Giá / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Nhím Sinh Sản Ở Thái Bình

Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Nhím Sinh Sản Ở Thái Bình
Tác giả: 
Ngày đăng: 21/04/2012

Nhím là loài gặm nhấm rất dễ nuôi, ít dịch bệnh, kháng bệnh tốt, yêu cầu về chăm sóc, nuôi dưỡng đơn giản, hiệu quả kinh tế mang lại cao. Thấy được nguồn lợi đó, những năm gần đây, một số hộ gia đình của huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) đã chuyển sang nuôi nhím.

Tuy nhiên, quy mô còn nhỏ, chưa có quy trình chuẩn mực về kỹ thuật nuôi nhím sinh sản phù hợp với đặc điểm sinh thái cũng như điều kiện của địa phương, vì thế năng lực cung cấp giống tại chỗ cho phát triển nuôi nhím thương phẩm còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề chi phí con giống rất cao.

Với nhu cầu cấp thiết về giống, hướng tới chủ động con giống tại chỗ, góp phần đẩy mạnh phong trào nuôi nhím thương phẩm trong huyện, năm 2011, được sự hỗ trợ kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Quỳnh Phụ, do kỹ sư Vũ Ðình Quyết, Phó Trưởng phòng làm chủ nhiệm đề tài đã triển khai “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nuôi nhím sinh sản cho hiệu quả kinh tế cao ở xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ”.

Ðể chuẩn bị cho việc nuôi nhím sinh sản đạt hiệu quả cao, ngay sau khi tiếp nhận đề tài, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện đã tổ chức cho ban chủ nhiệm đề tài và một số hộ chăn nuôi trong huyện đi thăm quan, học hỏi mô hình nuôi nhím sinh sản tại Trại giống gia súc An Bồi (Kiến Xương) và một số trại chăn nuôi nhím của huyện Ðông Hưng. Mô hình nuôi nhím sinh sản tại huyện Quỳnh Phụ được triển khai tại hộ gia đình ông Ðặng Quốc Duyệt, xã An Ấp, với 15 con nhím bố, mẹ, gồm: 12 con cái, 3 con đực. Ðược sự giúp đỡ của Phòng Nông nghiệp & PTNT từ chọn giống, hướng dẫn cách quản lý, chăm sóc, theo dõi dịch bệnh... nên đàn nhím phát triển nhanh. Nhím là loại ăn tạp nên không kén thức ăn, chủ yếu ăn rau, củ, quả và các sản phẩm nông nghiệp, như: cám, gạo, ngô, khoai lang, bí ngô. Nhím con từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành khoảng 10 tháng, trọng lượng đạt từ 8 - 10 kg. Sau thời gian mang thai 3 tháng nhím sinh sản, trong lứa đầu có đến 60% số nhím sinh được 1 con; đến lứa 2 thì có 80% sinh được 2 con, còn 20% sinh được 3 con. Nhím con từ lúc sinh ra đến khi biết ăn và bán được cho người nuôi phải từ 2 đến 3 tháng, khi đó nhím có trọng lượng từ 3 đến 4 kg.

Ông Ðặng Quốc Duyệt chia sẻ: Nuôi nhím rất rảnh thời gian, mỗi ngày chỉ dội nước rửa chuồng 1 lần và cho nhím ăn 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều, thức ăn đơn giản, dễ kiếm, có thể tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp. Chuồng trại dễ làm, không tốn nhiều chi phí. Một ô chuồng nuôi chỉ cần diện tích 2 m2 (chiều rộng: 1m, dài 2m, độ cao 1m) Nhím ít khi mắc bệnh, lâu lâu nó bị tiêu chảy nhưng sẽ tự khỏi sau 1 - 2 ngày. Nếu ăn phải thức ăn thối rữa, mất vệ sinh, điều trị rất đơn giản, chỉ cần cho nhím nhịn đói và cho ăn quả hồng xiêm. Ðồng thời, người nuôi nên rải vôi bột để tiêu độc, sát trùng chuồng nuôi nửa tháng một lần. Nhím rất sợ nước nên khi rửa chuồng không để ướt nhím. Chuồng nuôi nhím phải thiết kế nửa sáng, nửa tối. Trong chuồng nuôi phải có cục đất để nhím mài răng. Thời điểm gần sinh nở, nhất là những ngày cuối cùng trước khi sinh, cần tách riêng con bố với con mẹ bởi khi vừa sinh ra con bố thường ăn nhím con.

Sau 10 tháng triển khai mô hình nuôi nhím sinh sản tại hộ gia đình ông Ðặng Quốc Duyệt, từ 15 nhím bố mẹ, đã sinh sản được 30 con nhím giống 3 tháng tuổi. Với giá bán trung bình 3 triệu đồng/con, sau khi trừ chi phí thu lãi được trên 37,4 triệu đồng. Nếu so với chăn nuôi lợn thì mô hình của gia đình ông khẳng định được ưu thế nổi bật nhờ nguồn thức ăn sẵn có và công chăm sóc không phải bỏ ra là bao, dịch bệnh lại ít xảy ra.

Với những thành công, đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nuôi nhím sinh sản cho hiệu quả kinh tế cao ở xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ” đã góp phần chủ động nguồn con giống tại chỗ, giảm chi phí mua giống, giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân. Với điều kiện tự nhiên phù hợp, đây là mô hình điểm để nhân dân trong và ngoài huyện đến thăm quan, học tập và nhân rộng quy mô sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong nuôi nhím thương phẩm và đây cũng là một hướng phát triển kinh tế mới của người dân.

Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Trồng Dưa Leo Trên Đất Ruộng Mô Hình Trồng Dưa Leo Trên Đất Ruộng

Những ngày này, từ Tỉnh lộ 941 nhìn sang bờ bên kia kênh Mặc Cần Dưng, thuộc địa phận xã Vĩnh An (Châu Thành - An Giang), người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nông dân đang tất bật thu hoạch dưa leo để kịp cân cho thương lái. Phong trào trồng dưa leo trên đất ruộng được bà con áp dụng phổ biến khoảng 2 năm nay đã giúp nhiều gia đình có thu nhập khá cao

21/04/2012
Vươn Lên Từ Nghèo Khó Vươn Lên Từ Nghèo Khó

Những năm gần đây, phong trào nông dân giúp nhau làm kinh tế được nhiều địa phương trong tỉnh Khánh Hòa thực hiện khá hiệu quả, nhờ đó nhiều nông dân đã thoát nghèo, làm giàu. Trong số đó có anh Pi Năng Liêm, ở xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh

21/04/2012
Tàn Phá Rừng Miền Tây Nghệ An Tàn Phá Rừng Miền Tây Nghệ An

Nạn phá rừng, vận chuyển gỗ lậu ở miền tây Nghệ An hiện đang vô cùng nhức nhối. Chính đội trưởng đội kiểm lâm cơ động số 1 Chi cục Kiểm lâm Nghệ An Lê Xuân Đình thừa nhận: “Mỗi năm có hơn ngàn khối gỗ trôi về xuôi”...

21/04/2012