Giá / Tôm sú

Nuôi tôm sú an toàn, không kháng sinh: Lợi ích thấy rõ

Nuôi tôm sú an toàn, không kháng sinh: Lợi ích thấy rõ
Tác giả: Chúc Ly
Ngày đăng: 29/11/2018

Giới thiệu mô hình nuôi tôm sú bền vững không lạm dụng thuốc kháng sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm; gắn kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị sản phẩm... là mục tiêu của hội thảo nhân rộng mô hình nuôi tôm sú đảm bảo an toàn thực phẩm, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tại Bạc Liêu sáng 20.11.

Nông dân Cà Mau thu hoạch tôm sú. Ảnh: C.L 

Tôm sú vẫn có thị trường ổn định

Theo đánh gia của Tổng cục Thủy sản, năm 2016 diện tích thả nuôi tôm sú của cả nước là 600.339/694.645ha, tương đương 86,4% diện tích thả nuôi tôm nước lợ. Trong đó, vùng ĐBSCL có diện tích nuôi tôm sú lớn nhất, với 566.582ha. Đây là loài có giá trị thương mại cao, có thị trường ổn định và khả năng cạnh tranh lớn.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thừa nhận rằng, tôm thẻ chân trắng có đặc tính sinh học vượt trội hơn so với tôm sú, sau khi du nhập vào Việt Nam và đã dần chiếm lĩnh khu nuôi công nghiệp truyền thống và mở rộng ra nhiều vùng nuôi khác, diện tích tăng nhanh: Năm 2009 đạt 3.398ha, năm 2013 đạt 66.000ha, năm 2016 đạt 94.246ha.

Còn diện tích nuôi tôm sú có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2009-2013 với tốc độ giảm bình quân 0,84%/năm. Tuy nhiên, tôm sú vẫn là loài thủy sản nuôi quan trọng nhất nghề thủy sản Việt Nam, đóng góp tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Mặc dù vậy, ngành nuôi tôm trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn và thách thức như tình hình dịch bệnh, sản phẩm còn mất an toàn thực phẩm do nhiễm hóa chất cấm, nhiều lô hàng bị các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Úc từ chối nhập khẩu, người nuôi chưa áp dụng những tiến bộ kỹ thuật, chưa đầu tư nguồn lực phù hợp…

Hướng tới sản xuất an toàn thực phẩm

Vừa qua, Bộ NNPTNT đã phê duyệt dự án Xây dựng mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh, đảm bảo an toàn thực phẩm. Mục tiêu của dự án là phát triển mô hình nuôi tôm sú bền vững không lạm dụng thuốc kháng sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm, gắn kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị sản phẩm.

Theo dự án, sẽ xây dựng 24 mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh đảm bảo an toàn thực phẩm, quy mô 5ha/mô hình đạt các chỉ tiêu kỹ thuật: Năng suất vùng hạ trên 1 tấn/ha, vùng trung và cao triều năng suất đạt trên 2 tấn/ha; cỡ thu hoạch đạt từ 40 con/kg; tỷ lệ sống trên 60%. Quá trình nuôi theo hướng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới đảm bảo an toàn thực phẩm…

Ông Lê Ngọc Quân (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) - chủ nhiệm dự án, cho biết: Mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh, đảm bảo an toàn thực phẩm phù hợp mức đầu tư người dân, mật độ không cao nhưng an toàn dịch bệnh, hiệu quả cao, an toàn thực phẩm. Vì vậy, dự án có tác động lớn đến người dân, khả năng nhân rộng mô hình trong thời gian tới là rất lớn tại các tỉnh tham gia dự án.

Cũng theo ông Quân, kết quả thực tiễn cho thấy, với thời gian nuôi trung bình từ 145-147 ngày, cỡ tôm đạt trung bình khoảng 40 con/kg. Năng suất tôm nuôi ở vùng cao triều đạt trung bình 2,4 tấn/ha, vùng hạ triều 1,56 tấn/ha.

Qua 2 năm triển khai thực hiện dự án, các chỉ tiêu kỹ thuật như năng suất vượt mục tiêu đề ra 1,5 lần. Ngoài ra, ngay từ khi triển khai tại địa phương, mỗi mô hình đều thành lập Ban đánh giá an toàn thực phẩm có đại diện Sở NNPTNT hoặc Chi cục Thủy sản, UBND xã có mô hình, đơn vị thực hiện.

Chia sẻ tại hội thảo, TS Bùi Quang Tề cho rằng: Giải pháp quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm. Vấn đề cấp thiết cần phải nghiên cứu những chất thay thế kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Nghiên cứu để có thể sản xuất chế phẩm có nguồn gốc hoàn toàn từ thảo dược bằng công nghệ cao, có độ an toàn sinh học cao, có thể thay thế những loại thuốc và kháng sinh đang được sử dụng hiện nay trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá tôm thâm canh, nuôi tôm công nghệ cao.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, hiện nay nghề nuôi tôm nước lợ công nghiệp đang gây sức ép lớn đến môi trường nuôi. Ngoài ra, nghề nuôi tôm cũng đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh bùng phát khắp nơi, giá thành cao, hiệu quả kinh tế thấp bởi có nhiều rủi ro, chất lượng sản phẩm thấp do dự lượng kháng sinh và hóa chất độc hại, tôm xuất khẩu vào các thị trường thế giới còn gặp nhiều khó khăn. Từ đó, đã và cần có thêm nhiều giải pháp để phát triển nghề nuôi tôm hiệu quả, bền vững ở Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nhận định: Để nuôi tôm có hiệu quả, nông dân cần lưu ý thiết kế ao đồng bộ, phải có ao lắng, ao chứa, ao nuôi… Nông dân cần lựa chọn con giống đảm bảo, tốt nhất là áp dụng nuôi 2 giai đoạn; phải tạo được thức ăn tự nhiên cho tôm; duy trì vi sinh vật có lợi, trong đó không thể không dùng chế phẩm sinh học; tăng sức đề kháng cho con tôm; quản lý thức ăn, nguồn nước thật tốt.


Có thể bạn quan tâm

Điều gì xảy ra trên tôm nhiễm Vibrio harveyi và V. parahaemolyticus Điều gì xảy ra trên tôm nhiễm Vibrio harveyi và V. parahaemolyticus

Việc điều tra sự tương tác giữa vi khuẩn và vật chủ xảy ra trong đường tiêu hóa có thể dẫn đến các chiến lược mới để phòng ngừa, kiểm soát các bệnh nhiễm trùng

29/11/2018
Lợi ích của chế phẩm sinh học đối với tôm nuôi Lợi ích của chế phẩm sinh học đối với tôm nuôi

Sự phát triển nhanh chóng của hoạt động nuôi tôm đã kéo theo việc suy giảm sản lượng trên toàn thế giới mà nguyên nhân chính là việc bùng phát dịch bệnh

29/11/2018
Bệnh vàng mang, vàng gan trên tôm Bệnh vàng mang, vàng gan trên tôm

Phòng bệnh vàng mang, vàng gan trên tôm cần được thực hiện từ khâu chuẩn bị ao nuôi đến khâu lựa chọn con giống chất lượng không mang mầm bệnh

29/11/2018