Prices / Tôm sú

Phòng bệnh cho tôm sú nhờ nuôi kết hợp với rong câu

Phòng bệnh cho tôm sú nhờ nuôi kết hợp với rong câu
Author: Trần Thị Tuyết Hoa, Hồng Mộng Huyền và Nguyễn Thị Ngọc Anh
Publish date: Friday. December 6th, 2019

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Việt Nam đã cho thấy khi nuôi ghép tôm sú với rong câu sẽ giúp tăng cường đáp ứng miễn dịch và tăng tỉ lệ sống cho tôm sú khi cảm nhiễm với mầm bệnh chết sớm.

Nuôi rong trong ao tôm. Ảnh: DocPlayer

Tôm sú (Penaeus monodon) là đối tượng nuôi truyền thống, được nuôi với nhiều hình thức khác nhau như thâm canh, bán thâm canh, quảng canh,… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều dịch bệnh xuất hiện trên tôm gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi, trong đó bệnh hoại tử gan tụy cấp tính hay còn gọi là EMS làm tôm sú và tôm thẻ chân trắng chết hàng loạt. Chỉ trong năm 2016, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính được ghi nhận xảy ra tại 299 xã của 82 huyện, thị xã thuộc 25 tỉnh với tổng diện tích hơn 6.032,68 ha (Bộ NN&PTNT, 2016).

Hiện nay, để phòng và trị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính người nuôi sử dụng ngày càng nhiều hóa chất, kháng sinh (Lê Hồng Phước và ctv., 2011). Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh nhiều sẽ ảnh hưởng tiêu cực, tạo vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh cũng như tồn lưu dư lượng kháng sinh (Dung et al., 2008). Do đó, có nhiều nghiên cứu được tiến hành nhằm giúp tôm đề kháng mầm bệnh và tăng tỉ lệ sống. Những nghiên cứu trước đây cho thấy việc sử dụng bổ sung rong câu Gracilaria sp đã cải thiện phản ứng miễn dịch và chống oxy hóa trong cá chẽm, riêng với tôm sú các chất chiết xuất Galactans sunfat từ rong biển (Gracilaria fisheri và Asparagopsis spp cũng góp phần kích thích miễn dịch và bảo vệ tôm chống lại mầm bệnh do vi khuẩn vibrio và virus WSSV.

Trong thời gian gần đây, các hình thức nuôi ghép đang được nghiên cứu để áp dụng như là giải pháp phòng bệnh hiệu quả, đặc biệt là các mô hình nuôi tôm kết hợp với nhiều loài rong biển. Ngoài tác dụng xử lý ô nhiễm dinh dưỡng trong các ao nuôi, rong biển còn có khả năng giúp tăng sức đề kháng, chống stress (Cruz-Suasrez et al., 2010; Tawil, 2010) và kích thích tăng trưởng (Cruz-Suarez et al., 2008), do rong có chứa các hợp chất có hoạt tính sinh học như polysaccharide, sulfated galactans (Sirirustananun et al., 2011). 

Giống như các loài rong biển khác, rong câu (Gracilaria sp.) được sử dụng trong các mô hình nuôi kết hợp với tác dụng xử lý môi trường nuôi thủy sản. Đồng thời, rong câu (Gracilaria sp.) được ghi nhận có chứa nhiều hợp chất giúp tăng miễn dịch và có thể thay thế một phần thức ăn công nghiệp trong nuôi tôm thẻ chân trắng (Marinho-Soriano et al., 2007; Chen et al., 2012). Rong câu kết hợp với các loài thủy sản khác sẽ duy trì cân bằng hệ sinh thái, hạn chế dịch bệnh trên nhiều đối tượng thủy sản và mang lại kinh tế cho người dân. Bên cạnh đó, rong câu được đánh giá như một bộ máy lọc sinh học giúp xử lý nước ao và làm trong nước. Điển hình ở Thái Bình có mô hình nuôi luân canh 1 vụ tôm sú và 1 vụ rong câu của ông Tô Văn Bình. Thức ăn của rong câu là những chất cặn bã dư thừa của 1 vụ tôm trước nhờ đó việc sử dụng rong câu làm giảm ô nhiễm môi trường nước trong nuôi tôm.

Do vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá sự ảnh hưởng của việc nuôi tôm sú kết hợp với rong câu cùng với chế độ ăn khác nhau lên khả năng đề kháng bệnh hoại tử gan tụy cấp tính của tôm sú ở điều kiện phòng thí nghiệm.

Sau 60 ngày thí nghiệm, tôm nuôi được xác định các chỉ tiêu tổng tế bào máu (THC), định loại bạch cầu (DHC), hoạt tính enzyme phenoloxidase (PO) và khả năng kháng lại vi khuẩn V. parahaemolyticus. Kết quả ghi nhận (i) tổng tế bào máu, bạch cầu không hạt và hoạt tính PO đều tăng đáng kể ở những nghiệm thức nuôi kết hợp; (ii) tỉ lệ chết tích lũy sau 14 ngày cảm nhiễm ở những nghiệm thức nuôi kết hợp có tỉ lệ thấp hơn (23,3%) so với nghiệm thức đối chứng (63,3%). Kết quả trên cho thấy tôm sú được nuôi kết hợp rong câu và chế độ cho ăn khác nhau giúp tăng cường đáp ứng miễn dịch và tăng tỉ lệ sống cho tôm sú khi cảm nhiễm với V. parahaemolyticus - vi khuẩn gây bệnh chết sớm trên tôm.

Nghiên cứu này mở ra tiềm năng to lớn trong việc nuôi ghép tôm sú với rong câu giúp tăng tỉ lệ sống và bảo vệ tôm trước thách thức mầm bệnh. Rong câu là loài có giá trị kinh tế - đây là nguồn nguyên liệu dùng cho chiết xuất agar, làm thực phẩm. Việc nuôi ghép tôm sú với rong cầu còn giúp người dân cải thiện thu nhập. Tuy nhiên cần nghiên cứu ở quy mô lớn hơn để xác định tỉ lệ rong câu bổ sung vào ao tôm.

Nghiên cứu do các tác giả: Trần Thị Tuyết Hoa, Hồng Mộng Huyền và Nguyễn Thị Ngọc Anh - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ; Đinh Thị Ngọc Mai - Sinh viên ngành Bệnh học Thủy sản Khóa 40, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Theo Tạp Chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Thủy sản, Phần B(2018)


Related news

Lưu ý yếu tố môi trường khi thả tôm sú giống Lưu ý yếu tố môi trường khi thả tôm sú giống

Việc đảm bảo tỷ lệ sống của tôm giai đoạn mới thả là rất quan trọng, ảnh hưởng đến cả quá trình sinh trưởng, phát triển, năng suất sau này của tôm nuôi

Friday. December 6th, 2019
Ảnh hưởng của thay đổi độ mặn đến tăng trưởng tôm sú giống Ảnh hưởng của thay đổi độ mặn đến tăng trưởng tôm sú giống

Đánh giá ảnh hưởng của việc thay đổi độ mặn lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm sú (Penaeus monodon) khi ương theo công nghệ Biofloc.

Friday. December 6th, 2019
Bổ sung mật rỉ đường trong ương nuôi ấu trùng tôm sú Bổ sung mật rỉ đường trong ương nuôi ấu trùng tôm sú

Nghiên cứu nhằm tìm ra thời điểm bổ sung carbohydrate từ rỉ đường thích hợp nhất lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng và hậu ấu trùng tôm sú.

Friday. December 6th, 2019