Nuôi trâu nhốt chuồng ở Nà Tang
Thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) có 76 hộ dân đều là đồng bào Mông. Ông Lầu Văn Thào, Bí thư chi bộ thôn Nà Tang chia sẻ, phong trào nuôi trâu nhốt chuồng bắt đầu ở thôn từ cách đây chục năm. Về kinh nghiệm nuôi trâu theo cách này thì hiếm có hộ nào vượt được nhà ông Lý Văn Súng.
Trong ảnh: Ông Lý Văn Súng, thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) chăm sóc trâu nhốt chuồng. Ảnh: Nguyễn Đạt
Ông Súng bảo, nhà mình nuôi trâu đã chục năm nay, lúc nào cũng duy trì đàn từ 6 - 7 con trở lên. Bây giờ trong chuồng nhà mình có 8 con, trong đó có 2 con trâu cái sinh sản. Trâu thịt thì mình vỗ béo rồi đến chợ phiên thì bán, còn trâu cái thì giữ lại để sinh sản, nhân đàn. Nuôi trâu nhốt chuồng vất vả hơn thả rông, vì nguồn thức ăn cần nhiều lắm, ngoài cỏ trên rừng, nhà mình cũng trồng mấy sào cỏ voi để trữ thức ăn cho nó. Theo ông Súng thì người nuôi nhốt ngoài việc nuôi trâu cái để sinh sản cũng phải bỏ công đi tìm ở các thôn bản trong huyện để mua trâu, bò của những gia đình có trâu, bò nhưng thiếu nhân lực, buộc phải bán để lấy tiền trang trải và tiếp tục duy trì đàn. Ngoài ra, người dân ở đây đến các chợ phiên để tìm mua về. Giá mua đầu vào khoảng 10 đến 15 triệu đồng/con. Sau khi nuôi từ khoảng 5 đến 7 tháng vỗ béo có thể bán được từ 20 đến 25 triệu đồng, trâu 3 - 4 tuổi có thể bán với giá từ 40 đến 50 triệu đồng/con.
Theo Bí thư Chi bộ thôn Nà Tang - Lầu Văn Thào, thì thôn Nà Tang này hầu như nhà nào cũng chăn nuôi trâu, nhà ít thì 2 đến 3 con, nhà nhiều thì trên 7 - 8 con. Toàn thôn hiện cũng có trên 167 con trâu, 6 con bò. Ngoài gia đình ông Súng, ở Nà Tang cũng có nhiều hộ duy trì đàn từ 6 - 7 con trở lên như hộ ông Lý Văn Vàng, Hoàng Văn Ty, Lầu Văn Hầng... Nhờ nuôi nhốt, được cung cấp đầy đủ nguồn thức ăn nên đàn trâu sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, ở thôn chưa năm nào có trâu bò chết dịch hay mắc các bệnh như lở mồm long móng. Nhiều hộ gia đình đã chủ động sử dụng những diện tích đất ven suối, soi bãi hoặc đất vườn đồi để trồng cỏ voi và các loại cỏ khác để phục vụ chăn nuôi nhốt.
Lợi thế của Nà Tang là ngay tại xã Hùng Lợi có chợ trâu, bò diễn ra vào ngày thứ Bảy hàng tuần, là điểm trung chuyển lớn nhất của cả khu vực ATK nên khá thuận lợi trong việc chăn nuôi nhốt đại gia súc. Giá trị giao dịch trâu, bò mỗi phiên chợ ước tính lên đến vài trăm triệu đồng. Ông Đỗ Ngọc Ước, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi cho biết, xã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nhân dân trong xã nói chung và ở Nà Tang nói riêng phát triển nghề chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa. Từ chương trình 135, năm nào Hùng Lợi cũng dành một nguồn vốn nhất định để mở rộng diện tích trồng cỏ voi cho đàn trâu, hiện toàn xã có hơn 50 ha cỏ voi, trong đó riêng ở Nà Tang là gần chục ha.
Related news
Đó là 1 trong những mục đích hướng tới của hội thảo "Tăng cường năng lực thể chế cho phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng cà phê"
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, so với giá thành chăn nuôi, giá bán hiện vẫn thấp hơn nên người chăn nuôi chưa có lãi, thậm chí còn lỗ.
Từ bỏ cây lúa năng suất thấp trên vùng đất nhiễm phèn, 10 năm sau ngày chuyển sang nuôi lợn, thả cá, ông Hà Văn Sáu đạt nông dân sản xuất kinh doanh giỏi