Nuôi thủy sản trái vụ
Chưa thể bán
Gia đình ông Nguyễn Vĩnh Hiền (thôn Tân Phú, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) tất bật hơn vào những ngày này vì phải đôn đáo mua các loại cá nục, cá ngừ giá rẻ về cung cấp thức ăn cho cá chẻm.
“Cá nục, cá ngừ có giá đến hơn 10.000 đồng/kg vào thời điểm này.
Hơn 4 nghìn con cá chẻm được nuôi trong thời gian 10 tháng qua cần đến hơn 100kg thức ăn mỗi ngày.
Vị chi ít nhất mỗi ngày gia đình phải tốn hơn 1 triệu đồng tiền mua thức ăn cho cá.
Lùng sục khắp các chợ nhưng rất khó mua được cá giá rẻ về làm thức ăn cho cá nuôi” - ông Hiền nói.
Tháng 2.2015, gia đình ông Hiền đầu tư nuôi 6.000 con cá chẻm trong 3 lồng nuôi có thể tích tổng cộng là 210m3 ở sông Tam Kỳ đoạn chảy qua địa bàn.
Thời điểm này, hơn 4.000 cá chẻm đạt trọng lượng trung bình khoảng 1kg/con, gia đình ông Hiền có thể xuất bán.
Nhưng do giá cá chẻm thương phẩm hạ thấp nên gia đình nhất quyết chưa bán.
“Chừ bán thì thu được khoảng 250 triệu đồng mà chi phí nuôi cá trong vòng 10 tháng qua đã hơn số đó.
Mình đành giữ cá lại, nuôi thêm, chờ bán vào dịp tết thường có giá cao hơn.
Có vậy thì mới nuôi hy vọng lấy công làm lời” - ông Hiền nói.
Thời điểm này năm trước, cá chẻm thương phẩm có giá 90.000 đồng/kg nhưng hiện nay một số tư thương chào mua chỉ với giá 60.000 đồng/kg.
Gia đình ông Hiền cầm cự chờ ngày cá có giá cao hơn (dù mỗi ngày tốn hơn 1 triệu đồng tiền mua thức ăn cho cá).
Giá tôm thương phẩm đang nhích dần lên trong thời gian gần đây đã mở ra cơ hội thu lợi cho các nông hộ đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh.
Nhiều nông hộ nuôi tôm trên cát đã quyết định “ghim” tôm nuôi thêm một thời gian nữa mới xuất bán.
“Mỗi năm, gia đình chúng tôi đầu tư nuôi 3 vụ tôm thẻ chân trắng.
Ở 2 vụ trước của năm này, tôm nuôi chết hàng loạt, gia đình đã chịu lỗ số vốn khá nhiều.
Chừ có thể bán được rồi nhưng chưa vội vì giá tôm thương phẩm có thể sẽ tăng cao trong thời điểm cận kề tết.
Lúc đó bán sẽ thu lợi nhiều hơn, gỡ gạc phần nào tình cảnh làm ăn không đạt trong thời gian qua” - ông Nguyễn Mạnh (thôn Đồng Trì, xã Bình Hải, Thăng Bình) nói.
Theo phân tích của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, nguyên nhân khiến giá tôm nước lợ tăng trong thời gian gần đây là vì nhu cầu tôm xuất khẩu dịp cuối năm tại thị trường châu Âu và Mỹ lớn, cộng với thị trường Trung Quốc nhập nhiều tôm thẻ chân trắng của Việt Nam.
Quan trọng hơn là những doanh nghiệp chế biến thủy sản đang thiếu nguyên liệu, phải nâng giá để thu gom đủ tôm thương phẩm, chế biến xuất khẩu theo đơn đặt hàng.
Mặt khác, năm nay dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp mà giá tôm nằm ở mức thấp trong thời gian dài nên nhiều hộ nuôi tôm không dám thả nuôi.
Vì vậy, vụ tôm “nghịch” vào thời điểm cuối năm đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho các hộ nuôi do cung quá thấp so với nhu cầu.
Xem lại cách đầu tư
Vào thời điểm này, 2 anh em Nguyễn Tấn Đồng, Nguyễn Tấn Vinh (thôn Tân Phú, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) cũng tiếp tục nuôi cá chẻm ở sông Tam Kỳ (đoạn chảy qua địa bàn) dù cá nuôi trong 10 lồng đã đến thời điểm xuất bán.
“Tính đi tính lại, với giá cá chẻm thương phẩm là 60 nghìn đồng/kg thì chừ bán ra cũng chỉ mới hòa vốn chứ không thể lời được.
Lỡ thất thoát cá trong lúc thu hoạch thì lỗ là cái chắc.
Kinh nghiệm tích lũy trong nhiều năm nuôi cá mách chúng tôi nên giữ cá lại để bán trong dịp tết.
Hàng hóa trái vụ sẽ bán được giá cao hơn nhiều” - ông Nguyễn Tấn Đồng nói.
Sợ bão lụt nên ông Đồng, ông Vinh tìm cách neo giữ thật chặt các bè cá thả nuôi trên sông.
Lưới chắn không cho cá nhảy ra khỏi lồng nuôi cũng được trang bị kỹ càng hơn.
Ông Đồng cho biết, ở vụ nuôi sang năm sẽ cơ cấu lại mùa vụ nuôi cá kỹ hơn để có thể bán cá vào thời điểm dự báo khan hiếm hàng hóa.
Để thực hiện điều đó, gia đình chuẩn bị sẵn các phương án tối ưu để nuôi cá, nhất là giảm tổn thất đến mức ít nhất có thể trong mùa lũ lụt.
Với mong muốn có thể thu được giá trị kinh tế ổn định hơn khi giá tôm liên tục giảm sút trong thời gian qua, nhiều hộ nuôi tôm ở vùng triều ven sông trên địa bàn thôn Vĩnh Nam (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) đã thay đổi phương thức sản xuất.
Họ tiếp tục nuôi tôm vào thời điểm đã kết thúc lịch mùa vụ, mong muốn xuất bán tôm thương phẩm vào dịp tết để có thể thu lợi sau đầu tư.
Bởi vậy, vào những ngày này, nhiều nông hộ vẫn cặm cụi duy trì nuôi tôm dù đã có thể xuất bán sau 3 tháng thả nuôi.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết, người nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát có thể chọn lựa mọi thời điểm trong năm để thả nuôi, qua đó có thể quyết định lúc xuất bán tôm thương phẩm theo ý muốn.
Tuy nhiên, người nuôi tôm ở vùng triều ven sông vào thời điểm kết thúc lịch mùa vụ phải đối diện với nhiều mối nguy.
Đó là tôm thương phẩm có thể bị thất thoát bất cứ lúc nào nếu lũ lụt kéo đến bất ngờ.
Thời tiết dạo này cũng thất thường nên tôm nuôi có thể bị bệnh và dịch bệnh tấn công.
“Các hộ nuôi cần kiểm soát chặt chẽ các yếu tố của môi trường nước, đặc biệt là lượng ôxy hòa tan, độ mặn, độ pH và dõi tâm chăm sóc tôm nuôi kỹ hơn so với thời điểm nuôi thông thường trong năm.
Các nông hộ cũng cần có biện pháp hữu hiệu để giảm bớt độ lạnh cho tôm vào thời điểm cuối tháng 12, ví dụ như dùng giàn lưới để che phủ trên nóc khu vực nuôi tôm” - bà Tâm khuyến cáo.
Có thể bạn quan tâm
Tại khu vực ven biển Hải Phòng vừa qua đã liên tiếp xảy ra các đợt thủy triều đỏ ven đảo Cát Bà và Đồ Sơn, ảnh hưởng xấu đến việc nuôi trồng thuỷ sản.
Hơn 65 đại diện của ngành thủy sản Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tập trung thảo luận việc xây dựng tiêu chuẩn chung cho tôm nuôi và nghị định thư Dự án Phát triển thủy sản bền vững (FIP) vào cuối tháng 12/2013 tại Băng Cốc, Thái Lan.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, dự kiến đến năm 2020 cả nước sẽ có 1,2 triệu ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó vùng ĐBSCL chiếm tới 90,8%, với khoảng 805.000 ha.