Ổn Định Sản Xuất Cho Người Dân Tái Định Cư
Để ổn định cuộc sống cho người dân tái định cư (TĐC) Thủy điện Sơn La trên địa bàn, các cấp, ngành chức năng tỉnh ta không chỉ tạo điều kiện tối ưu về phát triển hạ tầng cơ sở mà còn triển khai nhiều giải pháp tổ chức, hỗ trợ sản xuất cho người dân. Nhờ vậy, cuộc sống của người dân TĐC đang dần tốt hơn, bà con yên tâm sản xuất...
Đến TX. Mường Lay vào những ngày đầu tháng 7 – thời điểm mùa mưa hàng năm bắt đầu vào “chính vụ”, nhưng không giống mấy năm trước với những con đường trong khu dân cư đều trong tình trạng “nắng bụi, mưa lầy” thì cơ bản đường sá nội thị đã được hoàn thiện, giao thông thuận lợi. Tại những khu điểm TĐC, những ngôi nhà sàn khang trang, san sát bám ven hồ; hoạt động dịch vụ - thương mại cũng ổn định hơn.
Thực hiện công tác giao đất sản xuất cho các hộ TĐC để người dân sớm ổn định cuộc sống, đến nay, tỉnh đã giao đất sản xuất cho các hộ TĐC trên địa bàn huyện Tủa Chùa và Mường Nhé. Đối với TX. Mường Lay mới tạm giao đất bán ngập sản xuất nông nghiệp cho hơn 400 hộ dân TĐC nông nghiệp. Dự kiến, trong quý III năm 2013 sẽ hoàn thành giao đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ dân còn lại.
Đồng thời, đang hoàn chỉnh hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng tại các bãi tưới của các công trình thủy lợi đã xây dựng. Thị xã cũng hoàn thành xây dựng 6 công trình thủy lợi đảm bảo tưới cho khoảng 150ha lúa ruộng và sớm hoàn thành việc khai hoang để chia ruộng nước cho các hộ TĐC. Cùng với đó, việc phê duyệt quy hoạch chi tiết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TX.
Mường Lay đã tạo điều kiện thuận lợi khi triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, như: sản xuất nấm sò vụ đông xuân năm 2012 - 2013 triển khai tại bản Ổ (xã Lay Nưa); nuôi cá rô phi đơn tính trong lồng ở lòng hồ Mường Lay; nuôi gà theo hướng an toàn sinh học… đem lại hiệu quả đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân.
Chị Lò Thị Định, bản Ổ, xã Lay Nưa cho biết: Tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi, trồng các loại nấm, rơm rạ sau vụ gặt gia đình tôi giữ lại để trồng nấm sò theo hướng dẫn của Trạm Giống nông nghiệp huyện Điện Biên. Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, mô hình trồng nấm sò đã giúp gia đình tôi thu hơn 2 triệu đồng/tháng. Đối với vụ đông xuân, trồng nấm sò cho năng suất và sản lượng cao hơn mà quy trình sản xuất khá đơn giản, vốn đầu tư ít, đầu ra thuận lợi.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tăng cường mở các lớp tập huấn về công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất cho các hộ TĐC nông nghiệp tại các khu, điểm TĐC, góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế cho người dân trên đơn vị diện tích.
Từ năm 2012 đến nay, các cơ quan chuyên môn trong toàn tỉnh phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức 20 lớp chuyển giao kỹ thuật, chuyển đổi sản xuất cho các hộ dân TĐC với trên 700 lượt người tham gia. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, sau khi được tập huấn, người dân nắm được quy trình sản xuất, ứng dụng phát triển các mô hình kinh tế phù hợp, góp phần ổn định và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nhằm mở rộng diện tích đất sản xuất cho các hộ TĐC trên địa bàn các huyện, thị xã có các hộ TĐC, thời gian qua, tỉnh cũng tập trung chỉ đạo các sở, ngành liên quan giúp các địa phương rà soát, tổng hợp, lập phương án triển khai thực hiện công tác kiểm kê, đo đếm diện tích đất có khả năng khai hoang phục hóa chuyển đổi thành diện tích đất sản xuất; rà soát các công trình thủy lợi để thực hiện việc đầu tư xây dựng nhằm tạo quỹ đất phục vụ công tác sản xuất.
Tại TX. Mường Lay, diện tích khai hoang của các bãi tưới thuộc 3 công trình thủy lợi: bản Đớ, Na Tung và bản Mo đã tạo ra gần 59ha đất sản xuất chia cho 704 hộ dân (thuộc 16 bản), góp phần giúp người dân ổn định sản xuất.
Related news
Sáng 26-7, Sở Khoa học – Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức hội đồng nghiệm thu đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh thái trong quản lý rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”, do kỹ sư Trần Thị Hiến, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện.
Anh Lê Đình Bắc quê ở Bình Dương, từng là công nhân cao su có thâm niên gần 20 năm. Với mong muốn phát triển kinh tế độc lập, nhưng do thiếu vốn, đất đai ở quê nhà lại đắt đỏ, nên cách đây 7 năm, anh quyết định lên Dak Lak và chọn vùng đất triền đồi thôn 1, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) để định cư và thực hiện ý tưởng của mình.
Năm 2011, anh Huỳnh Văn Thành, 59 tuổi đầu tư hơn 1 tỉ đồng xây dựng trang trại tại xã Phước Thắng (huyện Bác Ái) nuôi heo siêu nạc. Anh Thành chăn nuôi theo phương thức: Công ty CP đầu tư con giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh và bao tiêu sản phẩm, anh đầu tư nhân công chăm sóc và xây dựng chuồng trại nuôi 1.100 con heo siêu nạc. Trang trại xây dựng tiên tiến bao gồm kho dự trữ thức ăn, khu vực để thuốc thú y, dụng cụ khám, chữa bệnh và hệ thống nước uống tự động. Nhờ chăm sóc và phòng bệnh chu đáo nên đàn heo của anh Thành phát triển tốt, mỗi năm nuôi 2 lứa, mỗi lứa xuất bán trên 110 tấn heo thịt, sau khi trừ chi phí anh còn lãi khoảng 200 triệu đồng/lứa.