Phát Triển Cây Thanh Long Ruột Đỏ Tại Tân Thanh (Lâm Đồng)
Dễ trồng, ít tốn công lao động, sớm cho thu hoạch lại có năng suất và giá trị kinh tế cao nên cây thanh long ruột đỏ đang thu hút sự quan tâm của nhiều người dân xã Tân Thanh, Lâm Hà (Lâm Đồng). Tuy nhiên, việc trồng cây thanh long ở địa phương này còn nhỏ lẻ và mang tính tự phát. Để có thể khai thác hết giá trị kinh tế loài cây này mang lại, người dân cần có sự đầu tư đúng mức bên cạnh sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương.
Sau chuyến đi hỏi kinh nghiệm trồng loại cây này tại Bình Thuận, anh Trần Văn Hậu (Đồng Thanh, Tân Thanh, Lâm Hà) mạnh dạn đầu tư hơn 35 triệu đồng để trồng 300 gốc thanh long ruột đỏ tại vườn. Thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây, cây thanh long ruột đỏ phát triển mạnh mẽ. Vụ mùa đầu tiên, gia đình anh Hậu thu bói bán được gần 60 triệu đồng. Năm nay, vườn thanh long tiếp tục phát triển mạnh, hứa hẹn một vụ bội thu. Mới đầu vụ mà đã có thương lái tới đặt hàng nhà anh với giá 25.000 đồng/kg. Anh Hậu cho biết: “Thanh long không tốn nhiều công chăm sóc, tốn công ít hơn hẳn so với chăm sóc cây cà phê, hiệu quả kinh tế tính ra cao gấp 3 lần. Từ khi có cây thanh long, gia đình tôi có đồng ra đồng vào, cuộc sống dễ chịu hơn rất nhiều”.
Thực tế chứng minh cây thanh long ruột đỏ đã đem lại hiệu quả kinh tế trên nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, để có thể khai thác hết giá trị kinh tế loài cây này, cần có sự đầu tư, chăm sóc đúng mức. Song, đa số hộ dân trồng cây thanh long ở Tân Thanh còn mang tính tự phát, chưa thực sự đầu tư, một phần vì thiếu vốn, một phần vì chưa nhìn nhận hết hiệu quả kinh tế mà loài cây này mang lại. Ngay như vườn thanh long của gia đình anh Trần Văn Hậu được đánh giá là tốt nhất trong vùng cũng chưa được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm để thu quả trái mùa. Ngoài ra, việc phát triển nhỏ lẻ, mang tính tự phát, không có thương hiệu, không có đầu ra ổn định rất dễ bị thương lái ép giá.
Thời gian tới, cây thanh long ruột đỏ có trở thành loài cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con đất Tân Thanh hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự nhìn nhận đúng mức của bà con về loài cây này và sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ phía chính quyền.
Có thể bạn quan tâm
Xã Phước Hòa (Tuy Phước) có nhiều diện tích mặt nước nằm ven đầm Thị Nại, là 1 trong những vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Bình Định. Trong suốt 10 năm qua, không năm nào người nuôi tôm ở đây không bị thất bại. Nợ nần chồng chất khiến các chủ hồ tôm trở thành những “chúa chổm” vùng đầm.
Là người có diện tích trồng mướp lớn nhất xóm 2, thôn Phú Hưng, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, Bình Định, mỗi tháng anh Nguyễn Triều Hải có thu nhập cả chục triệu đồng.
Trong khoảng một tháng trở lại đây, trên vỉa hè khu vực đầu cầu phía bờ trái sông Đà thuộc phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) xuất hiện một vài người bán những xâu chim đã được vặt lông sẵn, mỗi xâu có 30 – 40 con. Sáng ngày 17/4 lại xuất hiện một người đàn ông khoảng hơn 40 tuổi, mặc bộ quần áo bảo hộ màu xanh rêu bán chim.