Prices / Tin nông nghiệp

Phân biệt Kali thật giả bằng nước

Phân biệt Kali thật giả bằng nước
Author: Sơn Trang
Publish date: Monday. January 15th, 2018

Cũng như nhiều loại phân bón khác, từ nhiều năm qua, phân Kali đã bị nhiều cơ sở làm giả, đưa ra thị trường, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Làm cách nào để bà con nông dân có thể nhận biết được Kali thật và Kali giả?

Sau khi cho vào ly nước, Kali giả chìm xuống đáy ly làm nước vẩn đục và đổi màu đỏ (ảnh trái); Kali thật bị vón dẻo quánh lại thành cục, nước không có màu (ảnh phải)

Vấn nạn Kali giả

Theo các tài liệu khoa học về canh tác, Kali là một trong ba nguyên tố đa lượng quan trọng nhất cho cây, bên cạnh đạm và lân. Kali tham gia chuyển hóa năng lượng trong quá trình đồng hóa các chất dinh dưỡng của cây. Cây được bón đủ phân Kali có sức chống chịu tốt đối với những điều kiện bất thuận: úng, hạn, rét...; từ đó, cây cứng cáp, mạnh khoẻ, phẩm chất nông sản và năng suất tăng. Đối với cây ăn trái, Kali làm tăng hàm lượng đường trong quả, giúp quả có độ bóng bắt mắt, hương vị thơm ngon hơn, tăng thời gian lưu trữ quả.

Mỗi năm, nhu cầu sử dụng phân kali ở nước ta vào khoảng 900 ngàn tấn. Toàn bộ phân Kali đều được nhập khẩu do Việt Nam không có mỏ Kali. Là loại phân bón quan trọng, được sử dụng phổ biến, nên từ lâu, phân Kali đã bị làm giả, bán trên thị trường, gây hoang mang cho nông dân, bởi trên thị trường có các loại phân NKS, KNS, NPK… được một số nhà sản xuất cố tình làm rất giống phân Kali Clorua về mặt hình thức, nhất là màu đỏ đặc trưng của Kali. Tuy nhiên, thực chất trong sản phẩm ấy chỉ có từ 10 - 30% là Oxit Kali, còn lại là phân SA, muối ăn, phẩm màu, bột sét đỏ.

Trong những năm qua, các cơ quan chức năng ở nhiều tỉnh, TP đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ sản xuất, buôn bán phân Kali giả. Chẳng hạn, vào ngày 18/12/2015, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP.HCM cùng Công an tỉnh Bình Dương, phát hiện tại phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) một chiếc xe tải chở hơn 28 tấn phân bón giả, đang chuyển hàng qua 3 chiếc xe tải nhỏ để chuẩn bị chở đi tiêu thụ tại các tỉnh khác. Toàn bộ số phân bón này không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng đã phát hiện ra địa điểm sản xuất số phân bón giả này. Tại đây, đã phát hiện và thu giữ thêm gần 6 tấn Kali giả vừa được sản xuất xong.

Vì vậy, trước những ma trận phân bón giả, nhái, kém chất lượng, bà con nông dân phải tự trang bị kiến thức để bảo vệ mình và không gì an toàn hơn là tìm mua phân bón của các doanh nghiệp có uy tín tại các đại lý lớn, đại lý làm ăn chân chính.  

Phân biệt Kali thật – giả bằng 1 ly nước

Theo các kỹ sư của Tập đoàn Vinacam, để phân biệt phân Kali thật và giả, có một số phương pháp. Một trong những cách phân biệt đơn giản mà hiệu quả nhất là sử dụng nước. Theo đó, việc thử Kali bằng nước được chia làm 4 bước.

Bước 1, bà con chuẩn bị 1 ly nước trong, lượng nước khoảng 1/2 ly.

Bước 2, đổ một muỗng cà phê Kali vào trong ly nước. Trường hợp đó là Kali giả, phân sẽ chìm ngay xuống đáy ly, nước trong ly lập tức vẩn đục và đổi màu đỏ. Nếu là Kali thật, ban đầu nhìn có cảm giác Kali bị vón dẻo quánh lại thành cục do bột có lớp dầu sinh học chống ẩm, nước trong ly không có màu.

Bước 3, dùng muỗng khuấy đều lên. Nếu là Kali giả, phân sẽ không tan hoàn toàn, dưới đáy ly có sạn lắng, nước trong ly vẩn đục. Nếu là Kali thật, phân tan chậm và tan hoàn toàn, không có sạn lắng, nước trong ly dần chuyển sang màu đỏ hồng, không có mùi khác lạ.

Bước 4, sau khi khuấy xong, để sau 5 phút, nếu là Kali giả, nước trong ly vẫn đỏ đục, đáy ly có cặn lắng. Nếu là Kali thật, nước trong ly từ từ trong trở lại, dưới đáy ly không có cặn lắng, bên trên ly có lớp váng màu đỏ hồng nổi trên mặt.

Với cách nhận biết đơn giản này, bà con có thể lựa chọn đúng sản phẩm Kali chất lượng, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái.


Related news

Loay hoay cơ giới hóa nông nghiệp nguồn nhân lực nền tảng cơ giới hóa Loay hoay cơ giới hóa nông nghiệp nguồn nhân lực nền tảng cơ giới hóa

Hiện thị trường Việt Nam có 67% máy nông nghiệp là nhập khẩu, ngành cơ khí trong nước chỉ đáp ứng 33%, nhưng chất lượng thiếu ổn định và công suất nhỏ. Còn phần lớn người vận hành máy nông nghiệp không qua đào tạo, không có chứng chỉ, bằng cấp.

Monday. January 15th, 2018
Lộc Thịnh (Lộc Ninh, Bình Phước) chôm chôm được giá nhưng mất mùa Lộc Thịnh (Lộc Ninh, Bình Phước) chôm chôm được giá nhưng mất mùa

Thiếu nước tưới ngay trong thời điểm đang đậu trái khiến nhiều nhà vườn trồng chôm chôm trên địa bàn xã Lộc Thịnh (Lộc Ninh, Bình Phước) chịu thiệt hại nặng do năng suất giảm mạnh so với niên vụ trước. Bù lại, giá chôm chôm trên thị trường năm nay đã cao hơn, giúp bà con gỡ lại phần nào tổn thất do hạn hán gây ra.

Monday. January 15th, 2018
Sầu riêng Khánh Sơn (Khánh Hòa) được mùa, được giá Sầu riêng Khánh Sơn (Khánh Hòa) được mùa, được giá

Năm 2016, người trồng sầu riêng ở Khánh Sơn (Khánh Hòa) trúng lớn khi sầu riêng được mùa, được giá. Dự kiến năng suất bình quân của toàn huyện khoảng 7 - 7,5 tấn/ha, trong đó cao nhất là xã Sơn Bình khoảng 10 - 12 tấn/ha; tổng sản lượng sầu riêng toàn huyện ước đạt 2.700 - 2.800 tấn.

Monday. January 15th, 2018