Để lợn nái đẻ vô tư sẽ là... thảm họa
“Việc gia tăng đàn lợn quá nóng ở các địa phương hiện nay sẽ khiến cho cung vượt cầu, giá sụt giảm, nông dân thua lỗ, việc kiểm soát dịch bệnh, ô nhiễm cũng sẽ trở nên khó khăn hơn” – ông Nguyễn Đức Trọng (ảnh) - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ với NTNN/điện tử Dân Việt.
Trong ảnh: Chăm sóc đàn lợn nuôi tại TP.Hồ Chí Minh. ảnh: TTXVN
Mới đây, Bộ NNPTNT đã cảnh báo tình trạng tăng đàn lợn nái quá nóng ở các địa phương, cụ thể vấn đề này như thế nào thưa ông?
- Năm ngoái, đàn lợn tăng cao với trên 4,2 triệu lợn nái, đàn lợn thịt có mặt thường xuyên cả nước ước lên tới trên 29 triệu con, con số này lớn hơn khá nhiều so với những gì mà ngành thống kê công bố. Điều đó khiến giá thịt lợn cuối năm 2016 rớt thảm hại. Hiện tại, dù giá thịt lợn đang tăng trở lại, tuy nhiên với việc quy mô đàn lợn tăng chóng mặt hiện nay sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, tạo ra những hệ lụy mà chính người chăn nuôi phải chịu.
Những vùng tăng đàn lợn nái cao là Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng. Theo định hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi, các vùng đồng bằng sẽ giảm dần quy mô nuôi lợn và dịch chuyển tăng quy mô ở các vùng miền núi, Tây Nguyên - những nơi dân cư thưa thớt hơn. Thực tế, chúng ta vẫn chưa làm được điều đó, các vùng có đàn lợn tăng nóng vẫn ở Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng và có thêm vùng Bắc Trung Bộ. Những vùng quy hoạch tăng quy mô lại chưa tăng nhiều.
Theo ông, thời gian tới, nếu các địa phương không “hãm phanh” quy mô tăng đàn nóng như hiện nay thì sẽ xảy ra những hệ lụy gì?
- Nếu chúng ta không điều tiết được tốc độ tăng đàn, sẽ có nhiều vấn đề xảy ra, đầu tiên là dư thừa cung cầu, trong lúc thị trường xuất khẩu (XK) chưa có bao nhiêu thì sự dư thừa ngày càng cao. Thị trường trong nước tiêu thụ cũng đã đến ngưỡng, vậy nếu không xuất chuồng được thì người nuôi lại mất thêm chi phí nuôi, nếu xuất chuồng ngay, giá sẽ thấp, tính kiểu gì thì người nuôi cũng thua thiệt. Vấn đề thứ hai đối với người chăn nuôi đó là phải xuất nhập chuồng liên tục và đúng thời vụ, trường hợp tăng đàn nóng người nuôi sẽ không kịp tái đàn và tiếp tục mất cân đối cầu nhiều hơn cung. Vấn đề thứ ba, khi tăng đàn quá mức, công tác kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát môi trường sẽ không kiểm soát nổi. Thời gian tới, nếu năng suất nái tiếp tục được nâng lên, sản lượng thịt lợn tới đây sẽ là một con số khổng lồ. Vì vậy một trong những chiến lược đầu tiên của chăn nuôi lợn là kiên quyết không tăng thêm đàn lợn nái, mà chỉ tập trung vào nâng cao chất lượng đàn nái.
Theo tổng hợp của Cục Chăn nuôi, ước tính tới cuối 2016, chưa kể các trang trại nhỏ, chỉ riêng số lượng các trang trại lớn và vừa đã lên tới con số 26.000, tăng tới 23% so với năm 2015. Đáng nói là cả 3 vùng chăn nuôi lợn trọng điểm là đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ đều phát triển nóng đàn lợn.
Tuy nhiên, cái khó trong vấn đề hãm phanh quy mô tăng đàn đang nằm ở chỗ, quyền cấp phép xây dựng các nhà máy hiện nay thuộc về các địa phương, vậy xử lý cái khó này như thế nào?
- Đúng vậy, đây cũng là một cái khó trong quản lý. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường có văn bản đề nghị các tỉnh rà soát lại quy hoạch chăn nuôi gắn với thị trường và tiềm năng của từng địa phương. Quy hoạch và chỉ đạo quyết liệt vấn đề giết mổ tập trung, công nghiệp và khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị ngành hàng thịt lợn.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là công văn chỉ thị của các bộ gửi xuống không phải địa phương nào cũng quan tâm, nhiều địa phương thờ ơ, phớt lờ cảnh báo, vẫn muốn thu hút doanh nghiệp vào tỉnh. Chính điều này dẫn tới phá vỡ quy hoạch, tăng đàn nhiều gây ra nhiều hệ lụy như tôi nói ở trên.
Vậy Cục Chăn nuôi có tham mưu giải pháp gì cũng như kiến nghị gì để hạ nhiệt tăng đàn lớn nái không, thưa ông?
-Mặc dù quy hoạch chăn nuôi lợn đã có từ năm 2008, tuy nhiên đến nay, không tỉnh nào thực hiện quy hoạch này. Trong bối cảnh chưa mở được thị trường XK thì đây đang là vấn đề lớn cần phải có giải pháp can thiệp để kìm hãm tốc độ tăng đàn, nhất là công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch của các địa phương. Chính vì vậy, các địa phương cần hạn chế mở rộng quy mô đầu lợn trên địa bàn, nhất là đàn lợn nái. Bên cạnh đó, phải chuyển hướng nhanh sang thay đổi cơ cấu giống.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Nhiều năm trở lại đây, Đà Lạt đã trở thành địa phương đi đầu trong cả nước về ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, trong việc trồng hoa, đây là ngành chủ lực
20 doanh nghiệp thuộc lãnh vực nông nghiệp và các trường đại học đã cùng Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hà Lan Marjolijn Sonnema đến tìm những cơ hội kinh doanh
Khánh Hòa cũng như các địa phương ven biển đang có nhiều lợi thế để phát triển rong biển thành một ngành hàng thủy sản có giá trị kinh tế, bền vững.