Giá / Mô hình kinh tế

Phát Triển Kinh Tế Từ Cây Chè

Phát Triển Kinh Tế Từ Cây Chè
Tác giả: 
Ngày đăng: 18/06/2013

Trong những năm qua, nhiều hộ nông dân xã Mỹ Bằng huyện Yên Sơn đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống chè cành mới có hiệu quả kinh tế vào sản xuất trên đất vườn đồi để tăng thu nhập và nâng cao đời sống kinh tế. Hiện nay toàn xã Mỹ Bằng có trên 180 ha chè đang ở độ tuổi cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt 8,5 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 1.500 tấn. Nhiều hộ gia đình nông dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ cây chè.

Điển hình là hộ gia đình ông Vũ Đức Thiện - thôn Tâm Bằng, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn. Gia đình ông là một trong những gia đình nông dân tiêu biểu luôn đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, đầu tư thâm canh để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp... Với diện tích đất vườn đồi tổng cộng trên 3ha, trong đó có 2,2 ha đất trồng cây chè giống mới, 0,3 ha đất trồng cây keo, 0,5 ha đất trồng cây màu và cây sắn... Hàng năm cho thu nhập kinh tế hộ gia đình đạt từ 70 triệu đến 80 triệu đồng/năm.

Để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất canh tác, ông thường xuyên tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật do Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trạm Khuyến nông huyện tổ chức, học tập kinh nghiệm trên sách, báo và các phương tiện thông tin đại chúng... Gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư trồng chè bằng giống chè cành cho năng suất và chất lượng cao như giống chè cành LDP1, LDP2; đây là những giống chè lai cho năng suất và chất lượng cao, rất phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương...

Để cây chè phát triển tốt, cho năng suất cao; hàng năm sau mỗi vụ đốn chè, ông tập trung đầu tư thâm canh, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, bón đủ lượng phân chuồng và các loại phân NPK cho chè; chủ động phòng trừ các loại sâu bệnh hại, thu hái chè đúng quy trình kỹ thuật nên chè của gia đình ông năm nào cũng cho năng suất và chất lượng cao, bán được giá cao trên thị trường...

Với diện tích 2,2 ha chè 10 năm tuổi đang cho thu hoạch; hàng năm năng suất luôn đạt từ 10 đến 12 tấn chè búp tươi/ha/năm; với giá trung bình hiện nay là 3.000 đồng/kg, thu nhập từ cây chè đạt từ 65 đến 75 triệu đồng /năm. Vụ chè năm nay, gia đình ông được Trung tâm Khuyến nông tỉnh đầu tư hỗ trợ kinh phí cho mua một chiếc máy thu hái chè trị giá trên 11 triệu đồng để thu hoạch sản phẩm, giảm sức lao động thủ công và giảm chi phí thuê lao động thu hái chè mỗi lứa từ 1,2 đến 1,4 triệu đồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất...

Không chỉ giỏi về sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế trên đất vườn đồi, ông còn tham gia công tác xã hội ở thôn xóm. Với cương vị là trưởng thôn Tâm bằng, xã Mỹ bằng, huyện Yên Sơn; ông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, tận tình với công việc; thường xuyên tuyên truyền, vận động các gia đình trong thôn xóm thực hiện tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tận tình giúp đỡ, động viên bà con nông dân trong thôn, xóm áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đỏi giảm nghèo ở địa phương.


Có thể bạn quan tâm

Tăng Cường Các Biện Pháp Dập Dịch Heo Tai Xanh Tăng Cường Các Biện Pháp Dập Dịch Heo Tai Xanh

Từ đầu tháng 8-2012 đến nay, dịch bệnh heo tai xanh đã xuất hiện rải rác tại một số quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ. Các ngành chức năng thành phố đã và đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, dập tắt và không để dịch heo tai xanh lây lan ra diện rộng...

18/06/2013
Người Nuôi Bò Có Lãi Ở Phú Yên Người Nuôi Bò Có Lãi Ở Phú Yên

Trong khi người nuôi heo và gia cầm lại gặp khó khăn thì người nuôi bò ở Phú Yên thu lãi lớn vì giá thịt bò đang ở mức cao, thị trường tiêu thụ rộng. Những hộ nuôi bò ở các địa phương đang đầu tư phát triển đàn.

18/06/2013
Chương trình kiên cố hóa kênh mương cần được ưu tiên cấp vốn Chương trình kiên cố hóa kênh mương cần được ưu tiên cấp vốn

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06/2013/NQ-HÐND ngày 26.7.2013 của HÐND tỉnh về chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương (KCHKM), kênh mương nội đồng (KMNÐ) giai đoạn 2013-2015, hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh ta từng bước được hoàn thiện, phục vụ sản xuất nông nghiệp (SXNN) có hiệu quả hơn. Tuy nhiên so với yêu cầu, tiến độ thực hiện KCHKM vẫn còn chậm do vốn đầu tư thấp.

18/06/2013