phù hợp, thì trong điều kiện nắng nóng phải được nâng cao lên 1,3 - 1,4 m. Tuy nhiên, việc nâng cao mực nước trong ao nuôi còn tùy thuộc vào hạ tầng ao nuôi, chỉ những ao được đầu tư vững chắc, có bờ ao cao, dày thì mới thuận lợi cho việc nâng cao mực nước; còn những ao có bờ thấp, mỏng thì việc nâng cao mực nước dễ bị phá vỡ hạ tầng ao nuôi.
Theo anh Phạm Văn Chạy, người có thâm niên hàng chục năm nuôi tôm thẻ chân trắng ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước), với thời tiết nắng nóng cao độ như hiện nay, người nuôi cần phải tăng cường bổ sung vào nguồn nước nuôi các chất làm giảm stress cho tôm như vitamin C và vitamin tổng hợp để tôm nuôi kháng được bệnh môi trường.
“Nắng nóng làm ảnh hưởng đến nhiệt độ của nguồn nước trong ao nuôi, dẫn tới môi trường nước nuôi tôm bị biến động, gây bất lợi cho tôm nuôi. Ví dụ như tôm thẻ chân trắng phù hợp với nhiệt độ từ 28 - 30 độ C, nay nắng nóng gay gắt khiến nhiệt độ nước nuôi tăng lên 32 - 34 độ C, rất dễ làm tôm bị sốc, dẫn đến bị bệnh, nếu không được quản lý tốt sẽ rất dễ dẫn tới dịch trên diện rộng”, ông Chạy cho hay.
Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định, đầu tháng 8 vừa qua, Bộ NN-PTNT đã có quyết định xuất cấp, hỗ trợ không thu tiền cho Bình Định 40 tấn hóa chất để phòng chống dịch bệnh thủy sản. Số hóa chất này sẽ góp phần quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
“Trong tình hình nắng nóng kéo dài, tôm dễ bị bệnh do biến đổi thời tiết, môi trường, việc thực hiện quan trắc môi trường càng được đơn vị chức năng quan tâm. Trong tháng 7/2021, đơn vị đã thực hiện 2 đợt quan trắc môi trường để kiểm tra các thông số, từ đó đề ra cảnh báo, khuyến cáo người nuôi áp dụng các giải pháp kỹ thuật để kịp thời điều chỉnh, quản lý môi trường nuôi”, ông Nguyễn Công Bình chia sẻ.
Đặc biệt, Tập đoàn Việt Úc, doanh nghiệp nuôi tôm công nghệ cao tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) đang triển khai thực hiện giám sát chủ động tôm nuôi năm 2021 tại Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ, đơn vị chuyên nuôi tôm thương phẩm và Công ty Cổ phần Việt Úc Bình Định, đơn vị chuyên sản xuất tôm giống.
Giữa tháng 7/2021, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm cho phòng xét nghiệm realtime PCR cho Công ty Cổ phần Việt Úc Bình Định để áp dụng các kỹ thuật hiện đại nhằm phát hiện các loại vi rút, vi khuẩn gây một số bệnh cho tôm.
Related news
Nhu cầu nguyên liệu thay thế bột cá Bột cá sử dụng trong thức ăn thủy sản và gia súc ngày càng thiếu hụt so với nhu cầu do sự tăng trưởng ngành công nghiệp thức
Một nghiên cứu mới đây của Mathis von Ahnen và cộng sự 2019 được đăng trên tạp chí Aquaculture đã mở ra tiềm năng cho một hệ thống mới để xử lý nước thải
Sự phát triển quá mạnh mẽ của xu hướng nuôi cá ngựa ở nhiều tỉnh, thành như: Khánh Hòa, Phú Yên, Vũng Tàu, Đà Nẵng …