Khá Giả Nhờ Nuôi Chim Trĩ Đỏ
Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển chăn nuôi con đặc sản, năm 2012, Trung tâm Khuyến nông TP.Hà Nội triển khai thí điểm mô hình nuôi chim trĩ đỏ khoang cổ trên địa bàn huyện Đan Phượng.
Đến nay, mô hình đã có những thành công đáng ghi nhận. Ông Bùi Đức Thủy- cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Đan Phượng cho biết: Năm 2011, sau khi biết thông tin chim trĩ đỏ khoang cổ được Trung tâm Bảo tồn giống vật nuôi, Viện Chăn nuôi Quốc gia, nhân nuôi, bảo tồn và đưa vào nuôi tại các hộ dân, Trung tâm Khuyến nông huyện Đan Phượng đã tìm hiểu, tham quan và tiến hành xây dựng mô hình nuôi thí điểm đầu tiên tại xã Phương Đình với 600 con/9 hộ nuôi.
Mô hình do Tổ chức Allianz Mission (Cộng hòa Liên bang Đức) hỗ trợ cho vay vốn ban đầu. Sau thời gian nuôi thấy có hiệu quả, năm 2012, Trạm Khuyến nông Đan Phượng tham mưu, đề xuất với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Sở NNPTNT Hà Nội xây dựng mô hình trình diễn 3.000 con/30 hộ nuôi tại địa phương.
Huyện Đan Phượng là địa phương đầu tiên nuôi thí điểm chim trĩ đỏ thành công trên địa bàn thành phố. Trong quá trình triển khai, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức cho nông dân tham quan, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ 100% giống ban đầu, thức ăn nuôi…
Đến nay, toàn huyện có gần 100 hộ nuôi tại các xã Hạ Mỗ, Thượng Mỗ, Phương Đình, Song Phượng, thị trấn Phùng, Đồng Tháp. Nhiều hộ thu lãi được từ 15-20 triệu đồng từ chim thịt (khoảng 100 con), 70-80 triệu đồng/năm từ 20-30 chim mái đẻ như gia đình bà Đỗ Thị Phức ở phố Nguyễn Thái Học, thị trấn Phùng; ông Phùng Văn Thọ ở thôn Phương Mạc, xã Phương Đình…
Theo kinh nghiệm của các hộ nuôi tại đây, việc nuôi gà và nuôi chim trĩ không khác nhau về chuồng trại, thức ăn nhưng tỷ lệ nuôi thành công chim trĩ cao hơn gà vì bản chất của chim trĩ là động vật hoang dã nên sức đề kháng tốt. Vì vậy, những trang trại, hộ dân đã có kinh nghiệm nuôi gà càng dễ tiếp nhận và thành công trong mô hình nuôi chim trĩ.
Trước đây, thu nhập gia đình ông Nguyễn Văn Viên, ở xã Song Phượng chỉ trông vào mấy sào ruộng, nhưng được hỗ trợ vốn, chuyển giao kỹ thuật, kinh tế gia đình đã ổn định và bắt đầu làm giàu từ việc nuôi chim trĩ đỏ. Ông Viên cho biết: "Chim trĩ đỏ được ghi trong Sách đỏ Việt Nam nên trước khi nuôi, các hộ đều cần xin giấy chứng nhận đăng ký nuôi động vật hoang dã thông thường do Trạm Kiểm lâm chứng nhận. Qua thực tế, tôi thấy nuôi chim trĩ đỏ là một nghề đem lại lợi ích kinh tế, giúp người dân làm giàu mà không quá khó".
Cũng nhờ nuôi chim trĩ đỏ mà kinh tế nhiều hộ gia đình ở Đan Phượng ngày một khá giả. Hầu hết các hộ chăn nuôi đều khẳng định mô hình nuôi loài chim này là hướng đi đúng, sẽ đầu tư mở rộng chuồng trại nuôi trong thời gian tới.
Theo ông Bùi Đức Thủy, hiện nay rất nhiều nông dân trong thành phố và các tỉnh đã đến Đan Phượng tham quan, học hỏi về mô hình nuôi chim trĩ đỏ khoang cổ. Các cán bộ Trạm Khuyến nông Đan Phượng luôn sẵn sàng tư vấn, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời cũng là một kênh cung ứng con giống, chim thương phẩm cho thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Con tôm sú một thời là nguồn thu nhập chính của hàng ngàn hộ nông dân ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Tuy nhiên, sau những vụ nuôi thất bát do dịch bệnh làm tôm chết hàng loạt đã đẩy không ít nông dân lâm cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất.
Thực tế hiện nay, sự sụt giảm về giá cả, hoành hành của sâu bệnh khiến năng suất mì giảm, hiệu quả đầu tư của bà con bị ảnh hưởng đáng kể. Trong khi đó, trồng mì theo mô hình trên địa bàn lại mang đến những kết quả bất ngờ.
Nếu được chăm bón đầy đủ, hồng xiêm cho năng suất rất cao (có thể có đạt năng suất từ 30 - 40 tấn quả/ha). Giá của chúng lại chưa bao giờ rẻ. Vậy, sao ta chưa trồng hồng xiêm?