Prices / Tin thủy sản

Phòng bệnh đốm trắng trên tôm

Phòng bệnh đốm trắng trên tôm
Author: Dương Tử
Publish date: Saturday. March 21st, 2020

Bệnh đốm trắng trên tôm do virus Baculovirus gây ra, nguy hiểm không kém bệnh teo gan tụy. Để giảm thiệt hại, người nuôi cần thực hiện tốt công tác phòng bệnh một cách khoa học.

Đốm trắng nằm trong vỏ tôm ở giáp đầu ngực, đốt bụng cuối hoặc lan khắp cơ thể - Ảnh: Phan Thanh Cường

Tác nhân và biểu hiện bệnh

Bệnh đốm trắng - White spot disease (WSD) thường được biết đến với tên gọi virus đốm trắng - White spot syndrome virus, là mầm bệnh tối quan trọng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp nuôi tôm trên toàn thế giới. Bệnh xuất hiện và bùng phát trên tôm sú lần đầu ở nước ta vào năm 1994 - 1995 tại các tỉnh miền Nam và một số tỉnh miền Trung. Hiện, WSD xuất hiện và lan rộng từ Bắc đến Nam và đối tượng nhiễm bệnh cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng (TTCT). Thời kỳ cao điểm của bệnh đốm trắng thường vào khoảng tháng 5 - 6, khi tôm đạt cỡ 5 - 6 cm.

Virus gây WSD có độc lực cực mạnh, tấn công tôm ở nhiều mô tế bào khác nhau và thường là trên tế bào biểu mô da. Khi nhiễm bệnh, tôm có biểu hiện giảm ăn đột ngột và đối với TTCT thì có hiện tượng ăn nhiều hơn trước khi giảm ăn. Tôm lờ đờ, tấp vào bờ và chết, cơ thịt hơi đục. Đốm trắng nằm trong vỏ tôm ở giáp đầu ngực, đốt bụng cuối hoặc lan khắp cơ thể.

Bệnh thường xuất hiện vào khoảng thời gian tôm thả nuôi từ hai tháng trở lên nhưng cũng có thể xuất hiện trong tháng đầu thả nuôi. Giai đoạn này kích thước tôm nhỏ nên rất khó nhìn thấy đốm trắng mà chỉ thấy đỏ thân, do độc lực của virus mạnh nên có khi chưa phát hiện thấy đốm trắng thì tôm đã chết.

Bệnh thường bùng phát mạnh khi thời tiết thay đổi đột ngột, nhiệt độ nước hạ xuống dưới 28 độ C.

Phương pháp chẩn đoán

Phát hiện virus đốm trắng trong tôm bằng phương pháp PCR, ELISA và thăm dò DNA. Sự chuẩn đoán này được thực hiện 20 - 40 ngày trước khi bệnh khởi phát.

Một trong những triệu chứng để chẩn đoán bệnh là nhìn xem vỏ giáp có dễ bị bóc ra và có những đốm trắng không. Giai đoạn đầu bệnh có một vài đốm nhỏ trắng trên vỏ giáp. Ở giai đoạn này trong dạ dày tôm có nhiều thức ăn và vỏ giáp không dễ bóc. Nhưng ở giai đoạn giữa và cuối những đốm trắng mở rộng và liên kết với nhau thành từng đám. Khi bệnh nặng, các đốm trắng chiếm toàn bộ vỏ giáp, ruột tôm không có thức ăn và vỏ giáp cũng được bóc ra dễ dàng.

Biện pháp phòng bệnh

Hiện, vẫn chưa có phương pháp chữa trị hiệu quả, vì vậy, người nuôi cần phải tăng cường các biện pháp phòng bệnh:

Tránh thả tôm vào vụ nghịch (mùa lạnh hoặc giai đoạn nhiệt độ biến động bất thường). Quá trình cải tạo ao cần sên vét hết bùn đen từ vụ trước, diệt hết các loài giáp xác (cua, còng, tôm dại) có khả năng mang mầm bệnh. Thiết lập hàng rào ngăn cáy, còng quanh ao và lưới đuổi chim phủ toàn ao.

Hạn chế cấp nước trực tiếp vào ao nuôi, nên cấp qua ao lắng đã xử lý và nâng mực nước trong ao nuôi đạt 1,0 - 1,2 m. Thả tôm giống sạch bệnh (được kiểm dịch của địa phương).

Nhằm tránh lây lan mầm bệnh giữa các ao, tốt nhất không nên sử dụng chung các dụng cụ (lưới, vợt, thuyền…). Kiểm tra thường xuyên màu sắc, khả năng bắt mồi, tình trạng sức khỏe của tôm để kịp thời phát hiện và xử lý. Khi các ao khác trong trại hoặc xung quanh xảy ra đốm trắng, người nuôi cần chủ động ngưng bón vi sinh để chuyển sang dùng chất sát trùng để loại bỏ mầm bệnh trong nước. Trộn Vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm và cải thiện môi trường (giảm khí độc, ổn định độ kiềm) trong suốt thời gian này.  

Đối với ao tôm bệnh, nên vớt tôm chết ra khỏi ao. Sau đó dùng Chlorine với liều lượng 30 kg/1.000 m3; hoặc formol 200 lít/1.000 m3 hòa nước tạt đều xuống ao, ngâm 7 ngày rồi mới xổ ra môi trường. Khi phát hiện bệnh tốt nhất là thu hoạch ngay để giảm thiệt hại.

Theo nhiều nghiên cứu, virus đốm trắng có độc lực cao và gây chết tôm rất nhanh, tỷ lệ chết lên đến 100% sau 3 - 7 ngày. Virus dạng tự do có thể tồn tại trong nước 4 ngày ở cả nước lợ và mặn. Mặc dù thời gian sống trong nước thấp, nhưng virus lại tồn tại rất phổ biến trong cơ thể các sinh vật mang mầm bệnh là các giáp xác hoang dã như tôm, cua, ghẹ…


Related news

Cách nào giảm chi phí đầu vào? Cách nào giảm chi phí đầu vào?

Giảm chi phí đầu vào sẽ giúp tăng lợi nhuận cho người nuôi cá tra. Để làm được điều này cần lưu ý một số vấn đề.

Saturday. March 21st, 2020
Phòng bệnh cho nhuyễn thể Phòng bệnh cho nhuyễn thể

Nhuyễn thể thường được nuôi ở những vùng bãi bồi hoặc vũng vịnh ven biển có thủy triều lên xuống hàng ngày.

Saturday. March 21st, 2020
Lưu ý nuôi tôm nước lợ mùa nắng nóng Lưu ý nuôi tôm nước lợ mùa nắng nóng

Nắng nóng liên tục kéo dài và dự báo nhiệt độ có thể sẽ tăng cao trong thời gian tới có thể ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe của thủy sản nuôi

Saturday. March 21st, 2020