Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Bước Đệm Quan Trọng Trong Quy Hoạch
Những năm gần đây, do tác động của thời tiết, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp đã gây không ít khó khăn cho nhiều hộ nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long. Thực tế diện tích tôm nuôi bị thiệt hại liên tục tăng từ đầu năm đến nay. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại và góp phần nâng cao chất lượng tôm nuôi, thời gian qua, ngành nông nghiệp các tỉnh, thành trong vùng đã triển khai nhiều mô hình nuôi theo hướng cải tiến. Sau đây là ghi nhận tại Cà Mau – địa phương dẫn đầu về diện tích nuôi tôm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng như nhiều người nuôi tôm khác ở đồng bằng sông Cửu Long, anh Huỳnh Chí Thanh ngụ tại xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau rất lo lắng trước tình hình dịch bệnh trên tôm bùng phát và gây thiệt hại. Tuy nhiên, kể từ khi tham gia mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến do ngành nông nghiệp tỉnh triển khai thì những lo lắng đó không còn nữa.
Khác với cách nuôi truyền thống, nông dân phải tự bơi cả đầu vào lẫn đầu ra dẫn đến tính rủi ro rất cao, nhất là đối với những nông hộ ít vốn, ít đất; còn nuôi quảng canh cải tiến bà con được ngành nông nghiệp địa phương tư vấn từ cách chọn giống, cách phòng chống dịch bệnh cho đến khâu thu hoạch và tiêu thụ.
Anh Huỳnh Chí Thanh phấn khởi cho biết: "Lúc trước mình nuôi theo kiểu truyền thống, tôm nó phát triển rất chậm, nhiều dịch bệnh; còn khi tham gia mô hình này có nhiều chỗ hay là mình diệt được tạp, phơi được đất màu mỡ hơn".
Ông Trần Minh Nhiều, Phó Trưởng phòng NN&PTNN huyện Đầm Dơi, Cà Mau nhấn mạnh: "Mình sẽ kết hợp với bà con nông dân đến với trại giống chất lượng, sau khi lựa chọn và kiểm nghiệm đạt rồi thì mình sẽ cho bà con thả nuôi".
Theo ngành nông nghiệp địa phương, nuôi quảng canh cải tiến sẽ giám sát chặt chẽ và giảm được việc sử dụng các loại thuốc hóa học, thức ăn,… ưu tiên dùng sản phẩm vi sinh bảo vệ môi trường. Do đó, không chỉ hạn chế dịch bệnh mà còn góp phần nâng cao năng suất tôm nguyên liệu. So với nuôi tôm truyền thống, nông dân tham gia mô hình này có lãi từ 25 - 30 triệu đồng/ha.
Ông Đỗ Thanh Hài, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, Cà Mau bày tỏ quyết tâm: "Huyện đang tập trung chỉ đạo các ngành, tăng cường hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân thực hiện mô hình này để làm bước đệm cho những mô hình nuôi tôm cao hơn như nuôi công nghiệp. Do đó, chúng tôi sẽ triển khai quyết liệt để mang lại hiệu quả cao nhất cho người nuôi tôm".
Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất khu vực ĐBSCL, với diện tích chiếm hơn 260.000 ha. Tuy nhiên, phần lớn là nuôi theo truyền thống, do đó, hiệu quả chưa xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng, mô hình nuôi quảng canh cải tiến là trong những bước đệm quan trọng để tiến tới mô hình sản xuất cao hơn, nhất là mục tiêu quy hoạch vùng nuôi theo hướng bền vững đáp tốt nhu cầu xuất khẩu hiện nay.
Related news
Tỉnh Đồng Tháp hiện có 146 cơ sở sản xuất kinh doanh và 1.264 cơ sở ương giống thuỷ sản; đặc biệt, trong đó có 1.174 cơ sở nhân giống cá tra, sản xuất được hơn 28 tỷ cá bột và trên 2 tỷ cá tra giống. Các cơ sở không những cung ứng đủ giống cá tra trong tỉnh mà còn cung ứng 60 - 70% cá tra giống cho các tỉnh khu vực ĐBSCL.
Bao đời nay đời sống của người dân tại các vùng ven biển Quảng Trị nói chung và xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong nói riêng chủ yếu dựa vào nghề biển. Từ năm 2008, khi phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng rộ lên với nhiều gia đình trúng tiền tỷ từ con tôm thì giấc mơ đổi đời từ tôm đã có sức hút mạnh mẽ đối với người dân. Nhiều gia đình đã bỏ nghề đi biển để đầu tư tiền bạc, công sức vào nuôi tôm. Tuy nhiên, phần lớn người nuôi tôm cũng chỉ trúng vài vụ đầu, đến nay do dịch bệnh tràn lan đã khiến hàng trăm hộ gia đình nơi đây lâm vào cảnh nợ nần.
Vốn đầu tư không nhiều; thị trường rất tiềm năng; kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng đơn giản; rủi ro ít, thức ăn tiêu tốn chỉ bằng 1/3 heo nhà… Đó là những lợi thế vượt trội của việc nuôi heo rừng hiện nay. Ông Nguyễn Văn Bồng, ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn (Bình Định) cho biết như vậy.