Phân gà, món 'khoái khẩu' của rau hữu cơ
Trồng rau hữu cơ bón phân gà, cây rau phát triển rất nhanh. Bình Định hiện có lượng lớn phân gà, tiếc là ở đây chưa có nhà máy chế biến thành phân hữu cơ
Phân gà cần thiết cho rau hữu cơ
Anh Trịnh Hưng Công, chủ trang trại trồng rau hữu cơ Yuuki Farm theo công nghệ Nhật Bản ở xã Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn, Bình Định), đang nuôi 10.000 con gà trên đệm lót sinh học để lấy phân bón cho diện tích 10.000m2 đất trồng rau hữu cơ. Theo anh Công, phân gà rất hữu ích cho các loại cây ngắn ngày, nhất là rau màu, bởi phân gà nhiều đạm, cây trồng hấp thụ phân rất nhanh nên phát triển tươi tốt.
“Nếu như phân bò cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng theo tỷ lệ 5-2-2 thì phân gà cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng theo tỷ lệ 8-1-1. Nghĩa là sau khi bón, trong tháng đầu tiên phân gà sẽ cung cấp 80% dinh dưỡng cho cây trồng, bước sang tháng thứ 2 và tháng thứ 3, phân gà tiếp tục cung cấp 100% dinh dưỡng cho cây trồng. Trong vòng 3 tháng phân gà sẽ phân hủy hết, thời gian đủ cho 1 chu kỳ sinh trưởng, phát triển của các loại rau”, anh Công phân tích.
Theo anh Công, trước khi thả gà giống vào chuồng, trấu được dùng để làm đệm lót phải được sát trùng kỹ lưỡng rồi mới đưa vào chuồng nuôi. Sau khi trấu được sát trùng và đưa vào chuồng nuôi, anh Công phun lên trấu 1 lớp cám gạo đã được lên men cùng với mật rỉ đường và đậu nành, 1 ngày sau mới thả gà giống vô chuồng nuôi. 1 tuần sau, anh Công lại rải lên trấu làm đệm lót 1 lớp cám gạo lên men nữa với liều lượng 10kg cám gạo trên 100m2 nền. Trong 2 tuần đầu, do gà còn nhỏ, lượng phân gà còn ít, nên cách 1 tuần anh rải cám gạo đã lên men 1 lần lên lớp trấu làm đệm lót. Đến thời điểm gà 30 ngày tuổi trở lên, cách 15 ngày anh Công rải cám gạo lên lớp trấu 1 lần. Trong suốt chu kỳ nuôi 1 lứa gà, anh Công rải cám gạo lên trấu 6 lần.
“Trong thời gian đầu trồng rau hữu cơ, lúc ấy đất rất xấu nên tôi phải cải tạo đất. Để bổ sung dinh dưỡng cho đất, tôi cho 100m2 đất “ăn” 50kg phân gà. Sau này khi đất đã thuần, tôi giảm lượng phân lại, chỉ còn bón cho 100m2 rau 20kg phân gà. Phân gà đưa từ chuồng ra có thể bón cho cây trồng ngay không cần qua xử lý mà không sợ cây trồng nhiễm bệnh. Bởi, sau khi mình cho trấu “ăn” 6 đợt men cám gạo trước khi xuất chuồng đàn gà là nó đã tự xử lý cho mình rồi, nên phân từ chuồng có thể mang ra bón thẳng cho cây trồng mà không cần ủ lại”, anh Công chia sẻ.
Một ưu điểm khác của phân gà đối với cây trồng ngắn ngày, nhất là đối với rau hữu cơ là dinh dưỡng của phân được cung cấp trực tiếp cho cây trồng. Bón phân hôm nay, qua ngày hôm sau là cây trồng hấp thụ được dinh dưỡng của phân ngay. Trong khi các loại phân khác sau khi bón 3 - 4 ngày cây trồng mới hấp thụ được dinh dưỡng của phân. Tốc độ hấp thụ của cây trồng đối với phân gà nhanh tương đương như bón phân hóa học, nhưng dinh dưỡng của phân gà duy trì kéo dài xuyên suốt cả vụ. Trong khi chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây trồng ngắn ngày chỉ từ 1 - 3 tháng tùy loại, nên phân gà có thể đảm bảo dinh dưỡng cho cây trồng suốt cả vụ, hiệu quả nhất là đối với rau hữu cơ.
“Tôi mang phân gà đã trải qua 6 lần được “ăn” men cám gạo đi test, kết quả cho thấy lượng đạm trong phân đạt 2.87/100g, trong khi lượng đạm trong các loại phân gà khác chỉ đạt 1.4. So với các loại phân gà khác, lượng dinh dưỡng trong phân gà của tôi cao gấp đôi. Sở dĩ dinh dưỡng trong phân gà của tôi đạt cao là nhờ được phun 6 lần cám gạo đã lên men, trong cám gạo có cả đậu nành và mật rỉ đường”, anh Công cho hay.
Cần nhà máy chế biến phân gà
Với tổng đà gà 6 triệu con, hiện Bình Định có lượng phân gà khá lớn, nhất là khi tỉnh này có 2 doanh nghiệp chuyên sản xuất gà ta giống quy mô lớn là Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (Công ty Minh Dư) ở xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước) và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (Công ty Cao Khanh) ở xã Cát Tân (huyện Phù Cát).
Theo ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty Cao Khanh, hiện công ty này có tổng đàn gà bố mẹ 300.000 con được nuôi trên đệm lót sinh học trong 25 dãy chuồng. Phân gà trong những dãy chuồng nuôi trên đệm lót sinh học được cứ 3 tháng công ty dọn 1 đợt, mỗi chuồng thu được 5.000 bao phân gà (15 kg/bao), vị chi là 75 tấn. Như vậy, với 25 dãy chuồng, cứ 3 tháng Công ty Cao Khanh thu được 1.875 tấn phân gà trộn lẫn với vỏ trấu. Đó là chưa nói lượng phân tươi ngày nào cũng cho ra bởi nó nằm trên dây chuyền băng tải.
“Phân gà trên đệm lót sinh học công ty hợp đồng bán cho các thương lái thu mua rồi cung ứng lên Tây Nguyên bón cho cây lâm nghiệp, cây ăn quả với giá 1,2 triệu đồng/tấn. Phân tươi thì chúng tôi bán cho các nhà máy chế biến phân bón trên địa bàn”, ông Khanh cho hay.
Lượng phân gà của Công ty Cao Khanh cho số lượng lớn là vậy thì lượng phân gà của Công ty Minh Dư còn nhiều hơn nữa. Bởi, hiện ngoài trang trại cũ tại xã Phước Nghĩa, Công ty Minh Dư đã đưa vào hoạt động trang trại vừa xây dựng tại tại xã Canh Vinh (huyện Vân Canh), trang trại tại xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) và 2 trang trại tại xã Phước Thành (huyện Tuy Phước). Công ty Minh Dư đang sở hữu đến 1,2 triệu con gà bố mẹ, cao gấp 4 lần so với Công ty Cao Khanh. Như vậy, theo phương thức thu phân gà của Công ty Cao Khanh, thì cứ 3 tháng Công ty Minh Dư sẽ thu được 7.500 tấn phân gà trên đệm lót sinh học.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn trong ngành chăn nuôi, phân gà của Công ty Minh Dư có chất lượng rất tốt. Sau khi được đưa đi phân tích, phân gà của Công ty Minh Dư có hàm lượng dinh dưỡng rất cao.
Đặc biệt, phân gà trong chuồng nuôi của Công ty Minh Dư khô ráo nên không bốc ra mùi hôi, bởi trong phân gà có nhiều chất đạm, nên nếu ẩm ướt sẽ bốc mùi rất kinh khủng. Thế nhưng do Công ty Minh Dư kiểm soát được độ ẩm trong phân gà, nên có lần 1 chuyên gia Nhật Bản đi thăm trang trại nuôi gà bố mẹ của Công ty Minh Dư đã thoải mái bốc phân gà trong chuồng nuôi đưa lên mũi ngửi và khen không tiếc lời về chất lượng.
Điều đang tiếc là phân gà của Công ty Minh Dư hiện cũng được bán thô như của Công ty Cao Khanh, bởi trên địa bàn chưa có nhà máy chế biến. Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong 1 lần ông đi tham quan tại Đồng Nai, ông được nhìn thấy dây chuyền công nghệ chế biến phân gà trông như dây chuyền chế biến thức ăn chăn nuôi.
“Phân gà lẫn với trấu từ các xe tải chở đến được thiết bị hút lên 1 ống hình tròn có đường kính khoảng 1m, dài mấy chục mét. Nhiệt được cho vào chiếc ống này và nó liên tục xoay tròn để sấy khô phân. Sau khi được xử lý nhiệt, phân gà trở nên vô trùng, sau đó được đưa lên phần trên ép thành viên như viên thức ăn chăn nuôi và cho vô bao để đưa đi tiêu thụ.
Với lượng phân gà khá lớn của 2 doanh nghiệp chuyên sản xuất gà ta giống Minh Dư và Cao Khanh cùng một số trang trại nuôi gà ta thương phẩm, chúng tôi đang thu hút nhà đầu tư về Bình Định xây dựng nhà máy chế biến phân hữu cơ từ phân gà để cung cấp cho các vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn”, ông Đào Văn Hùng chia sẻ.
Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, hiện trên địa bàn tỉnh này có tổng đàn trâu, bò khoảng 300.000 con; bình quân mỗi ngày 1 con trâu, bò thải ra 10kg chất thải, với tổng đàn 300.000 con mỗi ngày cho ra 3.000 tấn chất thải.
Đàn heo ở Bình Định hiện có 7.000 con (chưa tính heo con theo mẹ), bình quân mỗi ngày 1 con heo cho ra 2,5kg chất thải, với tổng đàn heo 700.000 con mỗi năm cho ra 225 tấn chất thải.
Đàn gia cầm hơn Bình Định hiện có hơn 8 triệu con (trong đó có 6 triệu con gà), mỗi ngày 1 con cho ra 0,2kg chất thải, như vậy mỗi ngày tổng đàn gia cầm cho ra 1.600 tấn chất thải, vị chi mỗi năm cho ra 584.000 tấn chất thải.
Khối lượng chất thải chăn nuôi rất lớn nhưng hiện nay Bình Định lại chưa có nhà máy chế biến mà hầu như chế biến thủ công.
Related news
Nếu người nuôi gà thả vườn làm điều này, gà của họ sẽ phát triển nhanh hơn và tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch
Tại vùng nhiễm bệnh héo vàng lá chuối, người dân cần tiêu hủy toàn bộ số cây bị nhiễm bệnh, bao gồm thân, lá, củ chuối và các tàn dư thực vật trong vườn
Trong nhiều thập kỷ, gà tây chỉ được dùng làm bữa tối trong Lễ Tạ ơn hoặc món chính cho các gia đình Mỹ trong những kì nghỉ. Hiện tại, điều đó đã thay đổi.