Phát triển bền vững nghề nuôi tôm đi đôi với bảo tồn rừng ngập mặn
Trong vài thập niên vừa qua, hơn một nửa diện tích rừng ngập mặn của Việt Nam đã bị chặt phá để làm ao nuôi tôm. Cà Mau đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì hệ sinh thái của khu vực. Tuy nhiên, ngành nuôi tôm đang gây ra những tổn hại nghiêm trọng đối với rừng ngập mặn Cà Mau và môi trường nói chung. Vì vậy, Dự án Khôi phục rừng ngập mặn thông qua mô hình nuôi tôm bền vững và giảm phát thải (MAM) đã lựa chọn Cà Mau là địa phương triển khai dự án.
Trong 3 năm qua, MAM đã tập huấn cho gần 2.000 hộ về hệ sinh thái, chứng chỉ tôm sinh thái quốc tế và các kỹ thuật nuôi tôm sinh thái. Hơn 200 hộ dân đã được chi trả tổng cộng gần 300 triệu đồng cho dịch vụ hệ sinh thái rừng. Hơn 500 hộ nuôi tôm sinh thái có chứng chỉ đã được Công ty Minh Phú chi trả gần 600 triệu đồng. Gần 800 hộ nuôi tôm đã được cấp chứng chỉ Naturland và được thưởng cho công tác khôi phục và bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn. 1.500 hộ hiện đang trong quá trình xin cấp chứng chỉ.
Đến nay, 80ha rừng ngập từng bị phá hủy để nuôi tôm đã được trồng lại. Thực tế này cho thấy rằng, các chính sách khuyến khích kinh tế phù hợp có thể biến hoạt động nuôi tôm từ động cơ phá rừng và gây suy thoái rừng thành động lực khôi phục và bảo vệ rừng.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 14.000ha nuôi tôm kết hợp trồng rừng của hơn 2.500 hộ dân thuộc hai huyện Ngọc Hiển và Năm Căn và điều quan trọng là đã được quốc tế chứng nhận tôm sinh thái. Đây cũng là cơ hội quảng bá thương hiệu con tôm Cà Mau trên thị trường thế giới.
Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh dự kiến nâng diện tích tôm sinh thái có chứng chỉ lên 20.000ha vào năm 2020 nhằm nâng cao diện tích rừng ngập mặn được bảo vệ tại khu vực.
Nông dân Trần Văn Chiến ở xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, rất phấn khởi với mô hình này và mong muốn ngành Nông nghiệp cần trang bị cho nông dân kiến thức và kỹ thuật nuôi tôm sinh thái có chứng nhận quốc tế, để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của chương trình. Bởi lẽ, xưa nay người dân nuôi tôm chủ yếu là do tự phát, cha truyền con nối; chưa từng tiếp cận loại hình này.
Vấn đề hiện nay là sự chung lòng đã có, quan trọng là cách triển khai sao cho hiệu quả và bền vững nhất. Tuần qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng vừa có buổi tiếp và làm việc với tiến sĩ Christian Henckes, Giám đốc Chương trình “Bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và rừng ngập mặn Đồng bằng sông Cửu Long nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu” (gọi tắt là ICMP) để đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 1 và triển khai giai đoạn 2 trên địa bàn tỉnh. ICMP là chương trình phát triển do Chính phủ Đức và Úc tài trợ. Mục tiêu là hỗ trợ cho 5 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và An Giang ứng phó với sự thay đổi của môi trường và tạo nền móng cho tăng trưởng bền vững.
Riêng Cà Mau, giai đoạn 1 từ năm 2011 - 2014, Chương trình ICMP đã thực hiện Dự án lồng ghép sự thích ứng với biến đổi khí hậu vào việc lập kế hoạch quản lý vùng ven biển tỉnh Cà Mau (gọi tắt là Dự án CCCEP Cà Mau) với kinh phí trên 2,5 triệu Euro. Dự án sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2, từ năm 2015 - 2018.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng cho rằng: Hiện nay, Cà Mau chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vì vậy, việc triển khai chương trình ICMP trên địa bàn tỉnh là việc làm thiết thực và rất cần thiết, nhằm giúp tỉnh ứng phó với biến đổi khí hậu, ổn định đời sống cho người dân. Đây là vấn đề “nóng” và tỉnh rất cần được quan tâm đầu tư, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Bằng nội lực và sự hỗ trợ nhiệt thành của các tổ chức phi chính phủ, Cà Mau đã và đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, bắt rừng sinh lợi và là sinh kế thoát nghèo cho nông dân Cà Mau. Chỉ có làm giàu từ rừng thì người dân mới quyết tâm giữ rừng; có vậy nguồn tài nguyên này mới phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Được tiếp cận với 300 triệu đồng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) TP.Hà Nội, các hộ dân xã Vân Hòa, huyện Ba Vì tham gia dự án “Chăn nuôi bò sữa” đã có tiền đầu tư tu sửa chuồng trại, mua thêm con giống, thức ăn phát triển nghề nuôi bò sữa…
Những ngày qua, nông dân trong tỉnh đã bắt đầu xuống giống vụ lúa hè thu, hiện diện tích xuống giống gần 2.500ha, tập trung chủ yếu ở hai huyện Trần Văn Thời, Thới Bình và TP. Cà Mau. Nông dân ở một số địa phương còn lại cũng đang tranh thủ cải tạo đất, chờ mưa đủ nước để xuống giống cho kịp lịch thời vụ. Dự kiến, khoảng cuối tháng 6 , các địa phương sẽ xuống giống dứt điểm vụ lúa hè thu.
Năm nay, tình hình thiệt hại trên nuôi trồng thủy sản do ảnh hưởng của El Nino diễn biến khá phức tạp và ảnh hưởng lớn đến ngành thủy sản của tỉnh. Cà Mau cũng đã công bố thiên tai mức độ 2 trên nuôi trồng thủy sản. Thiệt hại to lớn đối với con tôm ở Cà Mau thời gian qua lại một lần nữa nói lên sự cần thiết và cấp bách phải có một tấm lá chắn cho nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng. Tấm lá chắn đó chính là chính sách Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN).