Nuôi Tôm Đất Tại Long An Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Tại huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) người dân đang đẩy mạnh mô hình nuôi tôm đất (tôm đất là giống tôm thiên nhiên, mấy năm nay huyện ươm giống thuần dưỡng phục vụ chuyển đổi nuôi trồng thuỷ sản) do có hiệu quả kinh tế cao.
Là người có kinh nghiệm nuôi tôm sú 15 năm, anh Nguyễn Hoàng Lâm ở ấp Luỹ, xã Phước Lại cho biết, hai năm nay anh nuôi thử 0,5 ha tôm đất thấy vốn đầu tư ít, kỹ thuật nuôi đơn giản hơn so với nuôi tôm thẻ chân trắng hay tôm sú do thức ăn có thể sử dụng cám trộn với thức ăn công nghiệp, hoặc canh nước lớn tháo cống lấy thức ăn ngoài thiên nhiên.
Cùng với đó, nguồn nước cũng không cần phải xử lý lắng lọc, bởi tôm đất thích nghi với vùng nước lợ. Nuôi tôm đất cũng không cần phải sử dụng cánh quạt nước như nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú. Ngoài ra, thời gian nuôi tôm đất cũng ngắn, chỉ 50 - 60 ngày là thu hoạch. Điều quan trọng là năng suất tôm đất đạt 400 - 500 kg/ha, trong khi giá bán hiện nay từ 100.000 - 120.000 đồng/kg. Chính vì vậy, mỗi năm anh Lâm nuôi 3 vụ trừ chi phí lãi gần 100 triệu đồng/ha.
Một người nuôi tôm khác là Anh Võ Văn Mười, xã Phước Lại cũng cho biết, hai năm nay anh sử dụng 0,8 ha ao đầm nuôi tôm sú xen canh với nuôi tôm đất, thấy nuôi tôm đất hiệu quả kinh tế cao hơn tôm sú, bởi đầu ra tiêu thụ nội địa rất thuận lợi, nguồn giống tại chỗ không phải mua trôi nổi và cũng được kiểm dịch chặt chẽ.
Theo ông Huỳnh Văn Tường, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cần Giuộc, mô hình nuôi tôm đất ở xã Phước Lại đạt hiệu quả kinh tế rất cao, chi phí thấp, thời gian nuôi ngắn, rủi ro thấp và lãi cao.
Hiện nay, xã Phước Lại phát triển 10 ha, huyện Cần Giuộc đang khuyến cáo nông dân áp dụng mô hình lúa – tôm đối với các xã nằm ven biển để khai thác vùng nước lợ phát triển nuôi tôm đất, hay mô hình tôm đất xen canh với tôm thẻ chân trắng, tôm sú để hạn chế ô nhiễm môi trường từ nước thải ao đầm nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú.
Related news
Tình trạng đình trệ thi công nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học tại Phú Thọ đang khiến hàng trăm hộ nông dân của vùng nguyên liệu trồng sắn rơi vào cảnh bấp bênh khi thiếu đầu ra tiêu thụ.
Theo lãnh đạo UBND xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), trên địa bàn xã có 11 hộ ở ấp 5 bị tình trạng “bắp không hạt” với diện tích gần 4 hécta.
Những năm gần đây, nông dân xã Tân Phong (Cai Lậy, Tiền Giang) đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật xử lý chôm chôm ra hoa trái vụ, góp phần nâng cao mức sống cho nhiều nông hộ, trong đó có anh Huỳnh Văn Chiến ở ấp Tân Luông A.