Prices / Tin thủy sản

Nuôi tôm ghép cá đối mục, lợi cả đôi đường

Nuôi tôm ghép cá đối mục, lợi cả đôi đường
Author: A.Kiều
Publish date: Monday. December 23rd, 2019

Cá đối mục là loài cá đối cỡ lớn, thịt béo, thơm ngon, thị trường ưa chuộng, giá trị kinh tế cao. Huyện Bình Sơn vừa thử nghiệm thành công mô hình nuôi xen ghép tôm thẻ chân trắng với cá đối mục, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho nghề nuôi tôm khi môi trường nuôi tôm đang bị suy thoái như hiện nay.

Cá đối được thả nuôi ghép trong hồ nuôi tôm của ông Nhựt.

Giá trị kinh tế cao

Chỉ tay ra đồng tôm, nơi tôm, cá đối thi nhau nhảy vọt lên khỏi mặt nước, ông Nguyễn Văn Nhựt, thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương (Bình Sơn) nói: “Tôm khỏe mạnh hơn nhờ nuôi chung với cá đối. Nhiều người treo hồ, thấy mình nuôi thành công họ đến tham quan đông lắm!”.

Ông Nhựt cho biết, sau nhiều năm nuôi tôm thất bại, ông đã lang thang tìm hiểu mô hình nuôi tôm hạn chế dịch bệnh nhờ các giải pháp sinh học từ các loài cá như cá dìa, cá đối. Ông đã từng thả nuôi thử nghiệm số lượng ít cá dìa, cá đối và chọn cá đối vì nguồn giống dễ tìm hơn các loại cá khác. 

Năm 2017, ông đã tự bỏ tiền ra mua 1.500 con cá đối mục về thả nuôi ghép với tôm. Ông vui mừng khi thả nuôi xen cá đối mục, con tôm phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh như trước, môi trường nước trong và sạch hơn nhờ cá đối ăn tảo trong hồ. 

Thấy có giá trị kinh tế cao và triển vọng mở ra hướng nuôi tôm bền vững, ông Nhựt không ngần ngại thực hiện thí điểm mô hình này. Ông Nhựt là nông dân đầu tiên được Trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn chọn thực hiện thử nghiệm mô hình.

Tháng 4.2018, Trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn thả 1.000 con cá đối mục theo tỷ lệ 1 con/m2 trên diện tích 5.000m2 hồ nuôi tôm của gia đình ông Nguyễn Nhựt. Đến tháng 6.2018, tôm thẻ chân trắng với số lượng 200.000 con được thả nuôi kết hợp với cá đối mục. 

Sau gần 2,5 tháng nuôi với tôm và 5 tháng nuôi với cá đối mục, cả cá và tôm đều phát triển rất tốt, cá đối đạt trọng lượng từ 0,4 - 0,6 kg/con, tỷ lệ sống đạt hơn 90%. Với giá bán tôm 95.000 đồng/kg, cá đối mục 100.000 đồng/kg, ông Nhựt thu về hơn 200 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 80 triệu đồng.

Mở ra hướng nuôi tôm bền vững 

Những năm qua thời tiết diễn biến thất thường, từ khoảng tháng tư trở đi thường xuyên có mưa dông, nắng gắt, mưa đột ngột làm cho nồng độ axit trong ao nuôi luôn biến động, tảo phát triển mạnh, tôm nuôi khó phát triển, dịch bệnh. 

Cá đối giúp môi trường nuôi sạch hơn vừa có giá trị kinh tế cao, nguồn giống dễ tìm. 

Nuôi thâm canh tôm với các loài cá như cá đối, cá dìa, cá chẽm, cá măng… là giải pháp giúp hạn chế dịch bệnh cho tôm, đồng thời tăng thu nhập cho người nuôi.

Tôm sống ở tầng mặt, cá sống ở tầng đáy. Thức ăn của cá là rong tảo, mùn bã hữu cơ trong ao, thức ăn thừa của tôm, không cạnh tranh thức ăn với tôm, giúp môi trường nuôi sạch hơn. 

“Trong các loài cá có thể nuôi kết hợp với tôm thì cá đối mục là loài dễ nuôi nhất và hiệu quả kinh tế không kém gì các loại cá khác. Cá dìa nguồn giống khó tìm trong tự nhiên, phụ thuộc nhiều quạt nước trong hồ nuôi tôm, thiếu oxy chỉ trong thời gian ngắn có thể cá dìa sẽ chết, còn cá đối rất khỏe, trong trường hợp khẩn cấp chúng ngoi lên mặt nước để thở” - ông Nhựt tiết lộ.  

Với cá rô phi, dù được ví là máy lọc nước sinh học, nhưng chúng cạnh tranh thức ăn với tôm, ăn cả tôm nên không thể nuôi ghép trên cùng một diện tích ao nuôi như cá đối, cá dìa, cá chẽm…

Nước bơm vào hồ nuôi cá rô phi, suốt thời gian khoảng nửa tháng, không cho cá ăn mà để chúng ăn thức ăn có sẵn trong nước. Sau đó tiến hành bơm nước từ hồ nuôi cá rô phi sang hồ thả nuôi tôm thả nuôi tôm. Mô hình này vừa tốn diện tích, cá rô phi sinh sản rất nhanh, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. 

Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ông Nguyễn Quang Trung cho biết, thử nghiệm thành công mô hình nuôi xen ghép tôm với cá đối mục đã mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho nghề nuôi tôm khi môi trường nuôi tôm đang bị ô nhiễm như hiện nay.

Những vụ tới, huyện Bình Sơn sẽ hỗ trợ để nhiều người nuôi tôm được tiếp cận cách nuôi mới, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, góp phần thay đổi cách nuôi, thay đổi thế độc canh con tôm có nhiều rủi ro do dịch bệnh, cải thiện môi trường trong ao nuôi tôm vừa tăng giá trị kinh tế cho người nuôi. 


Related news

Vai trò của ánh sáng trong hệ thống nuôi tôm biofloc Vai trò của ánh sáng trong hệ thống nuôi tôm biofloc

Biofloc là một hổn hợp của tảo, vi khuẩn, nguyên sinh động vật (protozoans) và các hạt vật chất hữu cơ như phân tôm cá và các mảnh vụn thức ăn

Monday. December 23rd, 2019
Trị ký sinh trùng trên cá bằng lá cây tiêu Trị ký sinh trùng trên cá bằng lá cây tiêu

Tiềm năng của tinh dầu (EO) được tạo ra từ 1 loài tiêu để bổ sung vào thức ăn cho cá như một cách kiểm soát giun tròn trên cá. Kết quả của họ được đăng

Monday. December 23rd, 2019
Nuôi tôm trong hệ thống siêu mặn hạn chế thay nước Nuôi tôm trong hệ thống siêu mặn hạn chế thay nước

Nuôi tôm ở các vùng bán khô hạn như Tây Bắc Mexico phải đối mặt với tỷ lệ bốc hơi cao, độ mặn cao và các điều kiện khó khăn để giảm việc thay nước

Monday. December 23rd, 2019