Prices / Mô hình kinh tế

Phát Triển Trang Trại, Gia Trại

Phát Triển Trang Trại, Gia Trại
Author: 
Publish date: Friday. July 26th, 2013

Khai thác lợi thế đất đồi rộng, thuận lợi cho việc chăn nuôi gà thả vườn, những năm qua các hộ dân thôn Tân Yên (xã Hồng Thái Đông - Quảng Ninh) đã tích cực áp dụng mô hình trang trại, gia trại trồng cây ăn quả, trồng rừng, kết hợp chăn gà thả vườn.

Anh Nguyễn Văn Chung, xóm Chi 8, một trong những chủ gia trại lớn của xã. Ban đầu, gia đình anh chỉ trồng hơn 100 gốc vải thiều trên 1ha diện tích đất vườn đồi là chính, kết hợp với việc chăn thả gà, nhưng mỗi lứa cũng chỉ vài chục con để thêm thu nhập.

Gần đây, năng suất từ cây vải cũng năm được, năm thua, mà giá thì biến động thường xuyên, lại nhận thấy nuôi gà thả đồi được nhiều người hỏi mua, giá bán khá cao nên anh quyết định đầu tư “mạnh tay” vào việc phát triển mô hình gia trại nuôi gà. Ban đầu, anh vay vốn gần 100 triệu đồng đầu tư hơn 1.000 gà giống, xây chuồng trại, quây lưới... Từ kinh nghiệm của bản thân, cộng với học hỏi thêm cách nuôi, phòng, trị bệnh cho đàn gà, các lứa gà của gia đình anh phát triển rất tốt. Anh Chung cho biết: “Việc kết hợp nuôi gà thả vườn và trồng cây rất hiệu quả.

Gà làm sạch cỏ vườn, lại thêm một lượng phân hữu cơ tự nhiên tạo điều kiện cải tạo đất, giúp cây ăn quả phát triển tốt, cây tạo bóng mát cho gà tránh nắng, cùng với cho ăn uống và phòng bệnh hợp lý nên gà phát triển đều. Giờ đây, mỗi lứa gà, gia đình tôi nuôi trên 2.000 con, xuất bán cho gia đình thu nhập hơn trăm triệu đồng. Xuất gà những tháng giáp tết có khi còn cho giá cao hơn, thương lái ở huyện khác còn cho xe sang mua tận nhà mà có khi chẳng còn gà mà bán…”.

Cũng giống như nhà anh Chung, trên địa bàn thôn Tân Yên có trên 20 hộ nuôi gà quy mô trên 1.000 con. Theo các hộ dân nuôi gà ở đây, nhiều năm liền chưa có dịch bệnh vì nuôi trên diện tích rộng, điều kiện tự nhiên tốt, các hộ lại chủ động phòng dịch. Tuy nhiên, mối lo lớn nhất của các hộ chăn nuôi vẫn là đầu ra của sản phẩm.

Anh Chung cho biết thêm: “Do thương lái chủ động đến đặt mua nên nhiều khi các hộ nuôi gà trong thôn còn bị ép giá, nhất là những năm gà Trung Quốc nhập vào nhiều, giá vật tư chăn nuôi từ thức ăn, thuốc phòng dịch bệnh… lại tăng giá. Xuất lứa gà cũng chỉ hoà vốn, nhưng vẫn phải bán vì còn phải lấy vốn quay vòng sản xuất”.

Phát triển trang trại, gia trại thì chăn nuôi gia súc cũng là một thế mạnh được nhiều hộ dân trong huyện nhân rộng. Trang trại chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Đức Trường, thôn Quảng Mản, xã Bình Khê là một trong những điển hình chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn.

Với diện tích đất ruộng kém hiệu quả, anh Trường đã đầu tư vốn, cải tạo, xây dựng lại chuồng trại và phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường thông qua việc sử dụng hệ thống biogas xử lý chất thải. Anh xây hơn 30 ô chuồng, thả 300 con lợn thịt, 350 lợn con và hơn 50 lợn nái.

Anh Trường cho biết: “Chăn nuôi với quy mô lớn phải thực hiện nghiêm ngặt các điều kiện về kỹ thuật chăn nuôi, đảm bảo công tác thú y, vệ sinh phòng dịch. Mỗi ngày tôi đều thực hiện phun rửa chuồng trại thường xuyên, định kỳ phun thuốc tiêu độc, sát trùng chuồng trại, thực hiện đầy đủ chế độ tiêm phòng các loại dịch bệnh cho cả đàn lợn…”.

Do thực hiện tốt khâu vệ sinh phòng dịch, thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại nên trong những năm qua, mặc dù dịch bệnh xuất hiện ở một số nơi, đặc biệt dịch lợn tai xanh bùng phát trên toàn huyện năm 2012, nhưng trại chăn nuôi của anh vẫn an toàn, đàn lợn phát triển tốt. Năm vừa rồi, từ chăn nuôi lợn gia đình anh đã có thu nhập trên 2 tỷ đồng.

Không dừng lại đó, gia đình anh còn đầu tư thêm diện tích trồng cây cảnh dịp tết như đào, quất và mở rộng diện tích, nạo vét, xây lại ao đầm để thả cá rô phi đơn tính, quy mô hơn 1,5 ha… Theo anh Trường, một trong những khó khăn lớn nhất đối với việc phát triển trang trại là giá cả biến động thất thường, thị trường không có đầu ra ổn định, sức cạnh tranh còn yếu…

Có thể thấy, những mô hình trang trại, gia trại như của anh Chung, anh Trường hiện đang là hướng phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Thời gian tới đây, huyện sẽ tập trung đầu tư, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các mô hình này; đồng thời có kế hoạch nhân rộng những mô hình trang trại, gia trại hiệu quả, quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Hy vọng, với những chính sách cụ thể sẽ là điều kiện để các trang trại, gia trại trên địa bàn huyện phát triển lên quy mô lớn một cách hiệu quả, bền vững.


Related news

Cải Tạo Đất Trồng Màu Để Làm Lúa Thu Đông Cải Tạo Đất Trồng Màu Để Làm Lúa Thu Đông

Hiện nay, do làm lúa lợi nhuận thấp, nhiều nơi đã chuyển đổi 1 hoặc 2 vụ trồng lúa sang trồng màu các loại như bắp, đậu nành, mè… Dưới đây là một số biện pháp cải tạo đất sau khi trồng màu để trồng lúa thu đông có hiệu quả.

Friday. July 26th, 2013
Phát Triển Mô Hình Nuôi Thuỷ Sản Ven Biển Phát Triển Mô Hình Nuôi Thuỷ Sản Ven Biển

Huyện Hòn Đất (Kiên Giang) có chiều dài bờ biển trên 50 km, ngoài chú trọng trồng rừng phòng hộ ven biển huyện còn triển khai thí điểm nhiều mô hình nuôi trồng thủy hải sản để phát triển kinh tế. Trong đó chủ trương nuôi hến ở địa bàn xã Sơn Bình đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Friday. July 26th, 2013
Giải Pháp Để Trái Cây Nam Bộ Không Còn Điệp Khúc “Trúng Mùa Rớt Giá” Giải Pháp Để Trái Cây Nam Bộ Không Còn Điệp Khúc “Trúng Mùa Rớt Giá”

Nam bộ bao gồm 21 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ, hiện có diện tích cây ăn trái 415.800 ha, sản lượng khoảng 4,3 triệu tấn, chiếm 53,2% về diện tích và 57% về sản lượng trái cây trong nước. Gần đây, sản xuất trái cây ở Nam bộ có những bước tăng trưởng khá nhanh về cơ cấu và sản lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Friday. July 26th, 2013