Ớt Được Giá Nhưng Mất Mùa Nông Dân Điêu Đứng
Năm nay được coi là năm thành công đối với những nông dân trồng ớt. Vào thời điểm thu hoạch vụ ớt Đông Xuân thì giá ớt luôn nằm từ 15.000 đồng đến 25.000 đồng/kg ớt tươi. Trừ chi phí thì mỗi công (1.000m2) ớt, người nông dân lời trên dưới 10 triệu đồng. Gần cuối vụ, giá ớt tăng đột biến lên đến 40.000 đồng/kg ớt tươi. Những hộ trồng ớt tranh thủ tận thu những trái ớt còn lại nhằm kiếm thêm đồng lãi.
Thế nhưng, vào thời điểm đầu tháng 7, những hộ trồng ớt vụ Hè lại rơi vào cảnh “được giá, mất mùa”. Thậm chí có hộ còn không biết có “gỡ” được vốn đầu tư hay không. Nguyên nhân là do những ruộng ớt vào thời điểm này bị bệnh thúi trái, khiến nông dân điêu đứng dù đã tìm nhiều cách chữa trị.
Đến khu vực cầu Gò Chai, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành, nơi có nhiều nông dân trồng ớt, mới thấy được cảnh người nông dân đang phải nếm “vị cay” từ cây ớt. Ông Thành, gần 60 tuổi, người có thâm niên trồng ớt “nghịch mùa” nơi đây cho biết, vụ ớt này nhiều người thắng đậm do giá ớt năm này cao hơn những năm trước. Tuy nhiên, ông và một số người khác lại chọn trồng ớt vào mùa mưa, vì vào mùa mưa giá ớt rất cao, nhưng cũng đầy may rủi do ớt gặp mưa rất dễ bị bệnh. Do đó, hiện nay gần 1 ha ớt của ông đang vào mùa thu hoạch coi như mất trắng vì bị bệnh thúi trái.
Dẫn chúng tôi đi xem ruộng ớt, ông Thành lắc đầu ngao ngán bởi trên cành ớt đơm trái xum xuê có đến 80% đang bị thúi. Với tiền vốn đã bỏ ra không dưới 50 triệu đồng- dù giá ớt hiện nay gần 40.000 đồng/kg nhưng chuyện lỗ lã là cầm chắc. Theo ông Thành, dù có cố gắng thu hoạch những trái ớt không bị thúi cũng chưa chắc gì lấy lại được 1/3 vốn đầu tư. Hơn nữa, việc mướn người hái ớt bị bệnh chi phí tiền công cũng cao hơn bình thường do phải tốn thêm công sức để phân loại ớt.
Gần ruộng ớt của ông Thành là ruộng ớt của chị Hiếu và một số hộ khác cũng rơi vào cảnh tương tự. Một số người cho biết là đã tìm đến các nơi bán thuốc bảo vệ thực vật để mua thuốc trị bệnh thúi trái nhưng chẳng ăn thua gì, đành chấp nhận mùa ớt này lỗ vốn.
Nhiều năm qua, ớt là loại cây mang lại thu nhập khá cao cho bà con nông dân trên địa bàn Tây Ninh. Tuy nhiên đến nay người trồng ớt nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung vẫn chưa thoát được vòng lẩn quẩn “được giá thì mất mùa, được mùa thì rớt giá- thậm chí có lúc vừa mất mùa vừa rớt giá”. Nông dân rất cần sự vào cuộc của ngành nông nghiệp trong việc định hướng, hỗ trợ kỹ thuật giúp người nông dân nói chung và người trồng ớt nói riêng phát triển một cách bền vững hơn.
Related news
Từ hai bàn tay trắng, nhưng nhờ áp dụng mô hình nuôi cá lóc mà anh Thái Văn Luông (39 tuổi, ngụ ấp Khánh Lợi, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú - An Giang) đã khá lên. Có được sự thành công ban đầu, anh mua đất đầu tư mở rộng mô hình ương nuôi cá lóc giống cũng mang lại hiệu quả cao.
Một trong những giải pháp để hình thành cánh đồng mẫu lớn là sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học). Thế nhưng từ cách làm theo kiểu “cắm biển, ghi tên” ở 2 tỉnh Thái Bình, Nam Định mà chúng tôi đã phản ánh, thì mối liên kết ấy hầu như không có gì, nếu có thì cũng rất sơ sài, lỏng lẻo.
Việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ hè thu ở khu vực ĐBSCL đã triển khai từ 15.6, nhưng 4 ngày qua giá lúa vẫn không tăng, nông dân vẫn chưa được hưởng lợi...