Phát triển giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu
Vừa qua, tại TP Cần Thơ, Cục Trồng trọt, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS), cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã tổ chức hội thảo “Xây dựng mạng lưới đối tác nghiên cứu, phát triển lúa thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL.
Nông dân tham gia bình chọn giống lúa ở Viện Lúa ĐBSCL
Chương trình "Quản lý tổng hợp vùng ven biển" (ICMP) do GIZ hỗ trợ và hợp tác với Viện Lúa ĐBSCL thực hiện khảo sát đánh giá các giống lúa tại 5 tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau Kiên Giang và An Giang nhằm xây dựng và phát triển bộ giống chịu hạn, mặn.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất xây dựng mạng lưới đối tác cấp vùng nghiên cứu, phát triển lúa thích ứng với BĐKH; mục tiêu, nguyên tắc của mạng lưới; quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia; phương pháp vận hành và tổ chức mạng lưới...
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, diễn biến của BĐKH được nhận định là xảy ra nhanh hơn, mạnh hơn dự báo, nếu không nhanh chóng có các giải pháp thích ứng thì hàng triệu nông dân trồng lúa ĐBSCL sẽ rơi vào tình trạng nghèo đói. Vì vậy, việc hình thành một mạng lưới cùng nghiên cứu, đánh giá, tuyển chọn giống lúa chịu mặn có các đặc tính ưu việt về năng suất, chất lượng để có những lựa chọn nhanh hơn, bền vững hơn, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng là rất thiết thực.
TS Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực, cây thực phẩm cho hay, đa số các giống lúa sử dụng phổ biến trong vùng ĐBSCL chịu mặn đến mức 3 - 4‰, chưa đáp ứng được nhu cầu SX. Một số giống lúa chịu mặn ở mức cao hơn 4‰ đang trong giai đoạn nghiên cứu và thiếu các đánh giá trên thực địa về tính phù hợp với các điều kiện mặn và hạn rất đa dạng của từng địa phương.
Bên cạnh đó các giống lúa chịu mặn cũng đòi hỏi có chất lượng khá để có thể thương mại hóa trên thị trường. Một số giống bản địa có thời gian canh tác trong các khu vực ngập mặn lâu đời có khả năng chịu mặn khá, chất lượng gạo tốt, song đã bị lẫn, thoái hóa, cho năng suất thấp, chỉ có thể sử dụng làm nguồn gen phục vụ chọn tạo giống hay phục tráng. Một số giống do nông dân tự chọn có khả năng chịu mặn khá. Tuy nhiên họ hạn chế về tài chính để có thể công nhận giống...
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý chương trình ICMP cho hay, một trong những nội dung và mục tiêu chính của chương trình ICMP (2007 - 2018) là hỗ trợ, xây dựng mạng lưới các cơ quan và tổ chức nghiên cứu về các giống lúa chịu hạn, mặn.
Theo đó ICMP cùng VAAS, Viện Lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR) và Sở NN-PTNT các tỉnh ở ĐBSCL phối hợp triển khai chương trình nhằm phát triển bộ giống lúa chịu hạn, mặn tốt để chuyển giao cho nông dân và cơ quan quản lý nông nghiệp địa phương. Bên cạnh đó, ICMP còn đưa vào ứng dụng các phương thức SX, canh tác khoa học nhằm góp phần ổn định sinh kế cho người dân vùng ven biển, tiến thới phát triển mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng BĐKH.
Đại diện 11 cơ quan gồm Cục Trồng trọt, VAAS, ICMP, IRRI, Viện Lúa ĐBSCL, ĐH Cần Thơ và 5 Sở NN-PTNT đã tham gia ký kết bản ghi nhớ hợp tác mạng lưới đối tác nghiên cứu, phát triển lúa thích ứng với BĐKH tại ĐBSCL.
Related news
Mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng mía, nuôi heo kém hiệu quả sang trồng cây có múi và chăn nuôi bò cho lợi nhuận hơn nửa tỉ đồng/năm
Vừa qua, tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) tổ chức hội nghị “Tham quan đánh giá mô hình sản xuất giống lúa Sơn Lâm 1, NPT4, NPT5”.
Đây là hai giống nho do Sở KH-CN Lạng Sơn đưa về và giao cho bà con thử nghiệm. Sau vài năm, 2 giống nho này đã khẳng định có thể trồng tốt