Ông Hồng Làm Giàu Bằng Nghề Nông
Ở thôn Dương Sơn xã Tam Sơn (thị xã Từ Sơn) có mô hình sản xuất tổng hợp của gia đình ông Ngô Mạnh Hồng gồm 1,5 mẫu ruộng khoán, một khu riêng biệt nuôi gà đẻ trứng với diện tích gần 100m2, cùng với 13ha ruộng thuê để sản xuất khoai tây giống.
Ban đầu, gia đình ông cũng gặp rất nhiều khó khăn về vốn, thiếu kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi gia cầm về nguồn giống tốt và tiêu thụ khoai sau khi thu hoạch, nhất là thiếu kho lạnh để bảo quản sản phẩm. Đến năm 2001, nhờ có chính sách đầu tư hỗ trợ của tỉnh về việc xây dựng kho lạnh cho các HTX dịch vụ nông nghiệp cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của xã, thôn, ông Hồng được ký hợp đồng, tiếp nhận và xây dựng 2 kho lạnh để bảo quản khoai tây giống.
Do lượng nguồn giống nhập siêu rất hạn chế, ông chỉ thực hiện được 3ha sản xuất từ giống Diamant (Hà Lan) siêu nguyên chủng. Kết quả cho thấy khá hiệu quả, song khoai cũng bộc lộ những nhược điểm nhất định như khi đem trồng đại trà thường thấy tỷ lệ chết do héo xanh khá nhiều, hình thức khoai thương phẩm xấu, khó tiêu thụ.
Nhờ sự hỗ trợ và tạo nguồn giống của Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông thị xã, năm 2006, ông mạnh dạn chuyển sang trồng giống khoai tây Mariella và Solara (Đức) trên diện tích 4,5ha. Kết quả cho thấy, năng suất cao hơn, khoai thương phẩm nhiều hơn, bán được giá cao hơn. Hơn nữa, khoai giống sau bảo quản được thị trường trong và ngoài tỉnh chấp nhận.
Ông Hồng chia sẻ: “Để đạt năng suất và chất lượng khoai cao nhất, quan trọng nhất là phải có nguồn giống chuẩn và quá trình chăm sóc đúng kỹ thuật”. Phát huy tính sáng tạo và mạnh dạn trong sản xuất, kết hợp với việc tham khảo thị trường, ông tìm hiểu và đưa thêm giống khoai KT2 vào sản xuất.
Với năng suất cao (500- 550kg/sào), hình thức và chất lượng tốt nên khoai rất dễ tiêu thụ, đặc biệt là thị trường miền Nam. Phần còn lại, ông cho vào kho lạnh bảo quản để bán giống vụ sau với giá từ 8 nghìn đến 10 nghìn đồng/kg. Phát huy tính ưu việt, từ năm 2007 cho đến nay, ông vẫn liên tục duy trì từ 4,5- 6ha sản xuất giống khoai tây KT2 nguyên chủng và thuần chủng.
Việc sản xuất khoai tây giống của gia đình ông đã mang lại doanh thu từ 200-250 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 700-1000 lao động trong thời điểm nông nhàn hàng năm. Từ năm 2002, gia đình ông nuôi thêm gà thương phẩm và thường xuyên duy trì trong chuồng có 500 con gà Ai Cập đẻ trứng, hàng năm cho thu lãi từ 30-50 triệu đồng.
Với diện tích 1,5 mẫu lúa, hàng năm, sau khi trừ chi phí và lương thực để sinh hoạt cũng cho thu nhập trên dưới 30 triệu đồng. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, ông vận động bà con nông dân tăng gia sản xuất vụ đông bằng cách bán giống và thu mua khoai tây thương phẩm cho nông dân. Phần còn lại, ông nhận ký gửi vào kho lạnh.
Với thâm niên 22 năm gắn bó với nông nghiệp và tổ chức sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, ông Hồng được công nhận là Nông dân điển hình tiên tiến, có nhiều thành tích trong sản xuất, kinh doanh của thị xã nhiều năm liền.
Related news
Ngày 6-8, Phòng Kinh tế TP. Pleiku (Gia Lai) tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê vối, cây hồ tiêu cho 50 nông dân ở xã Biển Hồ.
Đó là nhận định của Bí thư Đảng ủy xã Bạch Đằng (Tân Uyên, Bình Dương) Nguyễn Thanh Âm. Bí thư Nguyễn Thanh Âm cho biết thêm, Bạch Đằng hiện có 1.471 hộ dân. Qua thống kê, giám sát và đánh giá 6 tháng đầu năm 2013, mức thu nhập bình quân đầu người của xã Bạch Đằng đạt khoảng 25 triệu đồng/năm.
Hội ND tỉnh Tuyên Quang đã chủ động đề xuất nhiều chương trình, dự án cụ thể với cấp ủy, chính quyền, T.Ư Hội NDVN nhằm hỗ trợ ND phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây cũng là cách “rèn” cán bộ qua công việc cụ thể.