Nông dân vào vụ hè thu
Nông dân huyện Trần Văn Thời đã chủ động trước vụ mùa mới. Theo kế hoạch, vụ lúa hè thu năm nay, toàn huyện có gần 30.000ha. Để thực hiện đạt con số này, ngay từ cuối vụ 2, thu hoạch lúa đến đâu bà con đưa cơ giới vào cày ải phơi đất đến đó, nhằm tránh tình trạng đất ruộng bị khô cứng sẽ không cày ải phơi đất được. Mặc dù bị ảnh hưởng của khô hạn nhưng khi mưa xuống, đồng đất nơi đây đã sẵn sàng cho vụ mùa mới, bởi lẽ bà con nông dân đã xác định việc cày ải là khâu quan trọng quyết định đến thắng lợi của vụ mùa, cày ải phơi đất không chỉ tiêu diệt được cỏ dại và mầm bệnh lưu truyền trong đất từ vụ này sang vụ khác mà còn có tác dụng cải tạo hệ vi sinh vật trong đất, tăng cường lượng ô xy trong đất, giải phóng khí độc có hại cho cây lúa, cải tạo phèn, làm cho đất tơi xốp, tạo điều kiện cho cây lúa bám rễ sâu, chống đổ ngã.
Là xã thuần nông, Khánh Bình có diện tích trồng lúa lớn nhất huyện Trần Văn Thời. Hiện nay, nông dân xã đã xuống giống được 850/2.289ha; tỷ lệ cày ải đạt 100%. Địa phương đang khuyến cáo người dân đẩy nhanh tiến độ sạ cho kịp mùa vụ. Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch UBND xã, phấn khởi thông tin: “Mùa vụ trước, mô hình Cánh đồng lớn ở xã cho hiệu quả khá cao, chính vì thế hiện nay diện tích thực hiện mô hình đã đạt 840ha, hướng tới vụ đông xuân sẽ phát triển thêm 100ha nữa”.
Ở huyện U Minh, nông dân xứ rừng cũng sôi nổi vào vụ mùa mới. Là địa phương có diện tích bị thiệt hại do hạn hán cao, chính quyền xã Khánh Lâm đã triển khai thực hiện nhanh chóng việc cấp tiền hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại trong vụ vừa qua. Việc làm này không chỉ giúp người dân có vốn tái sản xuất mà còn động viên tinh thần hết sức to lớn để người dân bước vào vụ mới. Gia đình ông Võ Văn Tài ở Ấp 9, có 2ha lúa - tôm gần như bị mất trắng; nhận được hai triệu đồng tiền hỗ trợ, gia đình ông Tài mua ngay giống, sẵn sàng cho vụ mới. Hàng trăm hộ dân khác trên địa bàn xã cũng đang có được niềm vui tương tự, nhất là bà con sinh sống trên lâm phần, vì gần 3 tháng nay người dân nơi đây phải chịu nhiều thiếu thốn. Toàn xã có 793 hộ được hỗ trợ với số tiền 1,6 tỷ đồng, dự kiến việc hỗ trợ sẽ hoàn thành vào những ngày đầu tháng 6 này. Tính chung toàn huyện, theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đợt nắng hạn kéo dài do ảnh hưởng El Nino có trên 17.400ha lúa mùa bị thiệt hại, với tổng số 11.350 hộ bị ảnh hưởng. Đến thời điểm này, các xã, thị trấn đã triển khai hỗ trợ 2.491 hộ, với số tiền trên 7 tỷ đồng. Huyện đang tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương cấp hỗ trợ cho trên 6.700 hộ bị thiệt hại còn lại, với tổng số tiền trên 14 tỷ 370 triệu đồng, dự kiến dứt điểm vào đầu tháng 6 để giúp bà con có điều kiện bước vào vụ mùa mới.
Hiện nông dân huyện Thới Bình đang đẩy nhanh tiến độ làm đất cho vụ lúa hẹ thu. Tính đến cuối tháng 5, toàn huyện đã xuống giống trên 500ha, đạt hơn 50% kế hoạch, chủ yếu là sạ khô. Bà con nông dân ở nhiều địa phương bắt đầu xuống giống. Như tình hình chung của nông dân toàn tỉnh, hàng chục năm nay, sản xuất lúa ở Thới Bình hoàn toàn lệ thuộc thời tiết. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thông tin, nhiều năm qua huyện đã đầu tư nạo vét, cải tạo hệ thống thủy lợi và vận động nhân dân làm nội đồng nên việc trữ nước, chống úng, chống hạn cũng thuận lợi, nhất là những vùng quy hoạch cánh đồng lớn như ở xã Tân Lộc, Tân Lộc Bắc.
Khó khăn tạm thời đã được khắc phục, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo vụ mùa mới bắt đầu, bà con nông dân cần tiết kiệm tối đa chi phí, thường xuyên theo dõi thời tiết, thăm đồng, thực hiện tốt lịch thời vụ, các khuyến cáo của cán bộ khuyến nông, khuyến ngư, các chủ trương của ngành chức năng để kịp thời ứng phó với thời tiết, nhằm hạn chế rủi ro và có vụ mùa thành công.
Có thể bạn quan tâm
Xoay xở nhiều phương cách làm ăn nhưng thu nhập không ổn định, cuối cùng chị Phạm Thị Hoa ở xóm Tân Đông, xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đã tìm được hướng làm giàu bằng cách nuôi gà Phùng Dầu Sơn.
Trong đợt hạn, mặn lịch sử tại ĐBSCL vừa qua, ngoài thiệt hại về cây lúa, hàng loạt nhà vườn cũng lao đao.
Được tiếp cận với 300 triệu đồng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) TP.Hà Nội, các hộ dân xã Vân Hòa, huyện Ba Vì tham gia dự án “Chăn nuôi bò sữa” đã có tiền đầu tư tu sửa chuồng trại, mua thêm con giống, thức ăn phát triển nghề nuôi bò sữa…