Nuôi thủy sản theo công nghệ 'sông trong ao'
Mới đây, tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức hội thảo tổng kết mô hình "Nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ “sông trong ao” nhằm đánh giá hiệu quả để mở rộng sản xuất.
Máy xử lý và hút thải phân cá ở cuối bể tại mô hình hộ nông dân Phan Nhân Lợi
Nuôi bền vững
Tham dự hội thảo có các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên các phòng chuyên môn của Sở NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống thủy sản Hà Nội, lãnh đạo Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông của 18 huyện trên địa bàn thành phố và lãnh đạo xã Sài Sơn.
Trước khi diễn ra hội thảo, các đại biểu đã trực tiếp tham quan mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ “sông trong ao” tại hộ gia đình ông Phan Nhân Lợi (thôn Đa Phúc – Sài Sơn). Tại đây, đoàn được nghe chủ mô hình chia sẻ về quy trình, cấu tạo và kỹ thuật để cá chép phát triển tốt nhất, cách chăm sóc để các đạt năng suất hiệu quả cao.
Trong những năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản của Hà Nội được quan tâm phát triển với nhiều vùng nuôi đã được đầu tư cơ sở hạ tầng như ở Thường Tín, Ba Vì, Phú Xuyên... Cùng với đó, phương thức nuôi của người dân cũng thay đổi sang bán thâm canh và thâm canh có áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật trong quản lý, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh.
Tuy nhiên, ở các vùng nuôi vẫn còn xảy ra sự lạm dụng thuốc kháng sinh và hóa chất trong phòng trị bệnh, cải tạo môi trường nuôi dẫn đến sự kháng thuốc đối với các động vật nuôi, tồn dư thuốc trong các sản phẩm thủy sản, gây suy thoái môi trường nuôi và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Với mục đích góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, đem đến cho người dân phương pháp nuôi bền vững, tạo vùng sản xuất tập trung, tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng của thủ đô Hà Nội, năm 2018 Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng mô hình nuôi cá chép ứng dụng công nghệ “sông trong ao”.
Ngay trong năm đầu thực hiện Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai 5 mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao”, quy mô 5ha tại các huyện Quốc Oai, Thường Tín và Phú Xuyên.
Việc triển khai áp dụng hình thức nuôi theo công nghệ mới này mang lại rất nhiều những ưu điểm như hạn chế việc thay nước, tăng năng suất nuôi trong cùng diện tích, hạn chế việc sử dụng thuốc và hóa chất trong quá trình nuôi. Đây được coi là một trong những giải pháp tạo ra môi trường nuôi an toàn hiệu quả và bền vững.
Chẳng hôi tanh mùi bùn
Nuôi theo công nghệ “sông trong ao” đã giảm mùi bùn trong sản phẩm, đồng thời chủ động trong việc thu hoạch góp phần giảm chi phí nhân công, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Mô hình nuôi cá theo công nghệ mới là hệ thống bể nuôi cá có thiết kế đặc biệt. Ở đầu mỗi bể, có các hệ thống ống dẫn thổi khí liên tục tạo thành dòng chảy như ở các sông suối tự nhiên
Bên cạnh đó, áp dụng những tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, sử dụng hệ thống sông để luôn duy trì 24/24 dòng chảy trong ao nước tĩnh với việc thổi khí và quạt nước liên tục, nhờ đó hàm lượng oxy luôn bảo đảm để nuôi mật độ cao. Hệ thống xi phông được sử dụng hàng ngày giúp thu gom chất thải, thức ăn thừa để môi trường nước luôn được đảm bảo.
Chế phẩm sinh học Aqua clear – S được sử dụng định kỳ nhằm góp phần tạo môi trường nuôi bền vững, an toàn. Từ đó, tạo ra sản phẩm sạch, bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Hệ thống sông cũng hạn chế việc thay nước trong suốt quá trình nuôi, đồng thời giúp giảm mùi bùn trong sản phẩm sau thu hoạch, cá vận động liên tục nên thịt cá săn chắc, thơm ngon hơn.
Trung tâm Khuyến nông đã đề nghị Sở NN-PTNT cho phép tiếp tục triển khai mô hình áp dụng công nghệ mới này trong những năm tới trên địa bàn thành phố.
Khi tham gia mô hình nuôi thí điểm người dân được hỗ trợ toàn bộ cá giống, 30% chế phẩm sinh học, 30% lượng thức ăn nhưng theo người dân điều quan trọng nhất giúp họ thành công với công nghệ nuôi cá hiện đại này là sự hướng dẫn kỹ càng theo dõi sát sao của cán bộ chuyển giao kỹ thuật.
Sau hơn 5 tháng áp dụng mô hình hoàn toàn mới này, năng suất nuôi cá chép của ông Phan Nhân Lợi đã gia tăng gấp bội. “Trước đây, nuôi theo phương pháp cũ năng suất đạt kém lắm, chỉ đạt được tầm 4,5 – 5 tấn/ha. Nhưng từ khi áp dụng và xây mô hình nuôi theo công nghệ này thì số lượng tăng gấp 10 lần. Cá lớn nhanh gần gấp đôi mà,thịt ngon, săn chắc”- ông Lợi chia sẻ.
Tại hội thảo, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đánh giá mô hình đã thu được những kết quả rất khả quan. Kết quả ban đầu cho thấy mô hình đã giúp tăng mật độ nuôi cao gấp 10 - 20 lần, tốc độ tăng trưởng cao hơn 30%, năng suất cao hơn 2 - 3 lần, tỷ lệ nuôi sống đạt trên 87%, thu nhập lên tới 220 – 250 triệu/ha cao gấp 1,5 – 2 lần so với phương pháp nuôi truyền thống.
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho hay: “Mô hình sau một năm đi vào hoạt động đã cho thấy hiệu quả cao, tuy nhiên yêu cầu về kĩ thuật và kiểm soát phải rất chặt chẽ. Vì thế, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con, các hộ phải có diện tích mặt nước phải trên 5.000 mét vuông, thứ hai phải có kinh phí đầu tư tương đối lớn, xấp xỉ 300 triệu đồng và phải nhiệt tình, tận tâm thì mới có thể ứng dụng được mô hình này”.
Mô hình nuôi cá “sông trong ao” được đánh giá là hướng đi hoàn toàn mới nhằm thay đổi tư duy của người nông dân trong nuôi trồng thủy sản, hướng tới sản xuất tiên tiến áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Đây là tâm điểm của dự án sản xuất vi tảo làm thức ăn cho cá và tái chế các phụ phế phẩm ngành thủy sản thành nhiên liệu sinh học.
ProTyton, một nguyên liệu thức ăn protein đơn bào (SPC) đã được các nhà khoa học tại Mỹ và Canada chứng minh có khả năng nâng cao tỷ lệ sống, tăng trưởng
Cá nâu còn được người dân quê tôi gọi là cá dĩa beo vì trên mình có nhiều hoa văn như da con beo. Thân cá dẹp, hình hơi tròn, đầu nhỏ, ngắn