Ông giáo bỏ nghề, lập công ty sản xuất 14 loại cà phê chất lượng
Với việc tự tạo ra quy trình trồng - chế biến - phân phối khép kín, ông Ngô Tấn Giác ở Gia Lai đã đưa 14 loại cà phê ra thị trường trong và ngoài nước dưới thương hiệu Cà phê Thu Hà.
Trong ảnh: Từ một cái tên trên biển hiệu của quán nước nhỏ, "Cà phê Thu Hà" đã trở thành thương hiệu đặc trưng của phố núi Pleiku. Ảnh: Ori-mart.
Xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ trước, từ một cái tên của quán nước nhỏ, sau 40 năm, Thu Hà Cà phê đã trở thành thương hiệu đặc trưng của cà phê vùng Tây Nguyên và góp phần tạo nên tên tuổi sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế. Một số người cho rằng: "Đến Pleiku, nhưng chưa đến quán Cà phê Thu Hà là bạn mới biết Pleiku một nửa". Thương hiệu này đã gắn liền với hình ảnh cây cà phê trên vùng đất đỏ. Để có được thành quả như ngày hôm nay, ông Ngô Tấn Giác - Giám đốc công ty phải trải qua không ít giai đoạn khó khăn.
Vốn là người gốc Mũi Né, Phan Thiết và là dân sư phạm chính gốc, năm 1981, khi đến Pleiku, ông Giác tình cờ gặp người bạn đời sau này. Từ đó, ông quyết định sinh sống và lập nghiệp tại vùng đất Tây Nguyên. Những năm 80 của thế kỷ trước, nghề giáo mang lại thu nhập bấp bênh cho những người như ông Giác. Những khó khăn của cuộc sống thường nhật tại vùng đất mới khiến ông phải từ bỏ nghề đứng lớp và tìm cách xoay sở kinh tế. Có thời điểm, vợ chồng ông chấp nhận cảnh "buôn thúng bán bưng" ngoài chợ để kiếm tiền lo chi phí sinh hoạt.
Từ một gợi ý của người quen, ông tính tới chuyện mở quán bán cà phê. Tận dụng ngay tấm biển "Cà phê Thu Hà" - tên quán cũ của người em bên gia đình vợ; ông tiếp tục xin bàn ghế cũ về gia cố lại, đồng thời mua nợ cà phê để phục vụ khách hàng tới quán.
Thời gian đầu mới mở, quán khá vắng khách nhưng điều đó không làm ông nản lòng. Nhờ chăm chỉ học cách pha chế mà cà phê của quán ông có hương vị đậm đà, thơm ngon hơn, khách đến quán cũng ngày một đông. Vợ chồng ông bắt đầu có thu nhập để mua sắm thêm các vật dụng phục vụ hoạt động của quán. Năm 1986, với số tiền tích lũy ít ỏi, ông đầu tư 6 sào đất để canh tác cà phê, phục vụ nhu cầu bán quán.
Một năm sau đó, phần lớn các hộ nhận đất cùng thời điểm với gia đình ông đều bỏ cuộc, do chưa nắm được kỹ thuật canh tác, lại thêm đường đi không thuận lợi, sản phẩm khó bán buôn... Tuy nhiên, ông Ngô Tấn Giác cho rằng, cây cà phê sẽ mang đến nhiều triển vọng kinh tế trong tương lai. Do đó, dù hoàn cảnh gia đình không khả quan hơn so với các hộ trong vùng nhưng ông vẫn quyết định đầu tư mở rộng diện tích trồng cà phê và sử dụng chính lợi nhuận của quán bán để duy trì trồng vườn.
Ban đầu, ông mua lại hoặc được sang nhượng vườn của những hộ xung quanh. Năm 2015, diện tích trồng cà phê của ông lên tới 15 ha. Muốn có hướng đi mới, tạo được hương vị riêng cho sản phẩm của phê của mình, ông Giác đã tự tạo nên quy trình trồng - chế biến - phân phối khép kín. Nguồn nguyên liệu đảm bảo và bí quyết chế biến riêng giúp ông chủ động hơn trong kinh doanh.
Trước đây, suy nghĩ của ông chỉ dừng lại ở việc tạo ra một sản phẩm chất lượng, hợp gu người thưởng thức nhưng sau đó, khi vấn đề thương hiệu bắt đầu được quan tâm, ông Giác lại tích lũy thêm kinh nghiệm để nâng giá trị thương hiệu cà phê Thu Hà. Cụ thể, ngoài việc xây dựng nhãn mác, bao bì, công nghệ đóng gói và quảng cáo, ông Giác còn tự đi khảo sát thị trường châu Âu và học hỏi thêm.
Đến nay, Cà phê Thu Hà đã đưa ra thị trường 14 loại sản phẩm cà phê khác nhau, xuất hiện tại nhiều siêu thị lớn trên cả nước như BigC, Metro, Vinatex Mart…, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng. Sau 40 năm hình thành và phát triển, cà phê Thu Hà đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và vươn ra thế giới.
Trong những năm qua, sản phẩm cà phê Thu Hà luôn duy trì danh hiệu thương hiệu nổi bật của cà phê Tây Nguyên, được người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao. Giám đốc công ty - ông Ngô Tấn Giác cũng nhận được kỷ niệm chương của Bộ Công nghiệp năm 2000, người có công sức góp phần đưa ngành cà phê Gia Lai nói riêng, cà phê Việt Nam nói chung đến với mọi người; kỷ niệm chương năm 2008 của Hội Người cao tuổi Trung Ương; Cúp vàng thương hiệu an toàn Vì sức khỏe cộng đồng - Cục vệ sinh An toàn (Bộ Y tế) cấp năm 1998; Doanh nhân tiêu biểu của tỉnh Gia Lai nhiều năm liền...
Có thể bạn quan tâm
Khánh Hòa cũng như các địa phương ven biển đang có nhiều lợi thế để phát triển rong biển thành một ngành hàng thủy sản có giá trị kinh tế, bền vững.
“Việc gia tăng đàn lợn quá nóng ở các địa phương hiện nay sẽ khiến cho cung vượt cầu, giá sụt giảm, nông dân thua lỗ, việc kiểm soát dịch bệnh, ô nhiễm
Với thổ nhưỡng và nguồn nước thích hợp, nông dân xã Suối Tân (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đang phát triển mạnh giống xoài Tứ quý sản xuất trái vụ.